Kể chuyện hiện vật: “Nhân chứng” của 2 cuộc kháng chiến

24/04/2014
“Năm 1942, tôi về trụ trì ở chùa Nam Ngạn, thị xã Thanh Hóa. Đầu năm 1954, khi cả nước dốc sức cho chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, mặc dù không thuộc diện phải lên đường tham gia kháng chiến nhưng tôi đã xung phong và 2 lần đi dân công gánh bộ, vận chuyển lương thực lên Tây Bắc.

 Lúc đó, mỗi đoàn dân công có hàng trăm người tham gia, mỗi chuyến đi kéo dài khoảng 3 tháng. Ban ngày chúng tôi nghỉ trong rừng để tránh lộ mục tiêu, ban đêm lặng lẽ lên đường. Nước uống vô cùng khan hiếm. Có lần đoàn dân công đã phải lấy cả nước vũng trâu đằm để uống.

Chuẩn bị cho chuyến đi, tôi tự làm chiếc đèn bằng chai thủy tinh 0,65 lít để soi đường. Vào thời chiến, chiếc đèn chai rất phổ biến vì thuận tiện cho việc vận chuyển trong đêm, đặc biệt không bị tắt kể cả khi mưa to gió lớn. Mỗi chúng tôi gánh hai bồ gạo nặng hơn 20kg, buộc đèn ở đầu đòn gánh, vượt qua hàng trăm cây số đường rừng kịp thời chi viện cho chiến trường.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi trở về chùa Nam Ngạn, tham gia sản xuất ở hợp tác xã nông nghiệp. Từ đó, cây đèn trở thành đồ dùng sinh hoạt của nhà chùa. Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc (1965 - 1972), nhà chùa đã sử dụng chiếc đèn chai này phục vụ cứu chữa thương binh. Chiếc đèn cũng là phương tiện trong mọi hoạt động phục vụ chiến đấu của chúng tôi”.

Sư thầy Đàm Duyên, chùa Nam Ngạn, Thanh Hóa

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video