Khi “bà nghị” đăng đàn

19/07/2011
Trở thành ĐBQH là người làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân để mối quan hệ giữa nhân dân với Nhà nước được xuyên suốt, chặt chẽ. Người ĐBQH vừa là người tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người dân, vừa là cầu nối phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri tới Đảng, Nhà nước.

Cầu nối của dân

“ĐBQH đòi hỏi kỹ năng phân tích chính sách là rất quan trọng. Trong một kì họp QH, có thể có hàng chục chính sách được đề ra, vì vậy người đại biểu phải có khả năng phân tích dựa trên các tài liệu. Ví dụ, Chính phủ đưa ra tờ trình chính sách hạ độ tuổi được hưởng trợ cấp chính sách từ 85 xuống 80 tuổi thì ngay trong đầu ĐBQH phải đặt ra câu hỏi: “Hạ độ tuổi hưởng trợ cấp thì sẽ có bao nhiêu người được hưởng? Đối tượng đó tập trung là ai? Ngân sách Nhà nước phải bỏ bao nhiêu? Chính sách đó sẽ làm thay đổi gì đối với người cao tuổi? Có tác dụng gì đối với chính sách nhắm tới, tác động gì tới xã hội?... Những câu hỏi như thế tạo điều kiện để mình nhìn rõ được chính sách, bản thân đại biểu sẽ có được quyết định đối với chính sách đó”.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - Trương Thị Mai

Trở thành ĐBQH, bên cạnh việc thực hiện vai trò, chức năng của một đại biểu dân cử với những vấn đề chung của đất nước, chị Nông Thị Lâm, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Lạng Sơn, đặc biệt quan tâm tới những chính sách xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, xa vùng biên giới. Ngoài ra, cơ chế chính sách cho chị em phụ nữ dân tộc thiểu số, tạo điều kiện hơn nữa để chị em được tham gia các khóa đào tạo dạy nghề, tạo điều kiện bằng hỗ trợ tiền học, tiền ăn, ở để chị em được học tập, nâng cao nhận thức. Chị Lâm chia sẻ: “Tôi nhận thức ĐBQH cần phải có trình độ, kỹ năng; đặc biệt phải dày dặn kinh nghiệm thực tiễn để tham gia xây dựng hoàn thiện hệ thống luật pháp. Tôi sẽ phải cố gắng nhiều, đồng thời tự bố trí thời gian thật hợp lý, đặc biệt đối với người phụ nữ, gánh nặng nhất vẫn là gia đình”.

 

Biết tin trúng cử ĐBQH, chị Nông Thị Bích Liên, Phó Hiệu trưởng trường Dân tộc nội trú Huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang), không khỏi vinh dự tự hào khi được cử tri các dân tộc tỉnh Hà Giang tin tưởng giao trọng trách. Là người con củabản Díu, huyện Xí Mần lại là người dân tộc La Chí, nên chị Liên thấu hiểu được những khó khăn vất vả của bà con dân tộc nơi đây. Chị quan niệm: “Trở thành ĐBQH là người làm cầu nối giữa Đảng, nhà nước với nhân dân. Vừa làm vai trò người tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người dân, đồng thời cũng là cầu nối phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, để mối quan hệ giữa nhân dân với Nhà nước được xuyên suốt, chặt chẽ. Tôi luôn trăn trở với suy nghĩ làm sao góp sức mình vào sự phát triển giáo dục của tỉnh nhà; góp tiếng nói trước Quốc hội để Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư hơn nữa tới cơ sở vật chất, chăm lo tốt hơn nữa cho đời sống giáo viên vùng sâu vùng xa, cũng như học sinh người dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thiệt thòi tại tại mảnh đất cựa Bắc của tổ quốc”.

 

Nỗ lực nâng cao vị thế

 

Qua 4 nhiệm kỳ là ĐBQH, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: “Đối với người tham gia ĐBQH lần đầu sẽ có những khó khăn nhất định, trong đó rất cần những hiểu biết, kỹ năng để tham gia công tác lập pháp của Quốc hội, thực hiện chức năng giám sát. Bản thân tôi từng trải qua thời gian đầu bước chân vào nghị trường. Bước đi đầu tiên bỡ ngỡ. Tôi cho rằng, điều quan trọng là ĐBQH phải nỗ lực hết sức, tiếp cận thật nhanh với cáchoạt động của Quốc hội”.

 

Từ những kinh nghiệm thực tế của mình, bà Mai tâm sự: “5 năm của một nhiệm kỳ không dài, và yêu cầu của 5 năm đó là rất cao của người dân với ĐBQH. Vì vậy, cần nỗ lực, khẩn trương ngay từ kì họp đầu tiên khai mạc 21/7 tới, để có thể tiếp cận được tất cả các vấn đề, làm quen với cách thức hoạt động của Quốc hội, và thực hiện chức năng của Quốc hội với tư cách của một đại biểu. Đặc biệt làm thế nào để xây dựng được hình ảnh của đại biểu nữ trong một nhiệm kỳ, đồng thời để người dân nơi mình ứng cử thấy được mình hoạt động hiệu quả ra sao. Đối với các hoạt động của Quốc hội, giữa nam và nữ là bình đẳng; với văn hóa Á Đông, tính cách người phụ nữ Việt Nam có những rụt rè hơn. Tuy nhiên, hoạt động trong Quốc hội là sự bình đẳng, chịu trách nhiệm như nhau trước người dân, do vậy cần phải nỗ lực để có sự hoạt động hiệu quả”.

 

“Nữ ĐBQH khi bước ra khỏi nghị trường thì vẫn là người phụ nữ với những gánh nặng gia đình, có yếu tố tâm lý lo toan cho gia đình của mình ở nhà. Cũng có nữ đại biểu còn trẻ, có con nhỏ, mang con theo đến nghị trường thì Quốc hội cũng tạo điều kiện, bố trí nơi ăn chốn ở tốt cho các cháu để mẹ yên tâm tham gia hoạt động”, bà Mai khẳng định.

Theo báo Phụ nữ Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video