Khám phá một đường dây buôn trẻ em Indonesia - Singapore

04/02/2006
Cảnh sát Indonesia vừa bắt giữ một số đối tượng chính trong đường dây buôn bán trẻ em Indonesia - Singapore

Bắt đầu từ một câu chuyện ...

Tại một ngôi đền trên phố Waterloo, một người đàn ông khoảng 60 tuổi tiến lại gần một phụ nữ Trung Quốc gốc Indonesia và hỏi xem chị ta có con để bán không.

Người đàn ông tóc đã ngả bạc tự xưng là Ah Meng. Ông ta nói cho thiếu phụ nọ biết rằng những cặp vợ chồng vô sinh ở Singapore sẵn sàng trả nhiều tiền để có được những đứa con nuôi. Giá của mỗi đứa trẻ trung bình là 30 triệu rupiah (tương đương 3185 đô la Mỹ).

Và một ngành kinh doanh mới ra đời : buôn bán trẻ em.

Đó là những gì Muliati, 34 tuổi, thường được gọi là Ah Kik, khai báo với cảnh sát Batam về việc chị ta đã tham gia vào đường dây buôn bán trẻ em như thế nào cách đây 2 năm.

Hé lộ chu trình hoạt động

Ngày 9/1, Muliati bị bắt quả tang đang chuẩn bị lên đường tới Singapore cùng với 3 đứa trẻ ngay tại nhà.

Một người phụ nữ khác, Fong Chee Hua, 44 tuổi, biệt danh Ah Hua cũng bị bắt giữ cùng ngày khi chuẩn bị đem bán một đứa trẻ khác cho một gia đình Singapore.

Theo lời kể của 2 phụ nữ mới bị bắt với The Sunday Times, việc buôn bán trẻ em hoá ra không phải là một ngành kinh doanh phức tạp.

Nguồn cung cấp trẻ đem bán thường là các gia đình nghèo ở Medan. Những bậc cha mẹ "bất hạnh" này đem bán con cho một người phụ nữ tự xưng là Xiulan. Đến lượt mình, Xiulan lại bán bọn trẻ cho Ah Kik để lấy 6 triệu rupiah (637 đô la Mỹ)/đứa. Trong khi đó, số tiền của các gia đình nhận được từ các "lái buôn" cho mỗi đứa con được bán thường chỉ từ 1 triệu - 2 triệu rupiah (106-212 đô la Mỹ).

Xiulan thường gọi điện cho Ah Hua ở Batam mỗi khi "có" trong tay những đứa trẻ mới. Ah Hua sẽ sắp xếp đến nhận bọn trẻ và đưa chúng về nhà mình ở Kampung Utama hoặc nhà Ah Kik ở Ramada Indah.

Về phía Singapore, Ah Meng sẽ gọi điện cho Ah Kik bất cứ khi nào có cặp vợ chồng người Singapore cần con nuôi. Ông ta sẽ cùng họ tới nhà của các tòng phạm để chọn một đứa trẻ phù hợp.

Khi cặp vợ chồng người Singapore quyết định "mua" đứa trẻ nào, Ah Meng sẽ trao cho Ah Kik 15 triệu rupiah (1592 đô la) - một nửa "giá bán" một đứa trẻ - để chi trả cho những người liên quan. Ông ta và hai khách hàng sẽ bay về Singapore ngay ngày hôm đó hoặc ngày hôm sau. Trước đó ngày giao trẻ đã được ấn định, thường là 1 hoặc 2 tuần sau đó.

Bước tiếp theo, Ah Kik sẽ yêu cầu một người đàn ông Indonesia tên là Ah Siong làm hộ chiếu cho bọn trẻ với giá ít nhất là 10 triệu rupiah (1061 đô la)/quyển, cao gấp 38 lần chi phí thực.

Ah Kik sẽ chuyển bọn trẻ từ trung tâm Batam tới bến phà HarbourFront, nơi Ah Meng đang đứng đợi một mình hoặc cùng với các bậc "cha mẹ tương lai". Tại đây, 15 triệu rupiah cuối cùng sẽ được trả trao tay.

Lợi nhuận

Ah Kik khai với cảnh sát rằng trong vòng 2 năm qua 9 đứa trẻ đã bị đem bán theo cách này.

"Chỉ có đúng một lần, một nhân viên nhập cư Singapore dừng tôi lại và hỏi đang cùng đứa trẻ đi đâu. Tôi nói với anh ta rằng đứa bé bị ốm và cần phải được đưa đến bác sĩ. Cuối cùng anh ta cũng để tôi đi.", Ah Kik kể thêm.

Còn Ah Hua nói chị ta chỉ trung chuyển một đứa trẻ vào tháng 11 năm ngoái và nhận 3 triệu  rupiah (318 đô la) thù lao.

Chị ta cũng thú nhận được trả công 25.000 rupiah (2,65 đô la Mỹ)/ngày cho việc trông chừng một đứa bé và khoảng 600.000 rupiah (63 đô la Mỹ)/tháng cho "trọng trách" này trước khi bọn trẻ được bàn giao cho phía Singapore.

Trong buổi thẩm vấn kéo dài một giờ đồng hồ tại đồn cảnh sát quận Batam Lubukbaja, Bahasa, Indonesia, người phụ nữ to béo sụt sịt khai rằng : "Con gái tôi đã trưởng thành. Tôi không có việc gì để làm ở nhà cả nên mới trở thành vú em. Ah Kik chi trả tiền sữa và tã lót. Vì vậy, tôi chẳng phải lo lắng đến chuyện tiền bạc."

Không phải đứa trẻ nào cũng được chọn

"Trước kia Ah Meng đã từng loại 4 đứa bé vì trông chúng không 'swee' (đẹp). Người Singapore thích bọn trẻ da trắng và dễ thương",  Ah Kik nói.

Chị ta cũng cho rằng những đứa trẻ Trung Quốc hoặc có bố mẹ Malaysia gốc Trung Quốc rất được các khách hàng người Singapore ưa chuộng.

Một người hàng xóm của Ah Kik là Madam Ebi, 30 tuổi cho biết lúc nào tại nhà của kẻ buôn người cũng có khoảng 10 đứa trẻ.  Một vài đứa trông có vẻ là người Trung Quốc, số còn lại chắc hẳn đến từ Malaysia. Chúng thường chơi đùa, chạy nhảy trước nhà và được 3 vú em coi sóc.

Khi phóng viên của The Sunday Times tìm đến tận nơi, ngôi nhà 3 tầng của Ah Kik rất vắng vẻ. Trước nhà có một chiếc xe đẩy màu xanh và quần áo trẻ em giăng đầy trên dây phơi. Cửa mở nhưng không ai trả lời tiếng gọi của khách.

Madam Ebi kể thêm rằng : "Muliati không thích bị để ý. Chị ta tiếp rất nhiều khách vãng lai - tất cả đều là người Trung Quốc - vào ban đêm."

Những kẻ ngoan cố

Phóng viên The Sunday Times cũng đã cố gắng liên lạc với Ah Meng qua số di động do 2 kẻ bị bắt cung cấp nhưng đều vô ích.

Theo pháp lệnh thanh thiếu niên Singapore, việc đưa hoặc giúp đỡ đưa một đứa trẻ vào nước này bằng giấy tờ giả mạo hoặc các biện pháp gian dối, lừa đảo trong phạm vi nội địa hoặc từ nước ngoài đều bị cấm.

Năm ngoái, Bộ Thể thao, tuổi trẻ và phát triển cộng đồng Singapore (MCYS) đã xét duyệt hơn 556 đơn nhận con nuôi của công dân nước mình. 56% trong số đơn này là xin nhận con nuôi người nước ngoài.

Về phía Indonesia, theo luật pháp Ah Kik và Ah Hua có thể phải lĩnh án mỗi người tới 15 năm tù nếu bị kết tội buôn bán trẻ em.

Khi bị bắt, Ah Kik tỏ ra hối tiếc về những gì mình đã làm. Còn Ah Hua thì khẳng định : "Tôi biết mình đã sai. Tôi đã làm việc tội lỗi chỉ vì tôi cần tiền.

Cả hai người phụ nữ đều tỏ ra bình tĩnh và thận trọng trong suốt buổi thẩm vấn.

Cảnh sát trưởng Karimuddin Ritonga cho biết : "Khi họ mới bị bắt, họ khóc lóc không ngừng trong nhiều ngày và kêu mình bị oan. Chúng tôi đã đấu tranh nghiệp vụ rất vất vả để buộc họ phải cung khai sự thật."

Khi hỏi về Ah Meng, cả hai kẻ bị bắt đều khai rằng biết rất ít về ông ta, chủ yếu qua việc giao dịch mà thôi. Tuy nhiên theo ông Karimuddin, cảnh sát Indonesia đã nắm được một số bằng chứng quan trọng và sẽ phối hợp với các cơ quan điều tra trong nước cũng như các đồng nghiệp người Singapore để đưa những kẻ phạm tội ra ánh sáng và triệt phá hoàn toàn một đường dây buôn bán trẻ em xuyên quốc gia.

Thanh Bình
(The Straits Times)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video