Khó xóa phân biệt đối xử giữa thầy thuốc và người nhiễm HIV/AIDS

03/12/2010
Không chỉ mang nỗi đau của bệnh tật, những phụ nữ nhiễm HIV/AIDS còn phải chống chọi với sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng và xã hội. Trong đó, giây phút mà họ lo sợ nhất là khi chuyển dạ đẻ và ám ảnh dai dẳng nhất chính là ánh mắt rẻ khinh, chế giễu của các bác sỹ (BS) sản khoa...

Sợ bệnh viện...?


Gần chục năm sống chung với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS nên chị H (Câu lạc bộ Bồ Câu, Hà Nội) quá hiểu nỗi đau và sự ám ảnh của các thành viên nữ hiện đang sinh hoạt tại nhóm mình.

Theo lời chị kể, vào một ngày cuối tháng 12/2009, chị đưa một thành viên trong nhóm đến BV Phụ sản Hà Nội cấp cứu vì chửa ngoài dạ con. Vốn có kiến thức rất nhiều về HIV, để tránh lây nhiễm cho các BS, chị H đã thành thật “thổ lộ” về tình trạng bệnh của bạn mình. Sau khi thăm khám qua loa, BS liền chuyển chị ấy lên Khoa sản 2.


Với lý do hết giường, các hộ lý kê cho BN một giường ngay đối diện với nhà vệ sinh của phòng (trong khi đó, chị H quan sát thấy vẫn còn rất nhiều giường trống trong phòng cũng như các phòng kế bên).


Không chỉ có vậy, trong suốt quá trình nằm tại đây, chị và bạn chị phải chịu đựng không biết bao nhiêu lời nhục mạ, sự cáu gắt, và những ánh mắt khinh bỉ từ các BS, y tá, nhân viên BV. Chỉ đến khi chị H nhờ người từ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố gọi điện đến “can thiệp” thì bạn chị mới được đưa vào phòng mổ.


“Đến lúc chết, tôi cũng không thể quên được những ánh mắt và những lời lẽ cay độc của họ...” - chị L (nhóm Sức trẻ, Hà Nội) giãi bày. Rồi, bằng giọng đầy bức xúc và những dòng nước mắt không thể kìm nén, chị kể lại câu chuyện đắng lòng của mình.


... Đó là thời điểm cuối năm 2004, chị L đã đến BV này để khám thai và xét nghiệm trước khi sinh con (lúc ấy chị chưa biết mình bị nhiễm HIV/AIDS). Khi chị lên phòng đẻ, thấy kết quả xét nghiệm dương tính với HIV, cô y tá đưa cho cả phòng xem.


Từ lúc biết chị bị nhiễm HIV, mọi không ngớt xì xào, bàn tán, đồng thời ném về chị những ánh mắt “mang hình viên đạn”. Thậm chí, có người còn rủa: “Đã nhiễm HIV còn chửa đẻ làm gì?”, rồi họ xoáy vào những câu hỏi: “Làm nghề gì?”, “Nhiễm HIV từ đâu?”, “Dính bao lâu rồi?”... Những ánh mắt, những lời soi mói ấy khiến tim chị như rỉ máu. Chị nào có lỗi gì? Lớn lên đi học, lấy chồng rồi sinh con như bao người khác, nào ngờ tai ương này lại ập đến?


Cũng vì những ám ảnh không thể quên này, khi có thai đứa thứ hai, chị đã không dám đến đây nữa mà đăng ký khám và sinh nở tại một BV khác, tuy xa nhà nhưng tinh thần được thanh thản hơn...


Góc thân thiện BV - có giảm bớt được nỗi đau?

Thực trạng đau lòng trên đâu chỉ xảy ra tại BV Phụ sản Hà Nội mà diễn ra ở hầu hết các cơ sở sản khoa trong cả nước. Với mong muốn cải thiện được tình trạng này, được sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Nhật Bản, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội đã phối hợp với Tổ chức CARE tại Việt Nam triển khai Dự án “Đối thoại mô hình góc thân thiện tại BV” (2010-2011).


Dự án được thực hiện tại 4 BV của Hà Nội là: BV Thanh Nhàn, BV Hòe Nhai, BV Đức Giang và BV Phụ sản Hà Nội. Và, những thông tin mà chúng tôi có được ở trên là từ một cuộc đối thoại trực tiếp giữa BS, nhân viên y tế BV Phụ sản Hà Nội và những người nhiễm HIV đã từng là bệnh nhân của BV này.


Với mục đích: Nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ y tế trong việc thực hiện các trách nhiệm pháp lý (bảo mật thông tin về tình trạng nhiễm HIV; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm, HIV; thực hiện dự phòng phổ cập) và cung cấp các thông tin về: Tư vấn, xét nghiệm HIV; các dịch vụ chăm sóc và điều trị cho người nhiễm; giới thiệu các cơ sở tư vấn, các nhóm tự lực cộng đồng hỗ trợ cho người nhiễm; giới thiệu cơ sở trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV/AIDS...


Dự án đã ít nhiều xóa bớt đi bức màn ngăn cách giữa hai đối tượng này; giúp họ nâng cao nhận thức, kiến thức về HIV/AIDS và ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình hơn trong lĩnh vực này.


Tuy nhiên, với không ít người: “Khái niệm về HIV/AIDS vẫn còn rất mơ hồ, để lâu lại quên và nhìn người nhiễm tốt nhất là tránh thật xa...” - tư vấn viên Đặng Thị Nghĩa (nhóm Bồ Câu, cộng tác viên hỗ trợ Dự án tại BV Phụ sản Hà Nội) chia sẻ.


Theo chị Nghĩa, để thực sự xóa bỏ được khoảng cách này, không chỉ một góc BV mà toàn thể cán bộ, nhân viên BV phải biết và làm được. Khi đã nắm được, họ mới có thể chia sẻ và cảm thông... Tóm lại, “phải cải thiện rất cụ thể thì mới giải quyết được vấn đề” - chị Nghĩa nói.

Theo phapluatvn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video