Không hạ thấp các chỉ tiêu về bình đẳng giới

26/09/2017
Đó là ý kiến của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội vào Báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới do Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung trình bày trước Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp sáng 13/9 vừa qua.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, công tác bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm thực hiện trên cơ sở triển khai các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 và các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.

Với nỗ lực của các cấp, các ngành, công tác bình đẳng giới đã đạt một số kết quả nổi bật như: Cơ chế chính sách, pháp luật về bình đẳng giới tiếp tục được hoàn thiện, trong đó có các chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội được ban hành; các hoạt động nhằm tăng tỉ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần tăng tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới lần đầu tiên được tổ chức song đã tạo được sự lan tỏa rộng rãi và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao; ở cấp xã, tiêu chí về bảo đảm bình đẳng giới (có lãnh đạo nữ chủ chốt, có địa chỉ tin cậy-nhà tạm lánh tại cộng đồng...) đã được đưa vào áp dụng để làm căn cứ đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, còn một số hạn chế như việc triển khai công tác bình đẳng giới tại một số đơn vị, địa phương còn mang tính hình thức, chưa được quan tâm lồng ghép vào trong các hoạt động để đạt được hiệu quả mong muốn. Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn tồn tại một số quy định tạo ra sự khác biệt trong thụ hưởng chính sách giữa nam và nữ, trong đó phần lớn phụ nữ là người chịu thiệt thòi hơn so với nam giới. Trong tổng số 22 chỉ tiêu của Chiến lược đề ra thì chỉ có 6 chỉ tiêu đạt (chiếm tỉ lệ 27,3%) và có đến 16 chỉ tiêu chưa đạt hoặc chưa đánh giá được (chiếm tỉ lệ 72,7%)...

Trong thời gian tới, nhằm tăng cường việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới và các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lãnh đạo và người đứng đầu tại các cơ quan, đơn vị và địa phương; phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, địa phương trong thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; bố trí, phân công công tác đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đúng quy định về bình đẳng giới.

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp liên ngành và đẩy mạnh việc huy động nguồn lực trong nước và quốc tế dành cho công tác bình đẳng giới; Quan tâm hơn nữa công tác đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức góp phần tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo và các cơ quan dân cử, đặc biệt đối với nữ lãnh đạo trẻ, nữ dân tộc thiểu số…Thực hiện nghiêm túc việc lồng ghép giới trong xây dựng chính sách

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về cơ bản, Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội thống nhất với đánh giá ưu điểm, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân được nêu trong Báo cáo của Chính phủ và đề nghị nên đưa báo cáo bình đẳng giới vào Chương trình kỳ họp để Quốc hội thảo luận ít nhất 1 lần trong một nhiệm kỳ Quốc hội. Khẩn trương nghiên cứu sửa đổi các chỉ tiêu về BĐG trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới phù hợp với các nghị quyết của Đảng, các luật hiện hành, các cam kết quốc tế và mục tiêu phát triển bền vững, nghiên cứu ban hành các chỉ tiêu phấn đấu cho từng năm để đảm bảo đạt mục tiêu của Chiến lược khi kết thúc từng giai đoạn 5 năm. Về nguyên tắc, không hạ thấp các chỉ tiêu về bình đẳng giới.

Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc lồng ghép giới trong xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. "Bình đẳng giới là vấn đề “cắt ngang và xuyên suốt” nên cần được lồng ghép trong các văn bản, kế hoạch, hoạt động, nhất là trong điều kiện tiết kiệm chi ngân sách, giảm biên chế thì việc lồng ghép càng cần phải được quan tâm hơn. Bên cạnh lồng ghép giới trong thực hiện ngân sách, đối với ngân sách dành riêng cho công tác này, cần lựa chọn ưu tiên và tập trung ngân sách thực hiện một số chỉ tiêu trong các năm tiếp theo để đảm bảo kết thúc Chiến lược đạt một số kết quả.”- báo cáo thẩm tra nhấn mạnh.

Thảo luận tại phiên họp Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác bình đẳng giới, đặc biệt là vai trò của Bộ LĐ-TBXH, Hội phụ nữ, Ủy ban các vấn đề xã hội… Tuy nhiên, theo bà Nga, báo cáo cần phải gắn với những nội dung, những vấn đề mà cử tri xã hội quan tâm, bức xúc như: bạo lực và lạm dụng tình dục với phụ nữ và trẻ em gái, thực trạng phá thai của trẻ em gái vị thành niên, Đời sống của các nữ công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, đặc biệt là vấn đề thất nghiệp của nữ công nhân sau 35 tuổi...

Phát biểu thảo luận, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội cho biết, qua cảm nhận cá nhân cũng như tiếp xúc cử tri, bà đánh giá rất cao kết quả đạt được trong công tác bình đẳng giới. “Vấn đề bạo lực phụ nữ, quan tâm đến trẻ em gái, hỗ trợ phụ nữ về giáo dục, việc làm đã có chuyển biến tích cực và hiệu quả. Vấn đề bạo lực phụ nữ theo tôi khó đánh giá là tăng hay giảm, sở dĩ chúng ta thấy tăng là do sự phát triên của internet chúng ta biết thông tin nhiều hơn, nhờ vậy mà giám sát tốt hơn. Tôi đánh giá cao bộ chủ quản là Bộ LĐ-TBXH trong công tác này”- bà Hải nhấn mạnh.

Bà Hải cũng tỏ băn khoăn về thực trạng nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất sa thải hàng loạt lao động sau 35 tuổi. Năm 2016, 1,2 triệu lao động thất nghiệp sau 35 tuổi thì có đến 80% là phụ nữ. Theo bà Hải, sở dĩ có thực trạng này là do hành lang pháp lý trong luật lao động không quy định vấn đề này. Việc thanh tra, kiểm tra chưa hiệu quả, do trình độ năng lực còn hạn chế của người ký hợp đồng lao động. Bà Hải đề nghị Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH đề cập đến vấn đề này mạnh mẽ hơn nữa trong bản báo cáo. Bên cạnh đó, vấn đề về tăng độ tuổi nghỉ hưu cho một số đối tượng lao động nữ cũng cần bổ sung thêm số liệu và đánh giá để có sức thuyết phục hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì cho rằng, cần rà soát lại các chỉ tiêu, xác định xem mục tiêu, chỉ tiêu Chiến lược đã có chỉ tiêu nào lạc hậu chưa. Cách đặt thứ tự của các chỉ tiêu đã phù hợp chưa. “Chẳng hạn, theo tôi, quyền lao động, quyền thu nhập bình đẳng so với nam giới cần được đặt lên đầu tiên. Thứ 2 là quyền được bảo vệ an ninh về thân thể. Thứ 3 là quyền sở hữu tài sản.Thứ  4 là quyền học tập. Sau khi phụ nữ đã đạt được các quyền trên thì khi đó mới đề cập đến quyền thứ 5 là quyền tham chính”- ông Hiển phân tích.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tich Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí, ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ trong đó có cơ quan quản lý Nhà nước về bình đẳng giới là Bộ LĐ-TBXH trong việc đưa Luật Bình đẳng giới vào cuộc sống, có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong công tác bình đẳng giới cần sự quan tâm của các cấp ủy Đảng. Một số vấn đề không thảo luận như kinh phí dành cho công tác bình đẳng giới còn rất mỏng, phân bổ lại chậm, không tạo điều kiện được cho tổ chức bộ máy hoạt động có hiệu quả. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trên cơ sở ý kiến thảo luận, Chính phủ cần hoàn thiện báo cáo, phân tích kỹ các chỉ tiêu vì sao không đạt để đưa ra báo cáo trước Quốc hội.

http://genic.molisa.gov.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video