Kết nối mạng lưới, khuyến khích sự tham gia của phụ nữ khuyết tật đóng góp vào sự phát triển

09/01/2020
Trong khuôn khổ dự án Tăng cường năng lực cho Phụ nữ khuyết tật (PNKT), sáng ngày 09/1/2020, tại Hà Nội, TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Trung tâm hành động vì sự phát triển của cộng đồng tổ chức hội thảo kết nối mạng lưới Phụ nữ khuyết tật.
Các đại biểu tham dự hội thảo Kết nối mạng lưới PNKT

Hội thảo nhằm lắng nghe nhu cầu, mong muốn từ chị em PNKT để từ đó đề xuất, xây dựng các hoạt động giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới, khuyến khích sự tham gia của PNKT vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo cho biết, hiện nay Việt Nam có khoảng 3,5 triệu PNKT. Ngoài những khó khăn của người khuyết tật trong cuộc sống, PNKT phải chịu sự phân biệt đối xử “kép” vì lý do khuyết tật và giới; phải đối diện với rất nhiều định kiến, nguy cơ cao trở thành nạn nhân của bạo lực giới.

Thông tin tới các đại biểu về những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Người khuyết tật trong những năm qua, Phó Chủ tịch Đỗ Thị Thu Thảo nêu rõ, Chỉ thị 39/CT-TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư về về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật luôn ghi nhận và bảo vệ quyền của người khuyết tật, phòng chống bạo lực, xâm hại đối với PNKT, hướng đến thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền, đảm bảo không gian an toàn, tạo điều kiện thúc đẩy phụ nữ tiếp cận các nguồn lực, cơ hội và nâng cao năng lực, vị thế, giúp chị em tự tin hơn, giảm bớt khó khăn, từng bước hòa nhập với xã hội.

Để thiết thực đưa các chủ trương, chính sách đó vào cuộc sống, Hội LHPN Việt Nam bằng sự đổi mới, năng động, sáng tạo đã tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực, phù hợp với nhu cầu, mong muốn của PNKT nhằm trang bị kiến thức, nâng cao năng lực, kỹ năng ứng phó với các vấn đề xã hội tác động đến đời sống của phụ nữ…, giúp chị em cải thiện đời sống về vật chất, tinh thần, giảm bớt mặc cảm, tự lực vươn lên.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo phát biểu tại hội thảo

Hội đã chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất chính sách, đề án, phê duyệt các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực, vị thế cho phụ nữ, nhất là phụ nữ yếu thế. Các mô hình có hiệu quả như PNKT tự lực, Địa chỉ tin cậy, Nhà tạm lánh tại cộng đồng, Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới, Nhà bình yên, Thành phố an toàn; Làng quê an toàn; Phụ nữ khởi nghiệp, Hỗ trợ sinh kế … đã được triển khai thực hiện, từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng, giúp nhiều PNKT nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm thiểu nguy cơ bị bạo lực, bị xâm hại; hỗ trợ, bảo vệ nhiều chị em là nạn nhân bị xâm hại, bạo lực, nhận được sự ủng hộ và đồng tình của cộng đồng trong việc yêu cầu xử lý nghiêm những hành vi bạo lực, xâm hại.

Đặc biệt, thực hiện chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” trong gia đình, nơi công cộng, trong trường học, nơi làm việc, ngoài xã hội..., Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực cho PNKT” với mục tiêu Xây dựng mạng lưới hỗ trợ, bảo vệ và ngăn chặn bạo lực; đề xuất giải pháp phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với PNKT ở Việt Nam.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo đưa ra cam kết mạnh mẽ, Hội LHPN Việt Nam sẽ nỗ lực, chủ động tham mưu, thực hiện tốt các hoạt động trợ giúp PNKT bằng nhiều hình thức; là cầu nối để kết nối các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và toàn thể cộng đồng cùng chung tay để thúc đẩy công bằng và quyền lợi cho người khuyết tật, giúp nhiều hơn nữa cho PNKT được thụ hưởng các quyền lợi thiết thực, tự lực vươn lên, hòa nhập và bình đẳng.

Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Người khuyết tật Việt Nam chia sẻ tại hội thảo thông tin, trong 6,2 triệu người khuyết tật có 80% sống ở nông thôn. Trong thời gian qua, PNKT đã nhận được những sự quan tâm, tạo điều kiện để có cơ hội bình đẳng, đóng góp vào xã hội. Chị em đã dần tìm được tiếng nói trên mọi lĩnh vực, hòa nhập cộng đồng tự tin hơn. 

Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Người khuyết tật Việt Nam mong muốn, thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam và Hội Người Khuyết tật Việt Nam sẽ ký biên bản hợp tác trong việc thúc đẩy sự thành lập các CLB PNKT ở các địa phương

Tuy nhiên, hiện nay trên cả nước mới chỉ có khoảng trên 20 tỉnh/thành có câu lạc bộ PNKT. Thực tế cho thấy, ở địa phương nào có CLB PNKT thì chị em đều có cơ hội nhiều hơn trong tiếp cận thông tin, được tham gia sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm, những vấn đề trong cuộc sống lao động sản xuất và gia đình. Chính vì vậy, ông Đặng Văn Thanh mong muốn, thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam và Hội Người Khuyết tật Việt Nam sẽ ký biên bản hợp tác trong việc thúc đẩy sự thành lập các CLB PNKT ở các địa phương cũng như khuyến khích, hỗ trợ PNKT khởi nghiệp, phát triển kinh tế.

Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe chia sẻ của chị em về những khó khăn của PNKT trong cuộc sống, gia đình và phát triển kinh tế; Những tác động, lợi ích mà PNKT được thụ hưởng khi tham gia mạng lưới hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật tại địa phương. Các đại biểu cũng thảo luận về nhu cầu xây dựng mạng lưới quốc gia hỗ trợ PNKT trở thành địa chỉ tin cậy, điểm tựa tinh thần cho chị em; Nghe báo cáo của TW Hội LHPN Việt Nam về những kết quả, mô hình, kinh nghiệm của Hội LHPN Việt Nam trong công tác hỗ trợ PNKT.

Chị Vũ thị Quê, phụ nữ khuyết tật thôn Nhuận Đông xã Bình Minh huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương chia sẻ tại hội thảo về những khó khăn mà cơ sở sản xuất chổi chít của chị gặp phải như giá sản phẩm cung cấp ra thị trường thường thấp hơn so với sản phẩm của người lành, dù chất lượng sản phẩm không thua kém do người tiêu dùng cảm thấy thiếu niềm tin vào sản phẩm của người khuyết tật; khâu lưu thông, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường cũng khó khăn hơn…

Các đại biểu tham gia thảo luận về nhu cầu xây dựng mạng lưới kết nối PNKT cấp quốc gia

Đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình hội thảo, TW Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức phát động cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo- Kết nối thành công nhằm đồng thời khuyến khích chị em PNKT khởi nghiệp kinh doanh, tìm kiếm nhưng ý tưởng sáng tạo.

 

Các hoạt động của Hội LHPN Việt Nam hướng tới PNKT:

- Xây dựng Mái ấm tình thương cho PNKT, phụ nữ yếu thế, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Từ năm 2008-2016, cuộc vận động xây dựng MATT của các cấp Hội đã quyên góp, thu nhận được 1.000 tỷ đồng, xây 35.695 MATT, sửa chữa 23.000 nhà. Riêng năm 2017-2019 số tiền huy động được 374,713 tỷ, xây dựng 9.462 MATT, sửa chữa 2.986 nhà.

- Thành lập các nhóm PNKT tự lực: Từ 2013-2019 đã thành lập được 30 mô hình Nhóm PNKT tự lực, mỗi mô hình có 15 PNKT +15 hội viên phụ nữ cùng tham gia sinh hoạt.

- Hỗ trợ sinh kế cho PNKT: 120 triệu đồng được đầu tư để dạy nghề cho 20 PNKT tại Quảng Bình; xây dựng 3 mô hình hỗ trợ sinh kế với sự tham gia của 80 PNKT (kinh phí hỗ trợ 450 triệu đồng); xây dựng 10 công trình tiếp cận cho PNKT (kinh phí hỗ trợ 400 triệu đồng)...

 

VH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video