Hưng Yên: Nữ đại gia chân đất tích cực giúp phụ nữ nghèo

14/07/2020
Không chỉ tạo công ăn việc làm cho hơn 40 người lao động trong xã, bà Đỗ Thị Vừng còn giúp đỡ nhiều phụ nữ nghèo, bỏ tiền túi ra làm 1km đường bê tông cho bà con đi lại được thuận tiện hơn.
Bà Vừng được tặng nhiều bằng khen về gương phụ nữ làm kinh tế giỏi, người cao tuổi làm kinh tế giỏi

Ở xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, bà Đỗ Thị Vừng (SN 1955) nổi tiếng vì có trong tay hơn 10 mẫu đất trồng cây giống, cho doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm. Tuy giàu có nhưng bà ăn mặc rất giản dị, thường xuyên đi chân đất nên người trong thôn gắn cho bà biệt danh "đại gia chân đất".

Bà Vừng giản dị, lao động cần mẫn, chăm chỉ

Đang bận bịu ngoài vườn nhưng nghe tin có khách đến, bà Vừng lại tất tả rửa tay, pha nước niềm nở chuyện trò vui vẻ. Nhâm nhi chén trà, đưa mắt nhìn ra vườn cây xanh ngát vút tầm mắt, bà Vừng kể lại câu chuyện cuộc đời đầy sóng gió và cơ duyên đến với nghề cây giống giúp bà thoát những khó khăn cùng cực.

Những năm 1988, khi đi trồng chuối thuê cho một gia đình ở Gia Lâm, Hà Nội, bà quen một người làm trong Viện Nghiên cứu Rau quả và được giới thiệu vào học kỹ thuật làm cây. Khi đã có được kiến thức cần thiết, bà về quê và bắt đầu công việc làm cây giống. Thời ấy, quê bà không ai làm nghề này.

Bà Vừng giản dị, lao động cần mẫn, chăm chỉ

Từ khi bà Vừng nổi tiếng thành công với nghề làm cây giống, cả làng, cả xã đều đến để học hỏi kinh nghiệm. Bà Vừng nói mình đã chia sẻ, tư vấn, giúp đỡ rất nhiều người ở các tỉnh khác như Hà Nam, Phú Thọ, Sơn La..., đến nay hầu hết họ đều thành công. Mỗi hộ lấy cây của bà về trồng đều được "bảo hành" về giống, hướng dẫn chi tiết kỹ thuật, thậm chí giới thiệu đầu ra cho sản phẩm.

Xã Tân Châu hiện nay nổi tiếng với nghề làm cây giống. "Tôi chia sẻ không vì cái gì cả, vì từng được giúp đỡ nên bây giờ giúp lại mọi người thôi", bà Vừng tâm sự.

Ở độ tuổi đáng được nghỉ ngơi, gia đình đã yên ấm, kinh tế ổn định nhưng dáng dấp người đàn bà gần 70 tuổi với vài ba bộ quần áo cũ sờn suốt ngày "chân lấm tay bùn" bước đi thoăn thoắt ngoài ruộng đã quá đỗi quen thuộc với những người dân nơi đây.

Có người hỏi bà sao phải lao động cật lực thế? Bà Vừng chỉ nhoẻn miệng cười bảo: "Tôi làm ăn không hết, chết không mang theo được thì để cho con, cho cháu. Ngoài ra, còn để giúp những người nghèo khó hơn".

Đầu năm nay, bà Vừng đã ủng hộ 1 tấn gạo cho các cụ già không nơi nương tựa, có hoàn cảnh khó khăn trong xã và 600kg gạo cho 6 hội viên phụ nữ nghèo. Không chỉ có thế, bà còn tự bỏ tiền túi ra làm 1km đường bê tông cho bà con đi lại được thuận tiện hơn.

Nhiều năm nay, bà Vừng đã duy trì việc làm cho hơn 40 công nhân, mỗi ngày thu nhập 150-200 nghìn đồng. Trong số những công nhân làm việc cho bà Vừng, bà Nguyễn Thị Tầm (SN 1953) có hoàn cảnh rất khó khăn. Chồng bà Tầm mất sớm, các con đều không có việc làm ổn định, thu nhập gần như không có. Bà Tầm vốn là giáo viên mầm non về hưu, có 35 năm dạy trẻ nhưng không có lương hưu. Gần cuối đời, bà vẫn phải lao động miệt mài để trang trải cuộc sống.

Ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Tân Châu, cho biết, bà Đỗ Thị Vừng là người đầu tiên đem nghề làm cây giống về xã, giúp bộ mặt kinh tế của địa phương khởi sắc hơn. Ngoài ra, bà Vừng cũng đóng góp làm những công trình xã hội hóa như các các con đường liên thôn, cổng làng. Bên cạnh đó, bà Vừng thường xuyên giúp đỡ phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong xã.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video