Khát vọng Đạ Sar

11/09/2011
Đạ Sar là xã đặc biệt khó khăn với 98% người dân tộc thiểu số, vì vậy, vươn lên thoát nghèo vẫn luôn là khát vọng của bà con nơi đây.

Câu chuyện của Lơ Mu K’Lai

Là phụ nữ dân tộc Cil, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở Đạ Sar. Năm 1980, tôi lập gia đình với người cùng thôn, khi ra ở riêng được bố mẹ cho 4 sào đất và chúng tôi chỉ biết trồng bắp, để làm nguồn sống cho gia đình. Lúc ấy, ở đây nhà nào cũng trồng bắp nên có bán cũng chẳng ai mua, hai vợ chồng tôi phải đi làm thuê để kiếm tiền trang trải trong ngày. Từ khi sinh con, khó khăn thêm chồng chất, 8 năm tôi đã sinh 4 cháu. Với 2 lao động chính trong nhà nuôi 4 con nhỏ, không đủ gạo cho các cháu ăn, chỉ ăn bắp thay cơm. Vợ chồng tôi phải vào rừng đốt than lấy tiền mua gạo nuôi con. Hàng ngày đi 30 cây số đường rừng, để đốt được 1 bao than chúng tôi mất 6 công lao động: chặt củi, đào hầm, chất củi, lấp hầm, đốt củi… sau 3 ngày mới ra được 1 bao than. Rồi chúng tôi thay nhau gùi đi bán, nhưng chỉ được 20.000 -25.000 đồng. Công sức bỏ ra nhiều mà vẫn không đủ ăn, thiếu thốn mọi bề, thời gian chúng tôi ở trên rừng nhiều hơn ở nhà, con cái phải tự chăm sóc lẫn nhau. Không có tiền để mua sách bút, quần áo, vì vậy, 2 cháu đầu không được học nhiều cái chữ.

Năm 1999, cán bộ Trung tâm Nông nghiệp Lạc Dương về hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ trồng bắp là chính, tôi đã chuyển 3 sào đất sang trồng cà phê, hồng, chỉ để 1 sào trồng bắp thôi. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm chăm sóc, không có tiền mua phân bón, nên năng suất cà phê không cao, mỗi sào chỉ được 2 tạ. Gia đình tôi vẫn thuộc diện hộ đói nghèo. Vào năm 2000, tôi được Hội LHPN bình xét cho vay vốn 1 triệu đồng để mua phân bón. Vụ thu hoạch sau có hiệu quả hẳn, một sào được 5 tạ. Số tiền tôi bán cà phê đủ để trả tiền phân bón và mua gạo. Tôi bắt đầu quan tâm các lớp tập huấn chăm sóc hồng, cà phê và được Hội LHPN cho vay thêm 5 triệu đồng. Chúng tôi không trồng bắp nữa, mà mở rộng thêm diện tích đất bỏ hoang trồng mới 6 sào cà phê, nâng tổng diện tích trồng hồng và cà phê của gia đình lên 9 sào. Khi cà phê, hồng chuẩn bị ra trái, tôi lại được Hội LHPN cho vay thêm 15 triệu đồng để mua phân bón và máy bơm nước. Từ năm 2002 đến nay, thu nhập bình quân hàng năm của gia đình tôi là 6 tấn cà phê, 1 tấn hồng, trừ chi phí mỗi năm thu được 25 triệu đồng, gia đình tôi đã trả hết vốn vay.

Từ chỗ quanh năm đói ăn, túng thiếu, đến nay cuộc sống của gia đình tôi đã khá giả, mua sắm được ti vi, xe máy, đồ dùng có giá trị trong gia đình. Hai cháu lớn đã xây dựng gia đình, cháu thứ 3 đang học lớp 12, cháu út học lớp 9. Kinh tế gia đình ổn định, tôi chia sẻ giúp đỡ cho 8 chị em khó khăn vay 15 triệu đồng không lấy lãi, hỗ trợ 4.500 cây giống cà phê cho 10 chị.

Lan rộng phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế

Lơ Mu K’Lai cho rằng: “Thành quả gia đình tôi đạt được hôm nay là nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của Hội LHPN và sự nỗ lực không mệt mỏi của bản thân. Để thoát khỏi đói nghèo, thì bản thân mỗi người phải phấn đấu vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào nhà nước. Chịu khó học hỏi, chăm chỉ, cần cù, chắt chiu, tiết kiệm thì mình mới khá giả, làm gương cho con cái trong cuộc sống sau này”. Chị Liêng Jrang K’Đom – Chủ tịch Hội LHPN xã Đạ Sar cho biết: Chị K’Lai và còn nhiều chị nữa như: Lơ Mu Rô Bên, chị Kră Jăn K’ell, chị Liêng Jrang K’Sôi… là những tấm gương điển hình sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình.

Để giúp chị em phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, trong 5 năm qua, Hội LHPN xã đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện  tín chấp cho hội viên vay 7 nguồn vốn (vốn hộ nghèo, vốn giải quyết việc làm, vốn nước sạch vệ sinh môi trường, vốn học sinh sinh viên, vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, vốn cho vay hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, vốn vay làm nhà ở) với tổng dư nợ đến nay hơn 8,8 tỷ đồng cho 322 chị vay để đầu tư chăm sóc hồng, cà phê, chăn nuôi bò. Như vậy, 100% hội viên phụ nữ ở Đạ Sar đều được vay các nguồn vốn do Hội tín chấp.

Bên cạnh đó, phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình với nhiều cách giúp như: Lập ra 7 tổ tiết kiệm hùn vốn hiện có 180 chị tham gia, 6 tổ vần đổi công đã vận động 9.269 ngày công lao động giúp cho 619 chị; giúp nhau tiền mặt hơn 65 triệu đồng cho 30 chị vay không tính lãi, giúp 28.000 cây giống cà phê cho 52 chị, giúp 140 con heo giống cho 50 chị… Để tăng hiệu quả sản xuất, Hội LHPN phối hợp với cán bộ nông nghiệp mở 19 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho 1.697 chị em học tập. Với phong trào nói trên, 5 năm qua, Hội LHPN xã Đạ Sar đã giúp cho 270 hội viên và 10 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo. Trong nhiệm kỳ 2011 - 2016, Hội LHPN Đạ Sar phấn đấu 100% hộ hội viên nghèo được Hội giúp đỡ bằng nhiều hình thức, trong đó có 30% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo.

Theo baolamdong

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video