Hưng Yên: 87 mô hình “phế liệu sạch” hỗ trợ hội viên phụ nữ, trẻ em Khoái Châu khó khăn

04/01/2021
Tận dụng nguồn rác thải ra hàng ngày trong mỗi gia đình, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đã linh hoạt sáng tạo được 87 mô hình “Phế liệu sạch”. Số tiền bán phế liệu được gây quỹ, dùng để thăm hỏi tặng quà cho 113 hội viên khó khăn, bảo trợ 2 trẻ mồ côi, hỗ trợ 15 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Chị em, hội viên phụ nữ xã Tân Dân vận chuyển phế liệu sạch đến điểm tập kết để ủng hộ

Nhận thấy ý nghĩa thiết thực của việc phân loại rác thải, những rác thải sạch (túi nilon, vỏ lon, hộp nhựa, giấy, bìa carton…) sau khi được phân loại, có thể thu gom lại để bán lấy tiền gây quỹ hỗ trợ các hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, tháng 7/2017, phụ nữ Khoái Châu – Hội LHPN huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đã phát động triển khai mô hình "Phế liệu sạch" tới 25 Hội LHPN xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Chia sẻ về việc triển khai mô hình này trong thời gian qua, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Khoái Châu Vũ Thị Tịnh cho biết: "Mô hình phế liệu sạch, giúp hội viên tạo thói quen phân loại xử lý rác thải, tận dụng nguồn rác thải để giảm thiểu lượng rác thải nhựa trên địa bàn. Bên cạnh đó, thông qua việc thực hiện mô hình này đã tận dụng được nguồn rác thải nhựa bán đi để lấy tiền hỗ trợ hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến nay, toàn huyện có 87 mô hình phế liệu sạch và tổng số tiền thu được hơn 200 triệu đồng".

Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Khoái Châu Vũ Thị Tịnh: "Đến nay, toàn huyện có 87 mô hình phế liệu sạch và tổng số tiền thu được hơn 200 triệu đồng".

Nổi bật trong số đó là mô hình "Phế liệu sạch" của Hội LHPN xã Tân Dân, tuy triển khai từ cuối năm 2019 nhưng đến nay đã thu gom được 6 đợt, với tổng phế liệu sạch thu gom được là 13 tấn, bán và gây quỹ được 20 triệu đồng. "Đây là mô hình rất mới, chúng tôi đang làm điểm dưới sự chỉ đạo của Hội LHPN tỉnh và đang được các hội viên hưởng ứng nhiệt tình. Cụ thể, chúng tôi phát động mỗi hội viên thu gom ít nhất là 1kg rác thải nhựa/tháng, và hàng tháng Hội sẽ tổ chức thu gom một lần", bà Đỗ Thị Huyền, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Dân cho hay.

Ban đầu khi mới triển khai, do người dân còn chưa hiểu rõ ý nghĩa nhân văn của mô hình này, nên việc vận động của các cán bộ hội đã gặp nhiều khó khăn. "Đầu tiên cũng gặp khó khăn, người ta bảo 'úi giời ơi', 'tôi cũng gọi đồng nát đến', người ta nhặt lại để bán. Nhưng kể từ khi tuyên truyền số rác thải này dùng để hỗ trợ các hội viên khó khăn thì dần dà người dân cũng hình thành thói quen ủng hộ", bà Nguyễn Thị Mừng (45 tuổi), Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Bãi Sậy 1 chia sẻ.

Từ khi mô hình này được phát động, Chi hội Phụ nữ thôn Bãi Sậy 1 đã thu gom được 3 đợt, đợt thứ nhất được 275kg, đợt 2 được 345kg và mới đây nhất được 250kg. Số phế liệu sau khi bán gây được hơn 4 triệu đồng tiền quỹ, đã trích ra để giúp đỡ 3 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Trước sự ảnh hưởng tích cực của mô hình, chị Hoa Thị Oanh, hộ dân thôn Bãi Sậy 2 bày tỏ: "Thu gom rác thải nhựa, thứ nhất là sạch môi trường, thứ hai là lấy rác thải sạch bán đi một phần để lấy kinh phí để hỗ trợ các hội viên khó khăn". Còn đối với ông Han Văn Cao (63 tuổi), hộ dân thôn Bãi Sậy 2 "Mô hình này có hiệu quả, tôi cũng gom được một số phế liệu để nộp cho bên phụ nữ. Nếu lan rộng được là cái tốt, đảm bảo vệ sinh môi trường".

Số tiền thu được từ việc bán phế liệu sạch dùng để hỗ trợ hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Kể từ khi mô hình được triển khai cho đến nay, không chỉ trên địa bàn thôn Bãi Sậy 1, Bãi Sậy 2, mà còn cả ở xã Tân Dân dường như không còn xuất hiện tình trạng người dân để rác thải nhựa vương vãi, ô nhiễm trong lòng đất, cùng với đó nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường của người dân cũng được nâng lên rõ rệt.

Để phát huy những kết quả tích cực này, đặc biệt trong thời gian tới – Tân Dân xã là một trong 4 xã của huyện Khoái Châu đủ tiêu chuẩn công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu, Hội LHPN xã Tân Dân sẽ thu gom phế liệu sạch một tháng 2 lần, thay vì 1 lần như trước đây.

"Trước kia, mỗi một tháng chúng tôi thu gom một lần, thế nhưng tới đây có thể một tháng chúng tôi thu gom 2 lần, thu gom triệt để rải nhựa ở trên địa bàn, không để vương vãi rác thải nhựa trong dân cư nữa, để tạo ra một môi trường trong sạch trên địa bàn", bà Đỗ Thị Huyền, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Dân chia sẻ.

Trong những năm tới đây, để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho hội viên phụ nữ, Hội LHPN huyện Khoái Châu sẽ tiếp thục thực hiện các mô hình phân loại rác thải, trong đó có mô hình "Phế liệu sạch".

"Hội cũng sẽ tham mưu với UBND huyện, Phòng Tài nguyên - Môi trường kết hợp với UBND các xã giảm tiền thu gom rác thải trong khu dân cư đối với những hộ thực hiện mô hình này tốt. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ chỉ đạo các Chi hội tăng cường thời lượng sinh hoạt chuyên đề về nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, từ đó để tạo sức lan tỏa trong hội viên phụ nữ về việc phân loại và xử lý rác thải hiện nay tại địa phương", Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Khoái Châu Vũ Thị Tịnh cho biết.

Số tiền bán phế liệu được Hội LHPN huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) gây quỹ trên 200 triệu đồng, dùng để thăm hỏi tặng quà cho 113 hội viên khó khăn, bảo trợ 2 trẻ mồ côi, hỗ trợ từ 300.000 - 400.000 đồng/tháng/người đối với 15 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video