Khi phụ nữ Việt Nam xung trận

16/05/2014
Lịch sử thế giới đã ngỡ ngàng khi những người phụ nữ Việt Nam gần như không có vai trò gì trong xã hội ở thời kỳ trước 1945 lại trở thành một lực lượng nòng cốt cho trận tuyến toàn dân tạo nên chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá “Phụ nữ Việt Nam đã có công lao to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc”. Trong bức thư gửi Hội LHPNVN nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đại tướng đã viết : “Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều chị em phụ nữ đã ra trận, đảm nhận nhiệm vụ thông tin và công tác quân y. Còn dân công và thanh niên xung phong đảm bảo hậu cần cho chiến dịch đại đa số là các chị em, từ địch hậu, từ khu V, từ Việt Bắc, Tây Bắc đã ngày đêm lao động quên mình đảm bảo nhu cầu cho bộ đội, góp phần cực kỳ quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của chiến dịch”. Có được sự tham gia đắc lực và hiệu quả của phụ nữ Việt Nam vào chiến thắng Điện Biên Phủ. Đảng ta, Nhà nước ta, đặc biệt là Hồ Chí Minh đã có rất nhiều những quyết định vô cùng sáng suốt để phụ nữ Việt Nam hăng hái và nhiệt tình trong các nhiệm vụ chung của dân tộc. Ngay trong bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam mới năm 1945 khi trích dẫn một câu trong tuyên ngôn độc lập nước Mỹ ngay câu mở đầu, Hồ Chủ Tịch cũng đã chỉnh sửa một câu nguyên văn trong tuyên ngôn nước Mỹ năm 1776 là;”…All men are created equal…”, nghĩa là:”…mọi đàn ông sinh ra đều bình đẳng…”. Còn Bác Hồ của chúng ta thì viết: ”Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng…”(All people are created equal…”).

Bác chỉ thay một từ, từ ”all men- mọi đàn ông”thành”allpeople- mọi người” nhưng đã thay đổi hẳn bản chất bản tuyên ngôn. Tư tưởng “ trọng nam khinh nữ” của ngàn năm phong kiến đã được Bác Hồ khai tử vào đúng thời khắc khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Chỉ với lời tuyên ngôn ấy, hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam lúc đó đã ngay lập tức đặt niềm tin tuyệt đối và sẵn sàng hy sinh cho một chế độ sẽ tôn trọng và mang lại quyền bình đẳng cho phụ nữ sau hàng ngàn năm bị khinh rẻ. không những thế, chính Hồ Chủ Tịch đã thành lập và chính thức đặt tên cho tổ chức phụ nữ Việt Nam một cái tên đầy trân trọng với một nhiệm vụ cực kỳ lớn lao: Hội Phụ nữ cứu quốc. Cái tên Phụ nữ cứu quốc giờ đã trở lên bình thường trong quan niệm mọi người nhưng lúc mới ra đời, nó là một quyết định thiên tài của Bác Hồ. Lúc đó, Hội Phụ lão cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc và Hội Nhi đồng cứu quốc được Hồ Chủ Tịch đặt tên là; những lực lượng chưa từng được bất cứ một quốc gia nào huy động vào các cuộc chiến và thực sự trong đời sống xã hội lúc đó, khi mà trước đây, ba lực lượng này gần như không được tham gia vào các hoạt động xã hội. Sự trân trọng trong các tuyên ngôn chỉ thực sự có giá trị khi những lực lượng này được giao nhiệm vụ cụ thể. Và nhiệm vụ cứu quốc được Hồ Chủ Tịch đặt lên vai những người Phụ nữ Việt Nam bằng một sự trân trọng và tin tưởng đặc biệt. Có thể nói, chính Hồ Chủ Tịch là hạt nhân sáng chói nhất trong khối đại đoàn kết dân tộc, giai cấp, tạo lên một sức mạnh quật khởi để chúng ta có được chiến thắng ngày 7/5/1954.

Chỉ sau 9 năm từ khi Hồ Chủ Tịch đưa Phụ nữ Việt Nam vào tuyên ngôn là ”Có quyền bình đẳng”, Phụ nữ Việt nam đã trở thành một lực lượng nòng cốt tại hậu phương và trên tất cả các mặt trận ở chiến dịch Điện biên. Có chuyện vui của một đơn vị bộ đội khi nhận chỉ thị dựng một vở kịch về chiến thắng Điện Biên, đến sát thời hạn công diễn, đơn vị phải báo cáo lên cấp trên là không thể dựng kịch được vì đơn vị có rất ít nữ thì sao có thể dựng nổi vở kịch về chiến thắng Điện Biên.

Sau này, noi gương Hồ Chủ Tịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều quyết định để phụ nữ Việt Nam đóng góp nhiều hơn nữa trong công cuộc giành độc lập, thống nhất hai miền. Là Tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 1954 -1976, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chỉ huy tối cao quân đội duy nhất trong lịch sử thế giới cận đại đã tôn trọng, tin cậy và giao trọng trách cho phụ nữ cầm quân chỉ huy đánh giặc: Nữ tướng Nguyễn Thị Định với “đội quân tóc dài” cùng với Đại tá anh hùng Hồ Thị Bi- “nữ kiệt miền Đông”…Như vậy chiến thắng Điện Biên không chỉ là bài học lớn về quân sự cho những chiến thắng sau này để thống nhất hai miền, chiến thắng Điện Biên Phủ còn là bài học lớn về công tác huy động sức mạnh toàn dân, huy động sức mạnh mọi tầng lớp, giai cấp xã hội tham gia vào nhiệm vụ chung của toàn dân tộc.

Đánh giá về vai trò của Phụ nữ Việt Nam tại chiến thắng 60 năm trước, tôi chỉ nhớ một câu nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Có những nhiệm vụ trên mặt trận, anh em bộ đội không thể nhưng chị em phụ nữ đã tham gia tất cả các nhiệm vụ trên mặt trận Điện Biên.

Theo báo: PNVN (KK)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video