IPU: Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào quốc hội

07/03/2019
Theo báo cáo mới công bố hôm qua của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), tỷ lệ phụ nữ trong quốc hội tăng gần một điểm phần trăm trong năm ngoái, từ 23,4% năm 2017 lên 24,3% vào năm 2018.

Mức tăng 0,9 điểm phần trăm này xác nhận sự gia tăng liên tục của phụ nữ trong quốc hội, với tốc độ thay đổi tăng nhẹ so với các năm trước.

Báo cáo nêu rõ: “Các quốc gia có hạn ngạch giới được phân bổ tốt đã bầu chọn nhiều phụ nữ vào quốc hội hơn so với những nước không có hạn ngạch, lần lượt là 7 điểm nhiều hơn ở hạ viện và 17 điểm nhiều hơn ở thượng viện”.

IPU đã theo dõi sự tham gia của phụ nữ vào quốc hội trong nhiều thập kỷ, để quản lý tiến trình này cũng như đánh giá những điều còn tồn tại và xu hướng của tiến trình. Báo cáo năm nay dựa trên 50 quốc gia tổ chức bầu cử trong năm 2018. Dữ liệu của IPU xác nhận, xét trên toàn cầu, tỷ lệ phụ nữ trong quốc hội tiếp tục tăng, mặc dù chậm, khi so sánh với 18,3% số nghị sĩ là phụ nữ năm 2008 và 11,3% vào năm 1995.

Tại cuộc họp diễn ra ở LHQ, Chủ tịch IPU đồng thời là nghị sĩ Mexico, ông Gabriela Cuevas Barron nhận định: “Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào quốc hội đồng nghĩa các nền dân chủ tốt hơn, mạnh hơn và mang tính đại diện hơn, hoạt động vì tất cả người dân. Mức tăng một phần trăm mà chúng ta đã thấy trong năm 2018 thể hiện một sự cải thiện nhỏ về tính đại diện của phụ nữ trog quốc hội. Điều này có nghĩa là chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để đạt được sự bình đẳng giới toàn cầu. Vì lý do đó, chúng tôi hối thúc một ý chí chính trị lớn hơn trong việc áp dụng các hạn ngạch được phân bổ tốt và hệ thống bầu cử nhằm loại bỏ bất kỳ rào cản pháp lý nào có thể cản trở cơ hội cho phụ nữ tham gia quốc hội”.

Còn Tổng thư ký IPU Martin Chungong đánh giá đã có những tin tốt trong năm nay và “thật đáng khích lệ khi thấy rằng các công cụ mà IPU đã nỗ lực thực hiện trong nhiều năm, như hạn ngạch giới được phân bổ và được triển khai tốt, đang bắt đầu mang lại hiệu quả”.

Ông Chungong cho biết, IPU muốn tiếp tục đạt được sự bình đẳng giới trong các cơ quan lập pháp trên thế giới.

Báo cáo của IPU cho thấy hạn ngạch bầu cử cho phụ nữ hiện đã lan rộng ra tất cả các khu vực trên thế giới với hơn 130 quốc gia thông qua và áp dụng chính sách hạn ngạch này.

Châu Mỹ tiếp tục dẫn đầu tất cả các khu vực về tỷ lệ phụ nữ trung bình trong quốc hội với 30,6% và trở thành khu vực đầu tiên vượt qua ngưỡng 30%.

Ở châu Á, phụ nữ giành được 22,7% số ghế trong cuộc bầu cử năm 2018 làm tăng tỷ lệ phụ nữ trong quốc hội lên 19,6%, nhưng vẫn dưới mức trung bình toàn cầu.

Các quốc gia ở châu Âu đã đạt được tiến bộ gia tăng trong năm 2018 với tỷ lệ phụ nữ trong quốc hội tăng lên 28,5%.

Các nghị viện ở khu vực hạ Sahara đã chứng kiến ​​sự tiến bộ tương đối khiêm tốn trong năm 2018, với tỷ lệ trung bình trong khu vực của các nữ nghị sĩ là 23,7%. Rwanda có tỷ lệ phụ nữ tham gia hạ viện cao nhất với tỷ lệ 61,3%.

Khu vực Trung Đông và Bắc Phi chỉ đạt được tiến bộ hạn chế về sự đại diện của phụ nữ trong quốc hội năm 2018 với tỷ lệ chung là 18,1% nữ nghị sĩ, mức trung bình thấp nhất trong khu vực. Tuy nhiên, Bahrain đã làm nên lịch sử với việc có nữ chủ tịch quốc hội đầu tiên và là nữ chủ tịch quốc hội thứ ba trong khu vực, tăng 7,5 điểm phần trăm phụ nữ được bầu vào hạ viện.

nhandan.com.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video