Khen khéo để con biết vươn lên

13/09/2012
Khen ngợi trẻ đúng cách là một nghệ thuật khó.

Từ lúc Ricky còn bé, chị Nga đã không tiếc lời khen con khi bé ăn hết bát bột hay khi đi tiểu biết gọi mẹ. Lớn lên, Ricky làm được việc gì dù là nhỏ nhất cũng nhận được lời khen: “Con trai mẹ giỏi quá”.

Ban đầu, những lời khen ấy rất có hiệu quả, mẹ bảo gì Ricky cũng nhanh nhẹn làm theo và cười hớn hở. Nhưng gần đây Ricky ngày càng tỏ vẻ bướng bỉnh và dường như “nhờn” với lời khen của mẹ, dù mẹ có khen mỏi miệng, Ricky cũng lì ra và coi như không nghe thấy gì…

Con trẻ thường làm giỏi hơn những lĩnh vực mà chúng nhận được sự khuyến khích, lời khen và tình cảm. Lời khen thường là động lực lớn đối với hầu hết trẻ, tuy nhiên, trẻ cũng có những cách khác nhau để đáp lại lời khen đó, ví dụ, có trẻ tỏ ra dấm dẳng hoặc lúng túng, hoặc không chấp nhận lời khen...

Khen ngợi trẻ là một con dao 2 lưỡi, nếu như người lớn không biết cách sử dụng lời khen cho hợp lý và đúng cách, có thể sẽ khiến trẻ suy nghĩ và hành động theo một hướng tiêu cực hơn. Vì vậy, khi khen trẻ, bạn cần nhớ những nguyên tắc dưới đây:

1. Khẳng định và khen cụ thể

Nghĩa là dùng những từ mô tả cụ thể.

Ví dụ : Bé 5 tuổi học viết chữ B. Thay vì khen "Chữ viết của con đẹp nhất thế giới", bạn hãy nói "Con đã viết phần lưng của chữ B thẳng và đúng kích cỡ"...

2. Lời khen phải thật

Lời khen phải thật. Cách khen thì phải tùy độ tuổi. Bé sơ sinh thì có thể khen bằng cách kêu gù gù, mỉm cười. Bé gái từ 2-4 tuổi thì thích cách khen vồn vã. Con trai có xu hướng thích khen thẳng thắn, không hoa mỹ, nhất là bé trai trên 8 tuổi...

3. Không lạm dụng khen con trước mặt người khác

Nhiều bậc cha mẹ rất tự hào về con nên hay khoe con trước mặt người khác khi trẻ đang có mặt ở đó. Khi cha mẹ khen con nhất định sẽ nhận được những lời tán đồng từ khách vì họ không nỡ làm mất đi niềm tự hào của cha mẹ. Thế nhưng những lời khen của cha mẹ cùng với những lời khen từ khách sẽ khiến trẻ “bội thực”.

Lời khen vượt quá năng lực sẽ khiến trẻ phải gồng mình lên quá sức.

4. Khen sao để luôn để lại cảm xúc tích cực trong lòng trẻ

Phải đảm bảo lời khen, sự khẳng định, sự khích lệ của bạn phải đạt được mục đích này, nghĩa là không kết thúc lời khen bằng "sự phá hỏng"

Ví dụ: "Hôm nay con làm bài giỏi lắm, phải chi ngày nào con cũng được như vậy thì đỡ biết mấy! Ngày nào con cũng lười biếng!"

Lời khen bắt đầu rất hay, nhưng lại thêm những lời phê bình, đã biến lời khen thành tiêu cực và những cảm xúc tích cực bị phá hỏng.

Cha mẹ nên nhớ là không được “quay lưng” khi khen con. Cần nhìn vào mắt con, mỉm cười và khen ngợi. Ngôn ngữ và cử chỉ vui vẻ của mẹ có thể “lây” sang trẻ. Khi ấy, lời khen sẽ phát huy hết tác dụng của nó.

 

Theo E (PD)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video