Kim Campbell - Người phụ nữ đặc biệt của Canada

16/04/2008
Bà Kim Campbell là người phụ nữ đầu tiên trở thành Thủ tướng Canada và là một trong những phụ nữ trẻ tuổi nhất thế giới đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng.

Bà là người phụ nữ thứ ba trong lịch sử thế giới tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G-7 và bà là người phụ nữ thứ ba lãnh đạo chính phủ một quốc gia Bắc Mỹ. Năm 2004, bà được sách Almanac of World History xếp vào danh sách 50 nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất mọi thời đại.


Bà Kim Campbell có tên thật là Avril Phaedra Douglas Campbell sinh ngày 10/3/1947 tại thành phố Port Alberni, bang British Colombia. Là người rất hâm mộ nữ diễn viên điện ảnh Mỹ Kim Novak, nên khi còn học trung học, bà Campbell đặt cho mình thêm tên gọi là Kim.


Năm 1959, gia đình bà chuyển đến sinh sống tại thành phố Vancouver. Trong thời gian học trung học tại Trường Prince of Wales, bà trở thành học sinh nữ đầu tiên được bầu làm chủ tịch hội học sinh của trường.


Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành khoa học - chính trị của Đại học British Colombia, bà tiếp tục học cao học tại Đại học Kinh tế London và đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài: Nền kinh tế Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Năm 1982, bà theo học ngành luật của Đại học British Colombia và đến năm 1985 bắt đầu hành nghề luật sư biện hộ tại thành phố Vancouver.


Năm 1972, bà Campbell lập gia đình với ông Nathan Divinsky, Giáo sư Đại học British Colombia. Đến năm 1983, bà được bổ nhiệm vào ban giám hiệu của đại học danh tiếng này. Cũng trong năm này, bà ly dị với ông Divinsky và đến năm 1986, tái hôn với ông Howard Eddy, một kinh tế gia.


Tháng 8/1993, khi đang làm Thủ tướng Canada, bà ly hôn với người chồng thứ hai.


Không chỉ thành công trong sự nghiệp học vấn và giáo dục, bà Campbell còn thành công rất sớm trong sự nghiệp chính trị. Năm 1983, ở tuổi 36, bà được bầu làm Chủ tịch đảng Tín dụng - Xã hội của bang British - Colombia. Ở cương vị này, bà được bầu làm đại biểu Quốc hội bang từ năm 1983 đến năm 1986.


Năm 1986, bà rời đảng Tín dụng - Xã hội để tham gia một đảng lớn hơn là đảng Bảo thủ Thăng tiến (PCP), sau đó được bầu làm đại biểu Quốc hội liên bang và khi PCP chiến thắng trong kỳ bầu cử Quốc hội vào tháng 11/1986, bà tham gia chính phủ và được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Các vấn đề Nam Á và Phát triển phía bắc (1989-1990), Bộ trưởng Tư pháp (1990-1993), là người phụ nữ Canada đầu tiên giữ chức vụ này, Bộ trưởng Quốc phòng (từ tháng 2/1993 đến tháng 6/1993).


Vào tháng 3/1993, khi Thủ tướng Briam Mulroney quyết định rời chính trường, đảng PCP tổ chức đại hội để bầu chủ tịch mới đồng thời là người sẽ tiếp nhận chiếc ghế thủ tướng của ông Mulroney. Tại kỳ đại hội này, bà Campbell đã vượt qua đối thủ Jean Charest và đến ngày 25/6/1993 được Toàn quyền Canada Ray Hnatysyn bổ nhiệm vào chức vụ Thủ tướng Canada.


Việc lần đầu tiên Canada có một nữ thủ tướng đã khiến dư luận trong và ngoài nước quan tâm đặc biệt. Trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, bà trở thành hình mẫu cho giới trẻ Canada noi theo và được tôn sùng như là một hiện tượng xã hội còn gọi là Campbellmania.


Bà Campbell là vị thủ tướng duy nhất ở Canada không dọn đến sinh sống tại Dinh Thủ tướng, số 24 phố Sussex của thủ dô Ottawa mà vẫn ở ngôi nhà riêng của mình tại khu Harrington Lake. Trong thời gian ngắn đảm nhiệm chức vụ thủ tướng, bà Campbell đã tiến hành cải tổ lại chính phủ với việc cắt giảm 23 bộ, ngành xuống còn 17, giảm số ủy ban đặc biệt của chính phủ từ 11 xuống còn 7.


Vào tháng 7/1993, bà tham gia Hội nghị Thượng đỉnh lãnh đạo các quốc gia thuộc nhóm G-7 tổ chức tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản với tư cách là người đứng đầu Chính phủ Canada và trở thành người phụ nữ thứ hai và là nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhất thế giới tham gia hội nghị quan trọng này.


Tuy nhiên, uy tín của bà Campbell vẫn không giúp cho đảng PCP giành thắng lợi trong kỳ bầu cử Quốc hội tổ chức vào tháng 11/1993. Thất bại của PCP một phần do gặp nhiều tai tiếng về việc gây quỹ vận động tranh cử, một phần do sự mất đoàn kết trong chính phủ của bà Campbell.


Ngày 4/11/1993, bà Campbell rời chức vụ Thủ tướng Canada và là vị thủ tướng trẻ tuổi nhất rời khỏi chức vụ này, đồng thời bà cũng từ chức Chủ tịch PCP. Sau một thời gian ngắn nghỉ ngơi, bà quay lại giảng đường đại học với việc được mời giảng dạy các môn Khoa học - Chính trị và Hành chính tại Đại học Harvard, Mỹ. Năm 1996, bà được bổ nhiệm làm Lãnh sự Canada tại thành phố Los Angeles, chức vụ mà bà đảm nhiệm đến năm 2000.

T
ừ năm 1999 đến năm 2003, bà còn kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Các nhà lãnh đạo nữ thế giới (WWL), một diễn đàn chính trị và xã hội tập hợp những phụ nữ từng làm lãnh đạo quốc gia. Năm 2003, bà thôi giữ chức Chủ tịch WWL để đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Diễn đàn phụ nữ thế giới (IWF), một tổ chức phụ nữ toàn cầu, chuyên nghiên cứu và giải quyết nhiều vấn đề của phụ nữ trên thế giới.


Bà còn là sáng lập viên của Câu lạc bộ Madrid, một tổ chức độc lập đấu tranh vì dân chủ trên thế giới. Hàng năm, CLB Madrid đều tổ chức đối thoại trực tiếp với nhiều lãnh đạo quốc gia về vấn đề dân chủ. Năm 2004, bà Campbell được bổ nhiệm làm Tổng thư ký của CLB Madrid và liền tổ chức cuộc đối thoại với Tổng thống Mỹ George W. Bush về cuộc chiến của Mỹ tại Iraq.

Ngày nay, khi đến tham quan tòa nhà Quốc hội Canada ở thủ đô Ottawa, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng chân dung của 22 vị thủ tướng của Canada được trưng bày tại hành lang Phòng Nghị sự. Chắc hẳn nhiều người sẽ dừng lại trước chân dung của một phụ nữ duy nhất, đó là chân dung của Kim Campbell, nữ Thủ tướng đặc biệt của Canada.

Hoàng Phú (theo National Geographic Society)
CAND

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video