Hưởng ứng Ngày vi chất dinh dưỡng 1-2/6/2010: Tập trung nguồn lực ngừa thiếu vi chất cho trẻ dưới 5 tuổi

07/06/2010
Thiếu vi chất dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tác động xấu đến phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ sau này. Nhân ngày "Vi chất dinh dưỡng" Việt Nam, phóng viên báo SK&ĐS đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Lê Thị Hợp, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng.
 

PV: Xin bà cho biết thực trạng thiếu vi chất dinh dưỡng (VCDD) ở nước ta hiện nay?

 PGS.TS. Lê Thị Hợp:

PGS.TS. Lê Thị Hợp: Trong những năm qua, nước ta đã thu được nhiều thành tựu trong công tác phòng chống thiếu vitamin A, thiếu máu, thiếu iốt, song nhìn chung các bệnh thiếu VCDD hiện nay vẫn còn là những vấn đề quan trọng có ý nghĩa rất lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Theo kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng năm 2009, có khoảng 14% trẻ dưới 5 tuổi bị thiếu vitamin A tiền lâm sàng và khoảng 36,2% trẻ bị thiếu máu.

PV: Bà có thể cho biết tại sao lại có Ngày VCDD và ý nghĩa của ngày này?

PGS.TS. Lê Thị Hợp: Tuy là chăm sóc bà mẹ trẻ em là trách nhiệm của các gia đình nhưng ngành y tế đặc biệt là các cán bộ dinh dưỡng vẫn cần giúp các ông bố, bà mẹ trong việc chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho mọi người đặc biệt là những đối tượng cần ưu tiên như phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Trong những năm qua, Viện Dinh dưỡng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế, phối hợp với các ban ngành triển khai rất hiệu quả Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, Chương trình phòng chống thiếu vitamin A và khô mắt. Giáo dục truyền thông dinh dưỡng đã giúp các bà mẹ nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng hợp lý hơn, tuy nhiên, khẩu phần ăn của trẻ đặc biệt là nông thôn và vùng sâu, vùng xa còn thiếu về số lượng và kém về chất lượng, nhất là thiếu các VCDD. Chúng ta biết rằng, cơ thể không tự tổng hợp được phần lớn các VCDD mà phải do thức ăn cung cấp hàng ngày. Dù là một lượng rất nhỏ, nhưng thiếu VCDD gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ, tới sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Do vậy bổ sung VCDD rất cần thiết đối với trẻ nhỏ. Việt Nam đã lấy ngày 1 và 2 tháng 6 (ngày bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ từ 6-60 tháng tuổi) là "Ngày Vi chất dinh dưỡng". Ý nghĩa của ngày này không chỉ là bổ sung vitamin A cho trẻ mà còn nhắc nhở các bà mẹ và toàn xã hội quan tâm phòng chống thiếu các VCDD khác nữa.

PV: Kế hoạch triển khai Ngày VCDD của năm nay có điểm gì mới hơn so với các năm trước đây, thưa bà?

PGS.TS. Lê Thị Hợp: Triển khai Ngày VCDD là hoạt động thường niên của ngành y tế và cho đến nay đã là năm thứ 25. Kế hoạch triển khai năm nay có chuẩn bị sớm hơn mọi năm. Ngày 19/3/2010, Bộ Y tế đã gửi công văn chỉ đạo các Sở Y tế, Viện Dinh dưỡng và các viện khu vực phối hợp chuẩn bị triển khai "Ngày VCDD" do Thứ trưởng GS.TS. Trịnh Quân Huấn ký. Viện Dinh dưỡng (đơn vị đầu mối triển khai) cũng có công văn hướng dẫn các địa phương triển khai và gửi thông điệp giáo dục truyền thông từ cuối tháng 3. Trong các nội dung truyền thông thì chú trọng đến "dinh dưỡng sớm, phòng chống thiếu VCDD để phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em Việt Nam...".

PV: Bà có lời khuyên gì với các gia đình có trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi) để phòng chống thiếu VCDD?

PGS.TS. Lê Thị Hợp: Để phòng chống thiếu VCDD cho trẻ, các gia đình cần cho trẻ đến các điểm uống vitamin A trong Ngày "Vi chất dinh dưỡng", tổ chức vào 1 và 2 tháng 6. Bên cạnh việc bổ sung vitamin A liều cao 6 tháng 1 lần, có thể sử dụng các sản phẩm được tăng cường vi chất (sắt, kẽm, vitamin A) và đặc biệt quan trọng là phải duy trì nuôi con bằng sữa mẹ và chế độ ăn bổ sung hợp lý.

PV: Xin cảm ơn bà!


Tuyên truyền thực hành dinh dưỡng taiax Vương Lương, Tuyên Quang

suckhoedoisong.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video