Hưởng ứng Năm Gia đình Việt Nam năm 2013 và Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Cùng Suy Nghĩ Và Hành Động

02/07/2013
Hưởng ứng Năm Gia đình Việt Nam năm 2013 và Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, mỗi gia đình cần hướng tới sự hiểu biết lẫn nhau bằng tình cảm, kiến thức, trí thức và các mối quan hệ xã hội.

Ngày 4 tháng 5 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/2001/ QĐ-TTg việc chọn ngày 28/6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo của các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình Việt Nam thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con (mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con), no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đồng thời vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ và hạnh phúc”

Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp: Tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái, sự hy sinh vô bờ bến của các bậc sinh thành, tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, vợ chồng chung thủy, anh em đoàn kết; chữ tâm, chữ tín, đạo hiếu, lễ nghĩa luôn được đề cao, mà mỗi người trong gia đình phải tuân thủ và có thể xem đó là tinh hoa văn hóa của dân tộc. Cũng xuất phát từ mạch nguồn tình cảm thiêng liêng vô bờ bến đó, nên mỗi khi đất nước lâm nguy, người dân Việt Nam sẵn sàng lên đường vì nghĩa lớn chống lại kẻ thù, bảo vệ đất nước, bảo vệ sự bình yên, hạnh phúc cho mỗi gia đình.

Ngày nay, gia đình Việt Nam đang có bước chuyển lớn từ truyền thống sang hiện đại, chịu sự tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường, đang chi phối các mối quan hệ gia đình: Tình trạng ly hôn (từ năm 2007- 2011, toàn tỉnh đã giải quyết trên 3.000 án hôn nhân và gia đình),chung sống không kết hôn, ngoại tình, quan hệ tình dục trước hôn nhân, nạo phá thai, bạo lực gia đình(đến 30/09/2012 toàn tỉnh có1.036 vụ bạo lực gia đình, nạn nhân của bạo lực gia đình chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già), tình trạng xung đột, mâu thuẩn giữa các thành viên trong gia đình, giữa các thế hệcó xu hướng gia tăng;các tệ nạn xã hội đangxâm nhập vào các gia đình (đến ngày 12/04/2013 tổng số người nhiễm HIV là 387 trong đó có 151 người chuyển sang giai đoạn AIDS). Tội phạm giết người, cướp của đang diễn biến phức tạp, nhất là trong độ tuổi vị thành niên( Theo báo cáo của Công an tỉnh Quảng Trị, từ năm 1998 đến nay, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên xảy ra 2.085 vụ với 2.644 đối tượng, tập trung nhiều nhất ở các tội trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng. Có một số đối tượng người chưa thành niên gây án đặc biệt nghiêm trọng như giết người, cướp, cướp giật tài sản. Các vụ phạm pháp hình sự do người chưa thành niên gây ra tập trung ở thành phố, thị xã, thị trấn. Một số vụ các đối tượng phạm tội không chỉ do bồng bột, thiếu suy nghĩ mà đã có sự tính toán, chuẩn bị khá kỹ càng, tinh vi. Nguồn Báo Quảng Trị o­nline)…ảnh hưởng đến các giá trị đạo đức và lối sống tốt đẹp trong một số gia đình, đặt ra nhiều thách thức cho việc phát triển gia đình Việt Nam.

Nguyên nhân của tình hình trên do nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của gia đình và công tác gia đình chưa đầy đủ; nhiều vấn đề bức xúc về gia đình chưa xử lý kịp thời; đạo đức xã hội của một số gia đình xuống cấp. Công tác giáo dục trước và sau hôn nhân, kiến thức làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử của các thành viên trong gia đình chưa được coi trọng. Nguồn lực hỗ trợ cho sự nghiệp gia đình còn hạn chế nhất là cấp huyện, cấp xã. Sự phối hợp giữa ban ngành, đoàn thể từ cấp tỉnh đến cơ sở trong công tác tuyên truyền, phổ biến Luật liên quan đến gia đình cho người dân chưa được thường xuyên, chưa sâu rộng, nội dung tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng, chưa phù hợp với nhóm đối tượng…

Ngay từ khi bước vào sự nghiệp đổi mới, Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm đến gia đình, công tác gia đình. Tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI đã khẳng định “Gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, con người mới” và liên tục trong các Nghị quyết Đại hội VII,VIII, IX đều đề cập đến vị trí, vai trò của gia đình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đến Đại hội X của Đảng một lần nữa nhấn mạnh: “Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, thích ứng với những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc ”. Tại Đại hội XI các vấn đề liên quan đến gia đình được Đảng quan tâm “ … Sớm có chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hoá, con người Việt Nam, nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế”. Tiếp nối sự quan tâm sâu sắc nói trên, ngày 19 tháng 2 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã chọn năm 2013 là Năm Gia đình Việt Nam. Đây là một sự kiện quan trọng đánh dấu sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong việc xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, bình đẳng và hạnh phúc, phấn đấu hoàn thành mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh ”

Hưởng ứng Năm Gia đình Việt Nam năm 2013 và Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, mỗi gia đình cần hướng tới sự hiểu biết lẫn nhau bằng tình cảm, kiến thức, trí thức và các mối quan hệ xã hội. Mỗi cơ quan, đoàn thể, địa phương cùng suy nghĩ và có những hành động thiết thực, từng bước giải quyết những khó khăn, thách thức trong công tác gia đình. Tiếp tục giáo dục các thành viên trong gia đình có ý thức lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống gia đình: Tình yêu thương, đức hy sinh, lòng vị tha và nhân ái...; có lối sống lành mạnh, ứng xử văn minh phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và xu thế phát triển của thời đại. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục; phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến gia đình; Chiến lược về phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của gia đình; các cơ quan, những người thi hành công vụ liên quan đến gia đình để bảo đảm thúc đẩy việc thực hiện chủ trương, luật pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước về gia đình; về vị trí, vai trò của gia đình trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước... Xây dựng, nhân rộng mô hình gia đình gương mẫu trong làng, xã; tăng cường các hoạt động văn hóa lành mạnh, vận động các thành viên trong gia đình (nhất là nam giới) nói không với các tệ nạn xã hội, không bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình...

Hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam năm 2013 và  Ngày Gia đình Việt Nam 28/6” mỗi chúng ta, mỗi gia đình và cộng đồng cùng suy nghĩ và hành động./.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video