Kim Lan Thái và tâm hồn Việt

20/06/2006
Đó là cách gọi ngược của người phương Tây họ trước tên sau. TS. Thái Kim Lan là Giáo sư triết học tại thành phố Munich, CHLB Đức, một phụ nữ xinh dẹp và tài năng viết văn rất hay và giảng dạy cũng rất hấp dấn, khiến nhiều trí thức Đức phái kính nể. Thái Kim Lan còn là Chủ tịch Hội giao lưu văn hóa Đức-Á của Munich.

Tôi nhớ cuối năm 2002, Thái Kim Lan tròn 60 tuổi mụ, một vị Hiệu trưởng trường đại học ở Munich đã mừng sinh nhật bà 10 ngàn đô la Mỹ và bà đã dùng số tiền này cùng tiền cá nhân mua vé máy bay cho 15 nghệ sỹ Nhà hát tuồng Đào Tấn (Bình Định) sang Đức biểu diễn trong suốt 3 tuần, chưa kể GS. Trần Văn Khê và tôi cũng được mời sang để giao lưu với giới trí thức Đức. Cũng xin nói thêm là, trước đó một năm TS. Thái Kim Lan đã bỏ ra số tiền 10 ngàn đô la tài trợ cho Nhà hát tuồng Đào Tấn dựng lại vở tuồng " Lộ Địch" do Ứng Bình Thúc Gia Thị phóng tác từ kịch bản "Le Cid de Corneil" sau thế kỷ 20.

 

Nhiều người không hiểu vì sao Thái Kim Lan là người gốc Huế lại ưu ái cho Bình Định như vậy? Nhưng khi tìm hiểu mới biết, Thái Kim Lan rất kính trong và tôn sùng danh nhân Đào Tấn. Đào Tấn quê nội ở Bình Định nhưng quê ngoại ở Huế, đã từng là Phủ Doãn Thừa Thiên và đã từng giữ nhiều chức quan to trong triều đình Huế. nhưng quan trọn hơn là tâm hồn và tư tưởng của Đào Tấn đã giành tất cả cho nước, cho dân và cả đạo Phật nữa, cái mà Thái Kim Lan tâm đắc nhất và đã theo đuổi suốt cuộc đời như một môn đệ trung thành của Đào Tấn. Từ bé Thái Kim Lan đã mê hát bội (tuồng) trong đó có tuồng của Đào Tấn và Thái Kim Lan vẫn theo đạo Phật, vẫn thờ Phật, vẫn tụng kinh niệm phật dù là đang sống trên nước Đức mà ở đó đạo Thiên chúa và đạo Tin lành là chính đạo phổ biến nhất.

 

Hôm vừa xuống sân bay Munich, Thái Kim Lan tự tay lái xe đưa chúng tôi về nhà riêng của mình. Thật là bất ngờ, giữa cái không gian hoàn toàn Đức, là Tây Âu lại có một ngôi nhà kiến trúc theo kiểu làng quê Việt Nam. Nhà một tầng, trong nội thất được trang trí hầu hết vật dụng là Việt Nam. Tất cả đều bằng tre, đến cái cửa ra vườn cũng bằng tre và hàng rào cũng bằng tre, tạo nên cảm giác làng quê Việt Nam rất rõ nét. Tôi chú ý tới bàn thờ Phật được trang hoàng giống hệt như ở nhà chùa, có chuông, có mõ, có kinh, có nhang đèn và tượng quan âm bồ tát. Nơi đây mỗi buổi tối, chủ nhà Thái Kim Lan ngồi nhiều giờ tụng kinh niệm phật. Những giờ phút sống trong ngôi nhà của Thái Kim Lan, tôi có cảm giác như mình đang ở giữa một làng quê Việt Nam nào đó rất yên tĩnh, rất quen thuộc và ấm áp, làm mất đi cảm giác xa xôi và lạ lẫm ở một đất nước tư bản phương Tây. TS Thái Kim Lan thường mặc áo dài màu lục, đeo kiềng vàng giống hệt như một phụ nữa Huế xưa. Cái chất Âu Châu chỉ thấy được ở Thái Kim Lan khi bà đứng trên bục giảng với sinh viên Đức hoặc lúc giao lưu với người Đức. Lúc đó Thái Kim Lan nói tiếng Đức như nói tiếng mẹ đẻ với những điệu bộ rất là Đức, nhất là khi bà thuyết trình về nền văn hóa Việt Nam, về tuồng Việt Nam thì thao thao bất tuyệt, khiến cho người nghe phải chú ý và nể phục. Tôi đã có đôi lần nghe bà thuyết trình vê triết học Kant và Gotte, có liên hệ với triết học phương Đông, mới thấy hết những kiến thức uyên thâm của vị nữ giáo sư tiến sỹ Đức gốc Huế này.

 

Sự dịu dàng ứng xử nhỏ nhẹ trong giọng nói phong cách Huế đã là yếu tố cơ bản tạo nên sự gần gũi với mọi đối tượng ngoài đời, đồng thời cũng tạo nên sức hút của một nữ trí thức mang tâm hồn Việt Nam. Chất Việt Nam trong TS Thái Kim Lan còn thể hiện trong văn chương đầy chất thơ và chất triết luận. Có lẽ chất thơ từ chất Huế và chất triết lý từ trong triết học phương Đông mà TS Thái Kim Lan đang nghiên cứu và giảng dạy, hai yếu tố đó kết hợp lại thành hạt nhân mềm và rắn, không khô nhưng cũng chẳng ủy mỵ chút nào, làm cho người đọc bị lôi cuốn và người nghe bị thôi miên khi tiếp cận các tác phẩm của bà. Với lòng đam mê văn hóa dân tộc đồng thời tìm cách phát huy nó một các hiệu quả nhất, bà đã bảo lãnh toàn bộ chuyến đi sang Đức của các nghệ sỳ Nhà hát tuồng Đào Tấn, mà bà gọi là "liều mình ngồi trên lưng hổ”, bởi cả đời bà chỉ ngồi trong phòng nghiên cứu và đứng trên bục giảng, có bao giờ làm người tổ chức biểu diễn đâu, nhất là tổ chức biểu diễn ở một nước mà từ người dân thường đến giới trí thức chưa có khái niệm về Tuồng Việt Nam. Nhưng rồi với tấm lòng chân thành, với tài thu phục nhân tâm và sự cố gắng vượt bậc, Thái Kim Lan đã không bị "hổ vồ", mà còn thành cônglớn.

 

Những việc làm ấy, với tấm lòng cao thượng ấy quá xứng đáng khi bà được trao tặng giải thưởng Đào Tấn vào cuối năm 2005. Về phần mình, bà vẫn một mực khiêm tốn là chưa đóng góp được gì nhiều cho Tổ quốc, cho quê hương.

 

Riêng tôi, cứ mong sao trên đất nước này và trên thế giới này có nhiều mẫu người, nhiều tấm lòng như Thái Kim Lan, để góp phần bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc, truyền bá cái hay cái đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam tới muôn người, để cái vốn quý của cha ông không bị mai một và lãng quên trong xu thế toàn cầu hóa hôm nay.

 

Tạp chí Hữu Nghị

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video