Khi “Bánh mỳ” đến với bà con dân tộc

27/08/2011
Sắp xếp nhà cửa gọn gàng, vệ sinh chuồng trại, vận hành máy móc phục vụ sản xuất, sử dụng nước sạch, đun sôi nước để uống.... những vấn đề tối thiểu tưởng chừng như ai cũng biết nhưng đối với đa phần phụ nữ sinh sống ở những xã nghèo, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Yên Bái đã phải nhờ tới dự án “Phát triển tổng hợp cấp thôn và giáo dục hành động cộng đồng” để thay đổi nhận thức lẫn hành vi.

Dự án do Hội LHPN tỉnh triển khai dưới sự tài trợ của tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (Đức) mà bà con dân tộc Yên Bái thường gọi là dự án “Bánh Mỳ”, hoạt động từ năm1996 với mô hình điểm tại xã Bản Công (huyện Trạm Tấu). Sau đó, mở rộng ra 12 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao thuộc bảy huyện, thị xã trong tỉnh: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Lục Yên, Yên Bình, Trấn Yên, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ với mục tiêu tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, nâng cao kiến thức mọi mặt, chú trọng cải thiện vệ sinh môi trường cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là hội viên phụ nữ vùng cao, vùng khó khăn... Tuy nhiên, để thay đổi một nếp sống sinh hoạt ăn sâu vào thói quen cả nghìn đời của bà condân tộc vốn nhận thức hạn chế, phong tục tập quán, lạc hậu quả không dễ dàng gì. Đồng bào dân tộc thường có thói quen thả rông hoặc nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn; không có hố tiêu, sử dụng nước bẩn trong sinh hoạt là phổ biến, môi trường thôn xóm bị ô nhiễm bởi phân và rác thải….

Bà Phạm ThịThanh Bình, Trưởng ban Tuyên giáo Hội LHPN tỉnh cho biết: “Qua 14 năm, 70% hộ dân được hưởng lợi từ dự án đã áp dụng có hiệu quả các kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, 100% hộ gia đình được sử dụng nước sạch thường xuyên, có nhà tiêu. 50% hộ dân có cải tiến nhằm cải thiện điều kiện sống, điều kiện lao động và sức khỏe. 30% số dân chưa được hưởng lợi trực tiếp từ dự án nhưng đã tự học hỏi, áp dụng những mô hình hay, hiệu quả phù hợp với gia đình mình”.

Khánh Hòa là xã vùng 3 của huyện Lục Yên, dân tộc thiểu số chiếm 87%, sinh sống chủ yếu trong vùng sâu, vùng đồi núi, tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu. Những năm 2005 trở về trước, công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân rất kém. Tình trạng thả rông gia súc, không có hố tiêu dẫn tới phát sinh nhiều bệnh tật, ảnh hưởng tới sức khỏe. Năm 2005, được sự hỗ trợ của dự án về môi trường, người dân, cộng đồng được nâng cao kiến thức về vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh…; được hỗ trợ xây dựng 13 bể nước sạch, 90 trụ vòi nước tại các hộ gia đình, 10 giếng nước ăn, 40 nhà vệ sinh, 24 hố ủ phân rác… Các hoạt động thiết thực đó đã dần làm chuyển biến nhận thức của cộng đồng, dẫn đến hành vi được cải thiện. Bà con đã biết đun nước sôi uống, biết cách đánh răng, rửa mặt, tắm giặt hằng ngày, gấp chăn màn, quần áo... Tình trạng thả rông gia súc giảm hơn 80%, nhiều hộ gia đình không còn nuôi gia súc, gia cầm dưới gầm nhà sàn mà chuyển chuồng, trại ra xa nhà để tránh mùi hôi, ruồi muỗi. Nhiều gia đình chưa được hưởng lợi từ dự án cũng tự bỏ kinh phí lắp đường nước sạch về tận nhà.

Xã Bản Công (huyện Trạm Tấu) có tới 98% bà con dân tộc Mông lại chú trọng mục tiêu bảo đảm an toàn lương thực, cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho nhân dân, đặc biệt là người nghèo và phụ nữ bằng cách tăng thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện tình trạng sức khỏe. Thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật trồng lúa, ngô, các loại cây lương thực và hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, bà con đãbiết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bảo quản và chế biến nông sản cũng như phòng dịch trên đàn gia súc, gia cầm. Dự án cũng đã cung cấp cho xã 3 máy sao chè, 6 máy xay xát, 8 máy khâu và thêu phục vụ sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

Gia đình chị Giàng Thị Dở thôn Khấu Chu, xã Bản Công được dự án đầu tư nước sạch về tận nhà, phấn khởi khoe: “Khi chưa có nước sạch, bọn mình phải ra khe suối lấy nước. Mùa mưa, nước đục lắm, phải chờ lắng xuống mới nấu được cơm. Bây giờ, có nước sạch, con mình không phải đi tắm suối, tắm khe, vừa bẩn lại nguy hiểm. Vợ chồng mình cũng xây nhà vệ sinh rồi, chẳng sợ bệnh tật truyền nhiễm và xả nước bẩn ra đường thôn bản nữa”. Nhiều gia đình được hưởng lợi từ dự án đã chủ động họp và bầu ra Ban tự quản công trình nước, điển hình như Ban tự quản ở thôn Đát Lụa (xã Bảo Ái). Ban tự quản có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, vệ sinh bể nước, đường ống, theo dõi công tơ nước hàng tháng . Các hộ dân tự nguyện thu 500 đồng m3, số tiền thu được trích lại 20% gây quỹ, còn lại chi phụ cấp cho Ban tự quản. Mô hình này hiện được nhân rộng ra nhiều thôn, xã.

Trước đây cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra liên miên. Mỗi xã chỉ có một cán bộ thú y không qua đào tạo, chỉ hoạt động theo kinh nghiệm. Do vậy, một trong những mục tiêu chính của dự án là nâng cao năng lực hoạt động của cán bộ thú y thôn bản. Anh Nguyễn Đình Vũ xã Bảo Ái, huyện Yên Bình cho biết: “Năm 2008, tôi được đi tập huấn lớp thú y thôn bản để nắm được kiến thức cơ bản về phòng chống dịch bệnh và kỹ thuật chăm sóc gia súc, gia cầm. Học xong, tôi đi tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm tại xã, ngăn chặn một số dịch như: lở mồm, long móng, tụ huyết trùng… góp phần hạn chế rủi ro, giúp bà con phát triển chăn nuôi”. Có kiến thức, đủ đồ nghề, đội ngũ cán bộ thú y đã phát huy trách nhiệm, làm việc rất hiệu quả. Đến nay, bà con trong xã Kiên Thành đã yên tâm phát triển vật nuôi theo hướng bán công nghiệp, nâng số lượng đàn gia súc, gia cầm hộ gia đình.

Đến nay, dự án do tổ chức Bánh Mỳ cho thế giới tài trợ đã kết thúc. Trong năm 2011, Hội LHPN tỉnh Yên Bái tranh thủ các nguồn lực khác để tiếp tục duy trì kết quả dự án, xây dựng các mô hình điểm về trồng trọt, chăn nuôi nhằm nhân rộng, phát triển dự án sang nhiều địa bàn mới, tạo điều kiện để bà con phát triển kinh tế bền vững; tổ chức tập huấn, truyền thông nâng cao nhận thức cho đội ngũ giám sát viên và tình nguyện viên cấp xã và thôn bản. Đây sẽ là đội ngũ nòng cốt trong công tác tuyên truyền, giáo dục vận động, hướng dẫn nhân dân duy trì thực hiện các hoạt động nhằm tiếp tục cải thiện điều kiện sống, làm việc và vệ sinh môi trường trong cộng đồng.

Theo Thanh Hà, báo Nhân dân

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video