Không bỏ khung tử hình với tội buôn bán ma tuý

27/05/2009
Nhiều đại biểu Quốc hội, trong buổi làm việc sáng nay, cho rằng, chưa nên bãi bỏ hình phạt tử hình với một số tội danh nghiêm trọng, như buôn bán ma túy, hiếp dâm, khủng bố, làm giả tiền…

Tại buổi làm việc tại hội trường sáng nay, 25/5, về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, nhiều đại biểu đề nghị giữ mức án phạt tử hình đối với tội danh mua bán, tàng trữ, vận chuyển hoặc chiếm đoạt chất ma túy.


Đại biểu Hà Công Long (đoàn Gia Lai) cho rằng, hành vi mua bán ma túy có mức độ nguy hiểm hơn tàng trữ, vì những người tàng trữ chủ yếu là con nghiện và người nghèo khổ vì mưu sinh hoặc bị ép buộc. Vì vậy, việc bỏ án tử hình với loại tội phạm này rất phù hợp.


Không đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Phạm Văn Hà (Nghệ An) nói, tội phạm ma túy chưa giảm mà diễn biến phức tạp, tính chất ngày càng nghiêm trọng hơn, nên việc thay đổi chính sách trong thời điểm hiện nay cần cân nhắc.


“Vì vậy, để đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này, nên giữ hình phạt tử hình nhằm răn đe. Nếu tách thành hai loại tội danh, sẽ gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra” - Ông Hà nói.


Một số đại biểu cũng tán đồng với ý kiến không tách Điều 194 như dự thảo Luật và cho rằng, vẫn cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình để răn đe và trừng trị tội phạm, nhất là những trường hợp vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy có số lượng đặc biệt lớn.


Theo ông Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), đây là loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm, đe doạ tính mạng, an ninh trật tự xã hội. Thời gian qua, công an khám phá nhiều vụ án buôn bán ma tuý xuyên quốc gia. Các hành vi tàng trữ, vận chuyển liên quan chặt chẽ với nhau, không thể bỏ hình phạt tử hình với tội phạm ma tuý”.


Đại biểu Trần Thị Hằng (Nam Định) nêu quan điểm, tác hại của việc sử dụng ma tuý rất khó lường trước. Nếu không đưa hành vi này trong Luật hình sự thì việc sử dụng ma tuý sẽ tràn lan, khó kiểm soát.


Nhìn từ khía cạnh khác, một số đại biểu đề nghị chỉ nên bỏ hình phạt tử hình đối với tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy, còn tội mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy thì vẫn cần giữ khung tử hình.


Nên giữ khung tử hình với tội hiếp dâm

Một số ý kiến cho rằng, công tác cai nghiện ở nước ta còn nhiều hạn chế, tỉ lệ cai nghiện thành công thấp, nếu bỏ khung tử hình, dẫn đến việc sử dụng ma túy tràn lan, không đảm bảo yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy.


Việc sử dụng trái phép chất ma túy có liên quan mật thiết với hành vi sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy vì đây là quan hệ cung - cầu.

Về mức án đối với tội phạm hiếp dâm, nhiều đại biểu cũng cho rằng, chỉ nên sửa đổi với những hành vi “gây vướng” trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Và, việc giữ mức án tử hình với các trường hợp phạm tội đặc biệt nguy hiểm là cần thiết.


Ông Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, thực tế cho thấy, số vụ hiếp dâm ngày càng gia tăng. Bị cáo dưới 16 tuổi thì xét xử theo tội hiếp dâm trẻ vị thành niên với mức án cao nhất là tử hình.


Nếu bỏ quy định này, khi đối tượng biết bị nhiễm HIV, vẫn chủ ý hiếp dâm thì mức án phạt cao nhất chỉ là tù chung thân. Như vậy, pháp luật hình sự không đủ mạnh để bảo vệ các cháu bé.


Một số đại biểu khác cũng cho hay, hành vi hiếp dâm xâm phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của người bị hại.


Xét về mức đội nguy hiểm của hành vi, nhiều trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm nạn nhân chết hoặc tự sát nhưng không thể truy cứu về tội giết người hoặc bức tử. Vì thế, cần quy định tình tiết tăng nặng của tội hiếp dâm làm cơ sở cho việc định khung hình phạt tử hình là phù hợp.


Đại biểu Nguyễn Thanh Hòa (Bắc Ninh) ủng hộ việc không nên bỏ hình phạt tử hình đối với tội hiếp dâm, vì đây là tội phạm nghiêm trọng, không chỉ làm nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe…, mà còn gây đau khổ dai dẳng cho nạn nhân. Vì thế, nên giữ hình phạt tử hình, nếu không sẽ gây bất lợi với việc tuyên truyền, giáo dục, răn đe.


Cũng trong sáng nay, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về một số tội danh khác như: Tội buôn bán người, giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội lưu hành tiền giả, công trái giả…


Một đại biểu cho rằng, vẫn nên áp dụng án tử hình với tội danh làm tiền giả, vì đây là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp phá hoại kinh tế của đất nước.


Ngoài ra, tội chiếm đoạt máy bay, tàu thủy cũng là chiếm đoạt tài sản lớn và uy hiếp tính mạng của nhiều người.


“Chiếm đoạt với mục đích khủng bố đe dọa chiến tranh với các quốc gia khác thì càng nguy hiểm. Vụ khủng bố 11/9 là một minh chứng. Cần có chế tài đủ mạnh để răn đe, vì vậy cần giữ nguyên mức án tử hình"- Đại biểu trên nói.

Theo Tiền Phong

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video