Hướng tới bình đẳng giới thực chất trong công tác cán bộ nữ

03/02/2016
Tính chung cả nước, tỷ lệ cán bộ nữ trúng cử Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Có 21/65 Đại hội có tỷ lệ cấp ủy nữ trên 15%, nhiệm kỳ trước chỉ có 10 Đại hội.

Có 466 nữ ủy viên BCH tỉnh ủy, chiếm 13,27% (nhiệm kỳ trước là 11,4%); 104 nữ ủy viên Ban Thường vụ, trong đó có 17 nữ Phó Bí thư, 3 Bí Thư Tỉnh ủy( Vĩnh Phúc, Ninh Bình, An Giang). Nhiều đơn vị có kết quả bầu với tỷ lệ cán bộ nữ trong Ban Chấp hành cao như: Kiên Giang: 25%; Cao Bằng: 21,82%; Sơn La: 21,82%; TP HCM: 21,74%...

Đại hội có kết quả bầu tỷ lệ nữ trong Ban Thường vụ cao nhất là TP HCM đạt 26,67%. Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đều đạt 20%; Cao Bằng: 20%; Trà Vinh: 20%... Ngược lại, các Đảng bộ: Thái Bình, Khánh Hòa, Bình Định, Hậu Giang… không có cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ tỉnh ủy.

(Nguồn: báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương)

Bà Hồ Thị Thủy, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc

Đại hội Đảng các cấp vừa qua, tỉnh nào cơ bản cũng đưa ra chỉ tiêu đạt tỷ lệ 15% nữ ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ, nhưng chỉ có 21/65 Đại hội có tỷ lệ cấp ủy nữ đạt trên 15%. Trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND các cấp năm 2016 để đạt được tỷ lệ nữ như mong muốn là 30% thì còn nhiều việc cần làm. Đã có quy định cứng trong danh sách ứng cử đại biểu cần đạt ít nhất 35% nữ ứng cử viên. Tuy nhiên, vấn đề lựa chọn, bồi dưỡng, phát hiện cán bộ như thế nào để đưa vào danh sách ứng cử hay chỉ đưa vào danh sách để… gạch tên?

Về mặt luật pháp, chính sách liên quan tới phụ nữ cơ bản đã đầy đủ, thậm chí ít nước đầy đủ như Việt Nam. Nhưng phụ nữ tham gia chính trị, quản lý Nhà nước vẫn gặp nhiều khó khăn. Qua hoạt động giám sát và thực tế ở nhiều địa phương có tình trạng chung là: Công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ chưa thật sự được chú trọng. Nhìn sâu xa hơn, tôi cho rằng chính là vấn đề cơ hội của phụ nữ còn hiếm hoi. Trong đó, phụ nữ ít có cơ hội lại chủ yếu lại nằm ở vấn đề tuổi để bổ nhiệm, đề bạt. Vấn đề tuổi này lại liên quan tới tuổi nghỉ hưu của phụ nữ. Ví dụ, nam sinh năm 1958 (57 tuổi) vẫn được tái cử vào cấp ủy. Trong khi nữ sinh năm 1962 (53 tuổi) lại không được tái cử, vì đã chuẩn bị đến tuổi nghỉ hưu.

Phụ nữ chúng tôi muốn bình đẳng giới thực chất, chứ không phải bình đẳng trên nghị quyết và các văn bản giấy tờ. Muốn bình đẳng thực chất, theo tôi, trước mắt phải giải quyết được vấn đề tuổi nghỉ hưu, cần sửa đổi lại Bộ Luật lao động về tuổi hưu của phụ nữ. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì phụ nữ tham chính, quản lý Nhà nước sẽ luôn mất cơ hội.

Chị Mai Thị Phượng - Hội LHPN phường Thuận Giao (Thuận An, Bình Dương)

Nếu nghiên cứu kỹ sẽ thấy hiện nay chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với vấn đề phụ nữ tham chính đã tương đối cụ thể, đầy đủ. Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ nữ cấp ủy hiện nay vẫn khiêm tốn. Tỷ lệ phụ nữ tham gia các cấp ủy Đảng, cơ quan dân cử, cơ quan quản lý Nhà nước còn chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ. Theo tôi,về vấn đề này, quan trọng hơn cả vẫn là vai trò của người đứng đầu cấp ủy . Bản thân họ phải làm sao nhận thức được khả năng, vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Các cấp ủy phải có chủ trương, chỉ tiêu cụ thể và xuyên suốt đối với tỉ lệ lãnh đạo nữ, phải tạo điều kiện cho phụ nữ học tập, rèn luyện để nâng cao năng lực, trình độ.

Cần xác định công tác phụ nữ và quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền, mặt trận… Cần đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị nhằm khắc phục những hạn chế,thiếu sót. Thiết nghĩ, có làm được như vậy tỉ lệ nữ lãnh đạo mới được nâng cao.

Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội

Qua Đại hội Đảng bộ các tỉnh vừa qua, có những tỉnh đạt được tỷ lệ nữ ủy viên khá cao, ví dụ như Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang đạt cao với tỷ lệ 25% nữ ủy viên Ban chấp hành đảng bộ tỉnh; Đại hội Thành ủy TP HCM cũng đạt 21,74%, trúng vào Ban thường vụ TP có 4 nữ…

Thực tế đã chứng minh, phụ nữ Việt Nam không thiếu người tài, không thiếu người xứng đáng vào những vị trí lãnh đạo, quản lý Nhà nước, cấp ủy chính quyền.

Tuy vậy, cần phải nhìn nhận vấn đề tổ chức thực hiện thế nào để đạt được những mục tiêu tỉ lệ nữ như mong muốn. Theo tôi, để nâng cao tỷ lệ nữ cán bộ tham gia chính trị , quản lý phụ thuộc nhiều vào các lãnh đạo các ngành, địa phương có tạo điều kiện, hỗ trợ phụ nữ, tăng cơ hội cho phụ nữ cống hiến năng lực của mình hay không. Kèm theo đó, là vấn đề tổ chức thực hiện tốt, chỉ đạo tốt, đặc biệt, cần nhấn mạnh tới sự quản lý sát sao, phát hiện người tài một cách vô tư, công tâm và lãnh đạo, bồi dưỡng tốt thì chắc chắn số lượng của phụ nữ tham chính ngày càng nhiều lên.

Các yếu tố thuận lợi, tạo điều kiện của lãnh đạo, của tập thể dành cho phụ nữ chỉ là yếu tố quan trọng; nhưng sự nỗ lực của bản thân người phụ nữ mới mang yếu tố quyết định. Nếu có điều kiện thuận lợi, nhưng bản thân phụ nữ không cố gắng trau dồi, nâng cao trình độ, phẩm chất thì cũng không đáp ứng được. Chính vì vậy, yếu tố quyết định nhất phải là nội lực của người phụ nữ, liên tục nâng cao trình độ, nỗ lực cố gắng vươn lên.

Anh Lê Đình Tuyển - Quận 7, TP.HCM

Hiện nay, chỉ có một số ít địa phương là làm tốt công tác cán bộ nữ, còn đa phần các tỉnh/thành, tỉ lệ cán bộ nữ vẫn thấp. Tỷ lệ cấp ủy viên, đại biểu Hội đồng nhân dân là nữ ở cấp cơ sở còn được coi là tạm nhưng càng lên cao thì càng giảm xuống. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này, trong đó một số cấp ủy Đảng chưa thực sự quan tâm một cách đúng mức và đầu tư cho công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ, cán bộ trẻ, từ đó chưa mạnh dạn tự tin để bố trí sắp xếp cán bộ nữ, cán bộ trẻ vào những vị trí có thể bổ sung vào các vị trí sau đại hội.

Trong xã hội hiện nay, trình độ, năng lực của người phụ nữ ngày càng cao. Nhiều người thông minh, sắc sảo, có tầm nhìn tốt. Chúng ta không nên nghĩ rằng, người phụ nữ chỉ có nhiệm vụ “xây tổ ấm”. Thực tế, có nhiều công việc, vị trí trong xã hội, người phụ nữ làm rất tốt. Tôi nghĩ, để nâng cao tỷ lệ nữ lãnh đạo cần tiến hành nhiều giải pháp tổng thể. Trong đó, cần quy định trách nhiệm cụ thể đối với những người đứng đầu các địa phương, cơ quan trong triển khai thực hiện công tác cán bộ nữ. Các cấp, các ngành cần có những hành động mạnh mẽ, quyết liệt để tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ nữ đảm bảo số lượng, chất lượng. Coi đây là một nhiệm vụ chiến lược trong công tác cán bộ của Đảng. Bên cạnh đó, bản thân người phụ nữ cũng cần học tập để nâng cao năng lực, thể hiện được khả năng và sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được giao phó.

Theo nhóm PV, báo Phụ nữ Việt Nam (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video