Khi người giúp việc thay cha mẹ

16/12/2010
Do áp lực công việc, nhiều cha mẹ giao phó việc chăm sóc, dạy dỗ con cái cho người giúp việc. Song họ không ý thức rằng khi trẻ được “giao khoán” cho người giúp việc có thể tăng nguy cơ tự kỷ lên bảy lần.

Thời gian gần gũi, tiếp xúc của nhiều trẻ với người giúp việc còn hơn ở cạnh cha mẹ, ông bà.

Học ăn học nói, học cư xử...

Chị N.Thảo, ở Q.10, TP.HCM, có người giúp việc trông con từ lúc bé được 9 tháng. Một tối đi làm về nghe con trai 18 tháng tuổi bi bô, chị ngơ ngẩn mãi không hiểu, trong khi chị giúp việc tủm tỉm “cháu nói mẹ về đấy”. Trời, vậy mà chị nghe là “mê vê, mê vê”. Không kỳ thị sự khác biệt giọng nói vùng miền, nhưng vợ chồng chị Thảo cảm thấy thật bối rối khi trò chuyện với con nên đang muốn tìm người giúp việc cùng quê với mình.

        Tuổi thơ không trở lại

Trẻ con bắt chước rất nhanh. Khi người giúp việc là người gần, thân nhất của trẻ thì việc trẻ học những cách ứng xử, hành vi... giống người giúp việc là điều dễ hiểu.

Nếu cha mẹ giao mọi việc từ A-Z cho người giúp việc để có thời gian lao động kiếm tiền, mong con cái sau này có cuộc sống đầy đủ hơn thì vô tình cha mẹ đang tự rút lui khỏi việc dạy dỗ, uốn nắn con. Trẻ con - nhất là từ lúc sinh ra đến khi 6 tuổi - rất cần cha mẹ bên cạnh mới có thể hình thành, phát triển nhân cách toàn diện. Và các bậc phụ huynh cũng lưu ý tiền bạc có thể kiếm nhiều lúc, nhưng tuổi thơ của trẻ sẽ không trở lại...

Thạc sĩ xã hội học
Phạm Thị Thúy

Còn cô con gái 5 tuổi của chị An, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM, lại không chịu ăn bằng chén và ngồi tại bàn mà thích bưng tô chạy lòng vòng trong nhà. Sau này chị An mới biết bé bắt chước thói quen của bà giúp việc. Bà thường cho cháu một tô, bà một tô và vừa ăn vừa đi khắp nhà. Làm thế nào để con gái chịu ngồi vào bàn ăn với cha mẹ cho nề nếp và lịch sự, với chị An vẫn là bài toán khó.

Vợ chồng chị Hằng, anh Văn, chủ một trung tâm ngoại ngữ và du học, có tới ba người giúp việc và một anh lái xe. Ba người giúp việc thường xuyên tị nạnh nhau về công việc nhà, cãi nhau ngay trước mặt con trai 4 tuổi của chị. Người được giao chăm sóc cậu quý tử nghiễm nhiên coi mình quan trọng hơn hai người còn lại. Chị cặp kè với anh lái xe và vợ chồng anh Văn biết điều này qua cử chỉ, ngôn ngữ của cậu con trai nhỏ tuổi của mình. Vấn đề càng nghiêm trọng khi hai người tán tỉnh nhau ngay trước mặt bé mỗi khi họ cùng nhau đi đón cu cậu ở trường.

Không quá phức tạp như gia đình anh Văn, nhưng con trai chị Phúc - một doanh nhân thành đạt - 3 tuổi vẫn chưa nói hơn bốn từ, thụ động và nhút nhát. Được bác sĩ tư vấn, chị ở nhà một ngày quan sát thì thấy người giúp việc mở tivi cho bé xem gần như suốt ngày.

Để bớt rủi ro

Chị Hào, vợ một doanh nhân người Nhật, đang tạm hài lòng với một bác giúp việc tròm trèm 50 tuổi. Chị nói công việc nhà chẳng nặng nhọc, máy móc đảm nhiệm hết nên người giúp việc cao tuổi một chút cũng không sao. “Người giúp việc cao tuổi thì cẩn thận, nhất là từng làm bà, làm mẹ họ sẽ ý thức tốt hơn việc làm gương cho trẻ. Cao tuổi họ cũng sẽ bớt sân si, bớt nhu cầu về bạn bè, bớt phức tạp”. Chị đề ra một số nguyên tắc cho người giúp việc để họ có ý thức trong việc dạy dỗ bé. Ngoài ra, chị Hào và chồng luôn cố gắng dành thời gian chơi cùng con, trò chuyện và lắng nghe con.

Với chị TT.Nga, phó tổng giám đốc một công ty liên doanh Việt - Mỹ, dường như quá trình làm mẹ của chị lại xuất phát sau khi sinh con tám năm. Tám năm trước, khi con được 6 tháng, chị giao bé cho bà ngoại để sang Mỹ du học. Ba năm sau chị về, con đã lớn, gọi bà ngoại bằng mẹ, gọi mẹ bằng chị. Chị sớm nhận ra giữa con trai với mẹ không thân được như với bà ngoại và dì Tư giúp việc.

Càng lớn con chị càng có khoảng cách hơn với mẹ, những khi đi siêu thị, con trai chị thường chạy lại hỏi ý kiến dì Tư, còn chị đứng ngay bên cạnh mà như người thừa. Sau nhiều lần như thế chị quyết định nghỉ việc ở nhà để cải thiện tình hình, sáng chiều chị đưa con tới trường; tối ngồi đọc sách, cuối tuần đi ăn, xem phim... cùng con. Năm tháng sau, con trai đi đâu cũng bám mẹ. Chị bảo mình may mắn xoay chuyển đúng lúc, nếu không chẳng biết tình cảm giữa hai mẹ con sẽ đi tới đâu...

Hướng dẫn người giúp việc biết chơi với trẻ

Theo nghiên cứu của Bệnh viện Nhi T.Ư, trẻ sống cùng người giúp việc và trẻ xem tivi nhiều đều làm tăng nguy cơ phát lộ bệnh tự kỷ cao hơn rất nhiều lần bình thường.

Trẻ được cha mẹ giao phó sự chăm sóc cho người giúp việc tăng nguy cơ tự kỷ lên bảy lần; trẻ xem tivi trên 3 giờ/ngày tăng 6,5 lần, trên 6 giờ/ngày tăng trên 20 lần nguy cơ bệnh so với trẻ khác. Lý do rất đơn giản là xem tivi trẻ chỉ được giao tiếp một chiều thụ động, không có cơ hội được bày tỏ, chuyện trò gây ức chế.

Bác sĩ Cao Vũ Hùng, phó trưởng khoa tâm bệnh Bệnh viện Nhi T.Ư, cho rằng do bố mẹ quá bận bịu với công việc, người giúp việc lại trở thành nhân tố quan trọng cho sự phát triển của trẻ: về cảm xúc, nhận thức, ngôn ngữ... Song khi người giúp việc có những hạn chế nhất định (do nhận thức không tốt - ảnh hưởng từ trình độ, do tâm lý chỉ mau chóng làm tròn việc nhà, không có tình cảm thật sự với trẻ...) khiến chính họ có thể trở thành yếu tố nguy cơ đối với trẻ tự kỷ. Chưa kể cũng chính từ tâm lý buộc phải hoàn thành việc nhà trước khi chủ về nên nhiều người giúp việc có thói quen đặt trẻ trước màn hình tivi để... rảnh tay lo nội trợ.

Giải pháp tốt nhất vẫn là ông bà, bố mẹ dành nhiều thời gian hơn để gần gũi với con trẻ. Trong trường hợp bất khả kháng, buộc phải cần đến sự trợ giúp hằng ngày của người giúp việc thì nên hướng dẫn họ biết cách chơi với trẻ, thể hiện tình yêu thương với trẻ. Thêm một điều quan trọng là cha mẹ nên giao việc nhà vừa phải cho người giúp việc, yêu cầu họ luôn ưu tiên, không được từ chối nhu cầu giao tiếp của trẻ: khi em bé muốn chơi, họ phải chơi cùng; khi bé muốn chia sẻ, họ phải dành thời gian trò chuyện...

Theo Báo LĐ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video