Khi gia đình không phải là nơi an toàn cho phụ nữ

06/12/2010
Gia đình phải là nơi đầy tình thương yêu, song đối với một số phụ nữ và con cái họ, đó đôi khi là nơi chất chứa nỗi sợ hãi.

Phụ nữ chịu bạo hành từ chồng- tình trạng phổ biến

Chị Hoa (Đoan Hùng, Phú Thọ), một nạn nhân của bạo hành gia đình tâm sự: “Năm đầu tiên sau khi lấy nhau, chúng tôi sống rất hạnh phúc. Tuy nhiên, mọi việc thay đổi kể từ khi tôi mang bầu. Chồng tôi bắt đầu ghen tuông khủng khiếp. Anh ấy thường xuyên say rượu và bắt đầu đánh đập tôi”. Quá sợ hãi và ít hiểu biết về quyền của mình cũng như về những dịch vụ dành cho phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình, chị đã tìm kiếm sự giúp đỡ của bố mẹ đẻ. “Bố mẹ tôi đến nhà nói chuyện với chồng tôi và thuyết phục anh ta đừng đánh tôi nữa. Song được một thời gian, tình hình trở nên tồi tệ hơn. Có lần chồng tôi nhốt tôi 10 ngày trong  nhà. Sau khi được thả ra, quá sợ hãi tôi đã bỏ trốn”.

Theo “Nghiên cứu Quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam” được Tổng cục Thống kê và Liên Hợp Quốc (LHQ) công bố ngày 25/11 vừa qua, những trường hợp bị chồng bạo hành như chị Hoa hiện rất phổ biến, và tỷ lệ bạo lực gia đình ở Việt Nam đang ở mức đáng báo động. Nghiên cứu này được tiến hành trên cơ sở phỏng vấn 4.838 phụ nữ từ 18 - 60 tuổi tại Hà Nội, Huế và Bến Tre từ tháng 12/2009 – 1/2010.

Theo khảo sát của Nghiên cứu, cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc từng có gia đình thì 1 người đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục. Còn xét đến cả 3 hình thức bạo hành chính trong đời sống vợ chồng (thể xác, tinh thần và tình dục) thì có tới 58% phụ nữ được hỏi cho biết đã từng là nạn nhân của ít nhất 1 hình thức trên. Khả năng phụ nữ bị chồng lạm dụng nhiều hơn gấp 3 lần so với khả năng bị người khác lạm dụng.

Báo cáo của LHQ cũng chỉ rõ thực trạng đa số phụ nữ Việt Nam đều có nguy cơ tiềm tàng bị bạo lực gia đình. Tại một số vùng, cứ 10 phụ nữ thì 4 người nhận thấy gia đình không phải là nơi an toàn đối với họ. Ở vùng Đông Nam Bộ, 42% chị em cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục. Bên cạnh đó, 54% phụ nữ cho biết đã phải hứng chịu bạo lực tinh thần do chồng mình gây ra. Điều đáng nói là tỷ lệ phụ nữ bị chồng bạo hành ở vùng dân tộc thiểu số thấp hơn so với đồng bằng và thành phố (8% đối với người Mông và 36% đối với người Kinh).

Phụ nữ có thai cũng là đối tượng có nguy cơ bị bạo hành. Theo báo cáo, khoảng 5% phụ nữ từng có thai cho biết họ đã bị chính người cha của đứa trẻ mình đang mang trong bụng đánh đập trong thời gian mang thai.

LHQ cũng nhấn mạnh, bạo lực gia đình đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khoẻ thể chất và tinh thần của người phụ nữ. 25% phụ nữ được hỏi cho biết họ phải chịu đựng những vết thương trên cơ thể, thậm chí đã bị thương tích nhiều lần do chồng mình gây nên. So với những người chưa từng bị bạo hành thì họ có nhiều khả năng bị bệnh tật hơn; sức khoẻ kém hơn và khả năng nghĩ đến việc tự tử nhiều hơn.

Chị Hoa cũng như nhiều phụ nữ bị chồng bạo hành đều cho hay, các “đấng lang quân” của mình có thể “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ bất cứ ở đâu, khi nào với lý do gì cùng với những lời sỉ nhục, mắng nhiếc không thương tiếc. Lúc này, gia đình thực sự là “địa ngục” và trở nên nỗi ám ảnh nặng nề, không những với các chị và còn cả những đứa con.

“Chịu nhịn là chết đấy”

Ngày 22/9 vừa qua, TAND tỉnh Hoà Bình đã tuyên phạt Bùi Thị G. (20 tuổi, ở huyện Kim Bôi) 2 năm tù giam về tội “Giết người”. Điều đáng nói, ác thủ chính là con đẻ của nạn nhân bởi chính những tháng ngày dài chứng kiến mẹ bị hành hung, rồi bản thân cũng chịu những trận đòn vô cớ từ người cha, uất ức dồn nén khiến cô gái trẻ phạm một tội ác ghê sợ.

Hành vi giết cha của cô gái trên xuất phát từ sự “vùng lên” để cứu mẹ, khi người mẹ của cô đã bao năm nhẫn nhục chịu đựng ông chồng vũ phu.

Theo bà Henrica A.F.M.Jansen, Trưởng nhóm nghiên cứu báo cáo của LHQ, mặc dù bạo lực gia đình là hiện tượng rất phổ biến nhưng vấn đề này vẫn bị giấu diếm nhiều, bởi bên cạnh sự kỳ thị và xấu hổ khiến phụ nữ phải im lặng, nhiều chị còn cho rằng, nhẫn nhịn chịu đựng để giữ gìn sự êm ấm cho gia đình.

Bên cạnh đó, trẻ em sống trong những gia đình mà mẹ bị cha bạo hành nhiều khả năng có các vấn đề về hành vi hơn so với những trẻ em khác. “Những người chồng bạo hành có nhiều khả năng đã từng chứng kiến mẹ mình bị cha đánh đập khi còn nhỏ. Những điều đã trải qua thời thơ ấu chính là một yếu tố quan trọng liên quan đến việc bản thân họ sau này trở thành người gây ra bạo lực gia đình”, bà Jansen cho biết thêm.

Ông Jean Marc Olive, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh rằng: “Tất cả chúng ta đều mong đợi những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình sẽ đứng dậy nói lên tiếng nói của mình và chấm dứt bạo lực gia đình”.

“Chịu nhịn là chết đấy!”- là thông điệp được đúc kết từ chính những người phụ nữ bị bạo hành./.

Lại Thìn
(Theo VOV)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video