Hương Việt lan xa

24/07/2006
Là một trong số ít người Việt thành công trong lĩnh vực nhà hàng ở Nhật Bản, chị Trần Thị Điệp đã tạo dựng nên tên tuổi Nhà hàng Hương Việt ở Tokyo. Người con gái Huế không chỉ làm rạng danh hương vị quê hương trên đất khách mà còn ôm mộng giới thiệu với bạn bè về nền văn hoá Việt Nam.

Tạo hồn quê hương

Buổi tối, khu phố Ichibangai, thuộc khu phố ăn uống sầm uất Kapokicho, quận Shinjuku (Tokyo) đông nghẹt người. Ánh đèn đủ màu sắc của những bảng hiệu, thương hiệu vừa quyến rũ vừa choáng ngợp. Tuy không khuếch trương tên tuổi lớn như những quán khác nhưng nhà hàng Hương Việt dễ nhận thấy bởi những hình ảnh rất đỗi quen thuộc. Đó là cô gái Việt trong tà áo dài thướt tha, đội chiếc nón bài thơ duyên dáng và nở nụ cười thật tươi đón chào khách.

Mới 18 giờ chiều nhưng nhà hàng đã khá đông. Hầu hết đều là người Nhật. Cách bài trí ở đây giản đơn nhưng ấn tượng và ấm cúng. Để tạo nét riêng biệt, chị Điệp đã về Việt Nam chọn lựa từng bức tranh treo tường đến các vật trang trí mang phong cách Việt. Nhìn những chụp đèn mây, bức phên ngăn bằng tre, hình ảnh các cô gái thôn quê Việt Nam và những chiếc lọ hoa, đĩa bằng gốm, sơn mài... ai đến đây cũng có cảm giác thân quen, ấm cúng. Chị Điệp bộc bạch: "Mình muốn khách tới đây không chỉ để thưởng thức ẩm thực Việt Nam mà còn hiểu thêm về văn hóa, con người Việt Nam".

Níu chân khách

Cuốn thực đơn dày cộm được trang trí bắt mắt với gần 100 món ăn mang đậm hương vị Việt Nam như gỏi cuốn, phở, bún bò, tôm sốt chua cay, cua rang me và các loại bánh ít, bánh bò, giò thu, giò lụa, chả ram... làm khách hàng kinh ngạc. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều khách là người Nhật và Việt kiều từ nhiều nước trên thế giới đến quán chị thưởng thức xong đều tấm tắc ngợi khen. Nếm món nước sốt chấm gỏi cuốn, món bò sốt tương, tôm sốt chua cay... do chính tay chị pha chế, người khó tính nhất cũng phải gật gù. Để níu chân khách, chị Điệp có bí quyết độc đáo trong việc pha chế, nước chấm các loại và làm những món ăn mới, lạ. Một trong những yếu tố để món ăn ngon là phải có nước chấm ngon: "Làm sao để khi ăn món Việt, người Nhật thấy hương vị lạ, ngon miệng nhưng vẫn gần với họ" - chị Điệp tâm đắc. Cứ thế, tiếng lành đồn xa và hương thơm của nhà hàng Hương Việt cứ lan .

Người Nhật rất khó tính trong việc chọn lựa ẩm thực. Ngoài yếu tố ngon, đảm bảo vệ sinh, người Nhật rất chú trọng khâu thẩm mỹ, bài trí món ăn sao cho bắt mắt. Bởi lẽ họ không chỉ ăn bằng miệng mà còn ăn bằng mắt. Nhiều quán ăn Việt Nam mở ra chỉ tồn tại một thời gian ngắn vì không thể cạnh tranh nổi với các nhà hàng Nhật. Riêng nhà hàng của chị Điệp thì ngày càng phát triển và đi lên.

Thành danh xứ mặt trời mọc

Hiện nay, tại trung tâm thủ đô Tokyo, ngoài hai cơ sở chính của Hương Việt, chị Điệp đang chuẩn bị khai trương thêm một nhà hàng mang tên Viet Nam Garden có quy mô lớn đón hàng trăm khách. Để có thành công như hôm nay, ít ai biết rằng bà chủ quán thường phải thức dậy rất sớm chuẩn bị nguyên liệu, tự tay làm những món ăn chính của nhà hàng và có mặt ở nhà hàng cho đến nửa đêm. Là người gốc Huế, từ nhỏ chị Điệp đã được ăn nhiều món ăn ngon và cầu kỳ do mẹ chị nấu. Niềm đam mê chế biến món ăn ngon từ gia đình truyền qua cộng với bí quyết kinh doanh riêng đã giúp chị thành danh trên đất Nhật.

Làm ở nhà hàng của chị có cả người Việt Nam và người Nhật. Cô Kazue Suzuki, 20 tuổi hiện đang phục vụ tại nhà hàng Hương Việt trông rất giống thanh nữ Việt Nam. Trong tà áo dài duyên dáng cô cười thật tươi và nói: "Tôi rất thích mặc áo dài Việt Nam. Một số người Việt đến ăn tại quán lầm tưởng tôi là người Việt. Điều này cũng khiến tôi vui vui..."

Ấm lòng biết bao khi ở giữa thủ đô của đất nước mặt trời mọc, những người con xa xứ được thưởng thức những món ăn quen thuộc, được nghe nhạc Trịnh và trò chuyện với bà chủ niềm nở dễ thương. Nhà hàng Hương Việt là niềm tự hào của người Việt Nam ở Nhật Bản!

Theo Hà Minh
Diễn đàn Doanh nghiệp.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video