Khánh Hòa xuất thêm 3 mặt hàng thủy sản mới

03/12/2005
Ngành Thủy sản Khánh Hòa vừa xuất được 3 chuyến hàng ngọc trai với giá trị xuất khẩu 1 triệu USD/chuyến. Hai sản phẩm mới nữa là rong biển và cá bớp cũng đang trở thành mặt hàng đem lại nguồn doanh thu xuất khẩu cao cho tỉnh này.

"Cái khó ló cái khôn"


Khi con tôm, con cá Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn bởi những rào cản xuất khẩu thì Khánh Hòa quyết định tìm kiếm lối đi riêng bằng cách đa dạng hóa con giống nuôi trồng.

 

Bên cạnh con tôm sú vốn đang làm "mưa gió" trên thị trường xuất khẩu và cũng là loại thủy sản bị "điều tiếng" về chất lượng nhất, Khánh Hòa cùng một số tỉnh miền Trung như Bình Thuận, Phú Yên, Bình Định... phát triển các khu vực nuôi tôm chân trắng vừa phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng vừa giảm yếu tố rủi ro. Và đặc biệt, mới đây Khánh Hòa bắt đầu quy hoạch nghề nuôi trai lấy ngọc và nuôi cá bớp.

 

Quyền giám đốc Sở Thủy sản Khánh Hòa Đào Công Thiên cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm, dù là năm đầu tiên xuất khẩu và mới được 5 chuyến hàng nhưng kim ngạch do ngọc trai mang lại đã đạt 5 triệu USD. Trung bình giá thị trường Nhật mua vào hiện nay khoảng 57 yen/con trai ngậm ngọc, tức tương đương 35-36 cent/con ở thị trường Mỹ (khoảng 6.000 đồng/con).

 

Bên cạnh việc nuôi trai lấy ngọc, đầu năm nay Khánh Hòa bắt đầu phát triển nghề nuôi cá bớp, là một loại cá được nhập giống từ Đài Loan. Đây là một trong những mô hình nuôi cá mặt nước lớn được Công ty ngọc trai Khánh Hòa áp dụng thử nghiệm và hiện đang nhân giống đại trà.

 

Với trọng lượng cá thương phẩm 8-14 kg/con, loại cá này mang lại giá trị cao cho kim ngạch xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng thương phẩm cá bớp được xuất đi Nhật, Đài Loan và Mỹ của ngành thủy sản Khánh Hòa đạt hơn 56 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 327.000 USD. Theo đánh giá của Sở Thủy sản Khánh Hòa, mặc dù kim ngạch xuất khẩu vẫn chưa cao nhưng vẫn phản ánh một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực nuôi cá mặt nước lớn.

 

Nếu nghề nuôi trai lấy ngọc và cá bớp được các công ty kinh doanh thủy hải sản tại Khánh Hòa chú trọng đầu tư thì rong sụn, rong biển lại được bà con ngư dân nuôi đại trà do dễ trồng, vốn ngắn. Theo ông Đào Công Thiên, sản lượng rong biển tươi của Khánh Hòa hiện đạt khoảng 300 tấn/ngày.

 

Sản lượng rong sụn khai thác trong 6 tháng đầu năm là 10.000 tấn, bằng 167% so với kế hoạch, có thể vừa xuất khẩu vừa bán ở thị trường trong nước. Hiện, có khoảng 40 doanh nghiệp tại Khánh Hòa đang xuất khẩu rong biển. Các doanh nghiệp này cũng xúc tiến việc nhập thêm 3 giống rong biển mới của nước ngoài về và chuyển giao cho ngư dân nuôi trồng gia công.

 

Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản nội địa trong 6 tháng đầu năm của Khánh Hòa đạt 12.025 tấn, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Riêng kim ngạch xuất khẩu đạt 90 triệu USD, bằng 46% kế hoạch năm mà Bộ Thủy sản đã giao chỉ tiêu cho tỉnh này. "Những thuận lợi "gặt hái" trong việc đa dạng hóa con giống có thể giúp ngành thủy sản Khánh Hòa tự tin sẽ đạt chỉ tiêu năm được giao là 200 triệu USD xuất khẩu trong vòng 11 tháng", ông Thiên tuyên bố.

 

Chính vì vậy, ngành thủy sản Khánh Hòa quyết định tăng cường đầu tư, hỗ trợ cho việc đa dạng hóa các mặt hàng thủy sản nuôi trồng mới, nhất là ưu tiên cho các "con" đã phần nào khẳng định được vị trí của mình trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản chung của tỉnh.

 

Theo kế hoạch năm 2006 của Sở Thủy sản Khánh Hòa, tỉnh này quyết định sẽ hỗ trợ kinh phí để triển khai mô hình nuôi cá mặt nước lớn mà trước hết là cá bớp đang có; đồng thời quy hoạch nâng diện tích nuôi trồng các đặc sản có giá trị kinh tế cao như ngọc trai, tôm hùm lồng, cua ghẹ... đạt sản lượng 1.500 tấn/năm và tăng lên khoảng 2.000 tấn/năm.

 

"Trong Quy hoạch chi tiết vùng nuôi đến 2010 của Khánh Hòa, rong biển được phát triển để khai thác nuôi trồng ven bờ, còn ngọc trai, cá bớp vươn ra tận dụng mặt biển lớn", ông Thiên cho biết.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video