Huế: Lan tỏa phong trào phụ nữ làm giàu ở Phú Lộc

13/10/2021
Phong trào phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh đã và đang có sức lan tỏa trong hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Phú Lộc. Số mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ có thu nhập cao xuất hiện này càng nhiều.
Chị Võ Thị Nhung Xuân (phải) giới thiệu sản phẩm của mình tại các hội chợ (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Lãi hàng trăm triệu đồng

Ngôi nhà kiên cố, khang trang của vợ chồng chị Nguyễn Thị Sương, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn Làng Đông (xã Lộc Hòa) nằm giữa trang trại rộng lớn. Trang trại có hơn ngàn con gà, hàng chục con heo thịt. Chị Sương chia sẻ: “Chồng tôi bị tật, nếu tôi không nỗ lực, gia đình mãi không vươn lên được”.

Nghĩ vậy, chị Sương chăm chỉ làm việc gấp đôi. Thấy triển vọng từ 2 cặp heo thí điểm ban đầu từ vốn vay của phụ nữ xã, chị Sương quyết lập trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Để hạn chế rủi ro khi chăn nuôi tập trung, chị tìm sách, báo nghiên cứu kỹ thuật chăn nuôi, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do hội phụ nữ các cấp phối hợp tổ chức. Được trang bị kiến thức chăn nuôi tập trung, chị Sương tìm đến hội phụ nữ xin được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để xây trang trại kiên cố và đầu tư thêm con giống. Chị đã tận dụng thức ăn tự nhiên nuôi gà lai đá, vừa bảo đảm chất lượng gà vừa tiết kiệm chi phí thức ăn trong quá trình nuôi.

Mỗi năm tăng đàn một ít, đến nay, trang trại chăn nuôi của chị Sương được đánh giá là mô hình tốp đầu trong xã. Chị được Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam ủy thác làm đại lý chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi, con giống và dịch vụ  kỹ  thuật phát triển bền vững. Trung bình 3 tháng, chị Sương xuất một lứa gà 1 ngàn con, và hàng chục con heo. Từ đầu năm đến nay, chị xuất bán ba lứa gà, hai lứa heo, hiện đang vỗ béo 50 con heo thịt và hàng ngàn con gà để phục vụ thị trường tết. Theo chị Sương, so với mấy năm trước, hai năm nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19, giá cả sụt giảm nhiều nhưng mỗi lứa gà, chị vẫn thu lãi gần 50 triệu đồng; riêng heo lãi một con hơn 2 triệu đồng.

Để phát triển sản xuất, hai năm gần đây, chị Sương tiếp tục cải tạo vườn, trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, mỗi năm cho thu nhập thêm gần 100 triệu đồng. Nâng tổng thu nhập hàng năm cho gia đình hơn 350 triệu đồng. Thấy thành quả chị Sương gầy dựng được, nhiều hội viên khác mạnh dạn vay vốn, sử dụng vốn có hiệu quả, cuộc sống ngày càng khấm khá.

Được các cấp hội phụ nữ tạo đòn bẩy, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, từ cơ sở chế biến thủy hải sản nhỏ lẻ, chị Võ Thị Nhung Xuân (xã Lộc Vĩnh) dần thay đổi quy mô sản xuất theo hướng chuyên nghiệp hơn. Chị đăng ký thương hiệu “Mắm Xuân Anh” cho sản phẩm của mình.

Năm 2019, chị Xuân mạnh dạn tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức và giành giải 3. Từ cuộc thi, chị Xuân học hỏi được nhiều kinh nghiệm nên đầu tư thiết kế lại mẫu mã sản phẩm, đáp ứng đủ các chỉ tiêu khắt khe để tham gia chương trình sản phẩm OCOP. Kết quả sản phẩm của cơ sở Mắm Xuân Anh đã đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh 3 sao năm 2020. Hiện sản phẩm của chị đã tự tin cạnh tranh trên thị trường toàn quốc.

Chị Cái Diệu Trang, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Lộc cho biết, ngoài chị Sương, chị Nhung, nhiều phụ nữ Phú Lộc đã tận dụng lợi thế vùng biển, đầm phá, gầy dựng nhiều mô hình nuôi trồng thủy hải sản, du lịch cảnh quan sinh thái gắn với dịch vụ nhà hàng ẩm thực, đồng thời phát triển các cơ sở may công nghiệp…, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hiện, trên địa bàn huyện Phú Lộc có 5 sản phẩm đạt OCOP, thì có 4 sản phẩm do phụ nữ làm chủ.

Làm tốt vai trò cầu nối

Theo chị Cái Diệu Trang, để tạo đà cho hội viên phát triển kinh tế, các cấp hội đã tập huấn, đào tạo cho đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở kiến thức, phương pháp khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Hướng hoạt động khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của phụ nữ vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, đồng thời biết phát huy các đặc sản, nghề truyền thống địa phương. Kịp thời phát hiện những dự án, ý tưởng hay tham gia các cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm. Hội LHPN huyện đã hỗ trợ hàng trăm hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế. 

Hội LHPN huyện cũng ra mắt cửa hàng giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giúp kết nối giới thiệu tiêu thụ sản phẩm cho hội viên. Đồng thời, nhận ủy thác vốn từ các ngân hàng với tổng số dư nợ là 232,8 tỷ đồng cho trên 10 ngàn hộ vay để khởi nghiệp, phát triển kinh tế.

Nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội LHPN huyện Phú Lộc mạnh dạn đưa ra chỉ tiêu phấn đấu, hàng năm, mỗi cơ sở hội giúp ít nhất 3 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Trong nhiệm kỳ, thành lập ít nhất 2 mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ. Tiếp tục hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, trong đó, tập trung khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ hiện thực hóa ý tưởng, định hình mô hình kinh doanh, từng bước xây dựng, phát triển thành doanh nghiệp. Vận động phụ nữ tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ hợp tác, hợp tác xã để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video