Kết quả Dự án “Năng lực tài chính nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình”: Tiền đề để địa phương duy trì và mở rộng phong trào phòng, chống bạo lực gia đình

05/12/2012
Đây là nhận định của các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo tổng kết Dự án “Năng lực tài chính nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình (BLGĐ)” do Ban Quản lý Dự án TW tổ chức tại Hà Nội vào sáng 3/12 vừa qua. Theo đó, qua hơn 2 năm thực hiện, Dự án đã ghi dấu ấn bằng những kết quả không nhỏ, có nhiều những mô hình hiệu quả ở cơ sở, tạo tiền đề để địa phương duy trì và mở rộng phong trào phòng, chống BLGĐ sau khi Dự án kết thúc.

Hội thảo có sự tham dự của Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Chương trình AECID (đơn vị tài trợ dự án) tại Việt Nam – bà Silvia Vaca Sotomayor, đại diện các Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các chuyên gia về Giới và Gia đình cùng đông đảo đại biểu là lãnh đạo các ban, đơn vị cơ quan TW Hội LHPN Việt Nam. Hội thảo nhằm giới thiệu các kết quả đạt đạt và trình bày báo cáo đánh giá dự án do chuyên gia tư vấn độc lập tiến thành với mong muốn đóng góp các bài học kinh nghiệm cho công tác phòng, chống BLGĐ ở Việt Nam.

Trong hơn 2 năm triển khai, Dự án đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Hơn 200 cán bộ Hội ở các tỉnh thành trên cả nước và cán bộ các ban ngành tỉnh Dự án được tập huấn tăng cường nâng cao năng lực trong vận động nguồn lực và quản lý tài chính. Bên cạnh đó, các lớp tập huấn về Luật PCBLGĐ và kỹ năng truyền thông cũng được tổ chức cho cán bộ Dự án và các tổ hoà giải, các ban ngành đoàn thể của xã, thôn, qua đó, kiến thức PC BLGĐ và kỹ năng truyền thông của cán bộ tiến bộ rõ nét, các buổi truyền thông có sức cuốn hút tạo nên tính bền vững của Dự án. Thông qua các cuộc thi, cuộc họp, mittinh, diễu hành, văn nghệ... hàng vạn hội viên phụ nữ, người dân và đặc biệt là các em học sinh được tuyên truyền về phòng chống BLGĐ. Dự án đã tổ chức 82 chiến dịch truyền thông tại cộng đồng với hơn 33.500 người dân tham dự, đồng thời thực hiện 95 cuộc truyền thông về PC BLGĐ và bạo lực học đường ở các trường học cấp 2 - cấp 3 của 6 tỉnh thành với sự tham gia của hơn 89 nghìn người tham dự, trong đó có khoảng 85 nghìn học sinh, góp phần nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo về bạo lực gia đình và bạo lực học đường. Cũng trong thời gian này, Dự án đã thực hiện biên soạn các bộ tài liệu, tờ rơi khắc phục tình trạng thiếu tài liệu truyền thông PC BLGĐ ở cơ sở, không chỉ chuyển tải kiến thức mà còn có các số điện thoại trợ giúp để nạn nhân BLGĐ tìm đến hỗ trợ, được cán bộ và cộng đồng tích cực đón nhận; xây dựng khoảng 1,800 tin bài về tình hình BLGĐ, các hoạt động và kinh nghiệm tốt của Dự án đăng tải trên các phương tiện, phổ biến rộng rãi tới người dân. Ngoài ra, để ghi nhận các tập thể, cá nhân có thành tích về PC BLGĐ, Dự án đã tổ chức khen thưởng 159 tập thể và 379 cá nhân, đặc biệt ghi nhận sự tiến bộ của 129 nam giới đã từng gây BLGĐ và đã trao quà biểu dương. Nhờ đó, Dự án đã tạo thay đổi tích cực trong nhận thức, hành vi của người dân: các nạn nhân, người dân tin tưởng, bộc bạch, báo tin khi có sự việc xảy ra, Không im lặng trước BLGĐ; người gây bạo lực dè dặt, hạn chế hành vi bạo lực hơn.

 Ảnh minh họa

 PGS.TS Lê Thị Quý – Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và Phát triển trao đổi về dự án


Song song với việc tăng cường năng lực của cán bộ Hội, nâng cao nhận thức của cộng đồng về Luật PC BLGĐ và sự sai trái của BLGĐ đối với phụ nữ, Dự án đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ nạn nhân BLGĐ. Dự án đã xây dựng được mạng lưới các cơ quan bao gồm Hội LHPN, Công an, Tòa án, Văn hóa-TT-DL, bệnh viện, báo đài… vừa tăng cường sự hợp tác liên ngành vừa tạo ra sự hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân; chức 14 khóa tập huấn “Hỗ trợ nạn nhân, xử lý thủ phạm” với 580 học viên tham dự; vận động, hỗ trợ thành lập 222 địa chỉ tin cậy (ĐCTC). Các ĐCTC được trang bị những vật dụng thiết yếu như tủ thuốc, giường gấp, thẻ điện thoại... được tập huấn nhiều kiến thức, kỹ năng để họ làm tốt công tác hỗ trợ nạn nhân, đượcUBND cấp xã ra quyết định công nhận, địa chỉ và số ĐT được phổ biến rộng trong xã để trong trường hợp khẩn cấp, các nạn nhân có thể đến các ĐCTC tìm sự giúp đỡ như sơ cứu, tạm lánh và giới thiệu tới các cơ quan chức năng. Các địa chỉ đã đón tổng cộng 612 nạn nhân đến tạm lánh hoặc xin tư vấn, can thiệp.Công tác hỗ trợ bảo vệ nạn nhân và xử lý thủ phạm cũng được tích cực thực hiện. Ở cấp tỉnh, Hội LHPN và Ban QLDA tư vấn, hỗ trợ được tổng số 310 nạn nhân BLGĐ. Ở cấp xã, cán bộ dự án đã tích cực phối hợp với các ban ngành và chính quyền địa phương để bảo vệ nạn nhân và xử lý thủ phạm với tổng số 762 nạn nhân, góp ý, phê bình 263 trường hợp gây BLGĐ, 85 trường hợp phạt hành chính, có tới 11 trường hợp xử lý theo pháp luật hình sự... Đặc biệt phụ nữ và trẻ em bị BLGĐ được cải thiện thu nhập và phúc lợi thông qua các chương trình dạy nghề, tập huấn và hỗ trợ khác của Dự án. Trong hơn 2 năm, gần 1.100 chị em được hỗ trợ học nghề và khởi sự doanh nghiệp và hơn 1/3 số đó đã có việc làm tăng thêm thu nhập cho gia đình bằng các mô hình kinh doanh, buôn bán nhỏ, hoặc tìm được việc làm ổn định tại các nhà máy, xí nghiệp hoặc công ty tư nhân.

Dự án đã ghi dấu ấn bằng những kết quả không nhỏ, có nhiều những mô hình hiệu quả ở cơ sở, tạo tiền đề để địa phương duy trì và mở rộng phong trào phòng, chống BLGĐ sau khi Dự án kết thúc”, các chuyên gia khẳng định tại Hội thảo. “Dự án cũng đã cho chúng tôi thêm một địa chỉ PCBLGĐ cụ thể, có hiệu quả”, PGS.TS Lê Thị Quý – Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và Phát triển cho biết thêm.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá cao những kết quả mà Dự án đạt được, đặc biệt là cách tiếp cận tổng thể từ tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, nâng cao năng lực cho cán bộ cho đến hỗ trợ nạn nhân, nhất là mô hình ĐCTC. Phó Chủ tich Hội khẳng định: Đây cũng là cách tiếp cận của TW Hội LHPN Việt Nam về công tác PCBLGĐ trong suốt nhiều năm qua và trong thời gian sắp tới: tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho chính bản thân cán bộ hội viên phụ nữ, hỗ trợ người phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, tham gia xây dựng luật pháp chính sách về bình đẳng giới, PC BLGĐ... Bà cho biết thêm trong Văn kiện Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI cũng đưa ra, làm rõ công tác PCBLGĐ: “cần mở rộng mô hình ĐCTC tại cộng đồng, mỗi cơ sở được xếp loại xuất sắc phải xây dựng được ít nhất một ĐCTC tại cộng đồng nhằm giải quyết mâu thuẫn BLGĐ, trợ giúp nạn nhân bị BLGĐ và nâng cao hoạt động và tính bền vững của các mô hình...”; đồng thời cam kết Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ĐCTC, nỗ lực hơn trong công tác PCBLGĐ trong thời gian tới. Phó Chủ tịch Hội mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức trong công tác PCBLGĐ, Bình đẳng giới và trong các công tác của Hội LHPN Việt Nam, đặc biệt tin tưởng rằng, với những kết quả, kinh nghiệm có được từ Dự án, với sự quyết tâm của các cấp Hội LHPN Việt Nam, công tác PCBLGĐ sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.

Được biết, mặc dù Dự án sẽ kết thúc vào tháng 12 này nhưng Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì rà soát quá trình thực hiện Dự án và các kinh nghiệm rút ra để phổ biến rộng rãi tới các tỉnh thành Hội; chuyển các tài liệu mới tới 63 tỉnh/thành để lồng ghép sử dụng trong triển khai Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; giới thiệu kinh nghiệm và tài liệu DA tới đông đảo các cơ quan, tổ chức liên quan trong lĩnh vực PC BLGĐ... để BLGĐ không còn là câu chuyện của mỗi gia đình, nỗi nhức nhối của toàn xã hội.

Dự án “Năng lực tài chính nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện với sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác phát triển Quốc tế Tây Ban Nha (AECID). Giai đoạn I diễn ra từ tháng 3/2010 - 6/2011, kinh phí 350,000 Eur, triển khai ở TW và 4 tỉnh/thành Bắc Ninh, Đà Nẵng, Kon Tum và Cần Thơ, giai đoạn II từ tháng 7/2011 – 12/2012, kinh phí 510,000 Eur, mở rộng thêm một số xã mới và xã liên kết ở 4 tỉnh cũ và 8 xã ở 2 tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng.Dự án hướng tới mục đích: Nâng cao năng lực của cán bộ Hội Phụ nữ trong vận động nguồn lực và quản lý tài chính; Nâng cao nhận thức của cộng đồng về Luật PC BLGĐ và sự sai trái của BLGĐ đối với phụ nữ; Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị BLGĐ.

 

Phạm Hồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video