Khởi động chiến dịch “Chung tay xóa bỏ bạo lực với phụ nữ”

23/11/2013
Hưởng ứng ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái (25/11) do Liên Hợp Quốc phát động, chiều 22/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và các đối tác phát triển khác khởi động chiến dịch “Chung tay xóa bỏ bạo lực với phụ nữ”.

Tham dự lễ khởi động chiến dịch có đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; bà Pratibha Mehta – Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam; đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội LHPN Việt Nam và các đối tác.
 
Chiến dịch “Chung tay xóa bỏ bạo lực với phụ nữ” nhằm hưởng ứng ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái (25/11) do Liên Hợp Quốc phát động. Đồng thời, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là của nam giới và kêu gọi sự chung tay của tất cả mọi người trong việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam.

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một trong những vi phạm nghiêm trọng tới quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ sự ổn định, bền vững của gia đình và trật tự an toàn xã hội. Việc ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi nạn bạo lực đối với phụ nữ là mối quan tâm của Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới. Số liệu từ Nghiên cứu Quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam do Tổng cục thống kê và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam công bố năm 2010 cho thấy: 58 % phụ nữ cho biết đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. Khoảng 50 % nạn nhân chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng; 87 % nạn nhân bạo lực gia đình chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công.

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ gây ảnh hưởng về mặt thể xác, tinh thần cho nạn nhân, mà còn dẫn tới thiệt hại về kinh tế cho gia đình và xã hội. Theo kết quả nghiên cứu “Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình gây ra với phụ nữ tại Việt Nam” do Liên Hợp Quốc công bố năm 2012, tổng thiệt hại về năng suất lao động chiếm tới 1,78 phần trăm Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) năm 2010 của Việt Nam. Tuy nhiên, chi phí xã hội còn cao hơn do Bạo lực đối với phụ nữ ảnh hưởng đáng kể đối với sự gắn kết xã hội và khả năng phục hồi của cộng đồng. Bạo lực dẫn tới kìm hãm tăng trưởng kinh tế và gia tăng đói nghèo của quốc gia.

Phát biểu tại Lễ khởi động chiến dịch, bà Pratibha Mehta – Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết: “Bây giờ là lúc cần hành động để chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Việc chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em không thể thành công nếu không có sự tham gia của nam giới, bao gồm cả người lớn và trẻ em. Nếu chỉ có phụ nữ thì không thể chấm dứt bạo lực, mà cần phải có sự chung tay của tất cả mọi người trong xã hội”.

Chiến dịch “Chung tay xóa bỏ bạo lực với phụ nữ” sẽ diễn ra với nhiều hình thức: tọa đàm, đối thoại chính sách, triển lãm, diễu hành tại Hà Nội, Hải Dương, Bến Tre và một số tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc, tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội./.

Theo ĐCS

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video