Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII

19/05/2010
Đúng 9 giờ ngày 20/5, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII đã khai mạc trọng thể tại thủ đô Hà Nội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc kỳ họp. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Trước giờ khai mạc, các đại biểu Quốc hội đã đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh kỳ họp thứ 7 của Quốc hội diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế khu vực và thế giới đang có xu hướng phục hồi sau khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế.

Ở trong nước, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế-xã hội trong những tháng đầu năm 2010 đã có những chuyển biến tích cực.

Tăng trưởng kinh tế quý I đạt 5,83%, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2009. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội và giá trị sản xuất công nghiệp trong Tư tháng tăng cao. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước đến giữa tháng Tư đạt 29,2% dự toán năm, cao hơn so với cùng kỳ một số năm gần đây. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, góp phần ổn định đời sống nhân dân và từng bước cải thiện phúc lợi xã hội. Chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Những kết quả đạt được là rất quan trọng, tạo cơ sở để hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2010 - năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2006-2010) theo Nghị quyết của Quốc hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội trong những tháng đầu năm 2010 còn không ít khó khăn, thách thức. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững. Những hạn chế về cân đối vĩ mô chưa được cải thiện, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức cao. Nhập siêu vẫn lớn cùng với sự suy giảm của dòng vốn đầu tư nước ngoài đã làm ảnh hưởng đến cán cân thanh toán và dự trữ ngoại hối. Việc huy động vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; hiệu quả đầu tư và hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp. Thiên tai, hạn hán, dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả sản xuất và đời sống của nhân dân. Tình hình này đòi hỏi trong thời gian tới phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, chủ động nắm bắt và tận dụng tốt thời cơ, thuận lợi, khắc phục khó khăn, yếu kém, tiếp tục có giải pháp thích hợp để đưa đất nước phát triển ổn định, bền vững hơn trong năm 2010 và những năm sau.

Chủ tịch Quốc hội cho biết tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng. Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2010; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008.

Tiếp đó, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua 10 dự án luật và hai dự thảo nghị quyết là Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam (sửa đổi); Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật thuế nhà, đất; Luật nuôi con nuôi; Luật bưu chính; Luật thi hành án hình sự; Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật người khuyết tật; Luật trọng tài thương mại; Luật an toàn thực phẩm; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011.

Các đại biểu cũng sẽ cho ý kiến về sáu dự án luật khác là Luật thuế bảo vệ môi trường; Luật thanh tra (sửa đổi); Luật tố tụng hành chính; Luật viên chức; Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật khoáng sản (sửa đổi).

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học; xem xét một số báo cáo kết quả giám sát do Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thực hiện; nghe các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ sau kỳ họp thứ sáu đến nay; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; về tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm và một số báo cáo chuyên đề khác.

Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư xây dựng công trình đường sắt cao tốc Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh; cho ý kiến về Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và một số vấn đề quan trọng khác.

Theo chương trình, trong buổi sáng làm việc đầu tiên, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010 trong những tháng đầu năm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng trình bày Báo cáo dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh.

Quốc hội sẽ lần lượt nghe báo cáo thẩm tra của các ủy ban Kinh tế, Tài chính-Ngân sách, Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về các nội dung trên.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri./.
Theo Thanh Hòa (TTXVN/Vietnam+)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video