Kim Sơn: Mái ấm sau “cơn lốc vàng”

20/07/2011
Đã qua rồi thời người dân Kim Sơn, Ninh Bình đua nhau lên rừng đi tìm vàng, thế nhưng hệ lụy của cơn lốc vàng vẫn còn đeo bám và làm tan vỡ bao mái ấm.

Cái nghèo đeo đẳng

 

Khi chúng tôi tới, gia đình chị Lê Thị Định (xã Hùng Tiến) đang ăn trưa. Mâm cơm chỉ có đĩa rau luộc, bát nước mắm và mấy con cá khô nhưng 3 mẹ con vẫn ăn ngon lành. Chị bảo: “Có hôm chỉ có muối trắng chan canh thôi”.

 

Chị Định cho biết, trước đây gia đình cũng có bát ăn bát để, nhưng từ khichồng đi đào vàng nghiện ma túy trở về thì tài sản trong nhà cứ dần dần đội nón ra đi. Khi chồng mất cũng là lúc gia đình lâm vào hoàn cảnh bi đát nhất. Một nách hai con nhỏ đang tuổi ăn học trong khi tì sản chẳng còn gì đáng giá ngoài căn nhà cấp 4 xập xệ mỗi khi mưa lại lo đi hứng nước, còn nghe báo bão lại cuống cuồng đi di tản. Phía góc nhà, 2 đứa trẻ, đứa lớn chừng 8 tuổi, đứa bé khoảng 6 tuổi, đen nhẻm, nhếch nhác đang dùng chiếc thìa cong queo cạy miếng cháy còn sót lại trong nồi. “Khổ lắm nhiều lúc muốn chết đi cho yên thân, nhưng nghĩ thương con lại phải sống”, chị Định tâm sự.

 

Không chỉ đói nghèo, nghiện ngập, nhữngngày phóng túng nơi rừng sâu đã khiến bao phu vàng phải trả giá bằng căn bệnh thế kỷ. Từ trường hợp đầu tiên, người ta đã xác định thêm nhiều trường hợp khác nhiễm “H”.

 

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Hòa, cho biết, nhiều gia đình có 2-3 người mất bị HIV như trường hợp gia đình ông Huyên chỉ trong 2 năm, lần lượt 3 người con trai và một người con rể đã chết vì HIV. Hoặc câu chuyện thương tâm của gia đình ông Tứ (xóm 12), chết lần lượt 3 người con (1 trai, 1 gái, 1 con rể) chỉ trong 53 ngày. Những người trở về từ bãi đào vàng còn là nguồn lây bệnh cho chính người thân trong gia đình như trường hợp gia đình chị Tươi. Đi tìm vàng trở về, chồng chị mang theo căn bệnh quái ác trong cơ thể mà không biết, thế rồi truyền bệnh sang cả vợ và đứa con nhỏ còn trong bụng mẹ. Những trường hợp bị mất chồng, mất vợ vì HIV ở Kim Sơn không phải là ít. Họ mất đi để lại những người vợ góa chồng, những đứa trẻ mồ côi khiến cuộc sông vốn đã khó lại càng khó khăn hơn.

 

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kim Sơn, cơn lốc đi tìm vàng ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lây nhiễm HIV ở Kim Sơn. Tuy đã có nhiều trường hợp chết vì AIDS nhưng việc đi đào vàng vẫn chưa chấm dứt. Để hạn chế sự lây lan của căn bệnh thế kỷ, Phòng LĐTBXH phối hợp các cơ quan chức năng trong huyện tổ chức tuyên truyền, vận động người dân biết phòng chống và giúp người có “H” hòa nhập cộng đồng.

 

Cầu nối yêu thương

 

Chị Vũ Thị Xuân, chủ nhiệm CLB “Khát vọng tình thương” do Hội LHPN xã Ân Hòa thành lập, cho biết: CLB ra đời tháng 1/2008 với 41 hội viên, tất cả đều là những người nhiễm “H”. Tham gia CLB hội viên được chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe, phương pháp làm ăn và động viên nhau vươn lên trong cuộc sống. Hàng tháng, CLB sinh hoạt theo từng nội dung, chủ đề dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Nói chuyện chuyên đề, hái hoa dân chủ, biểu diễn văn nghệ. Cán bộ Hội LHPN huyện còn đến dự và trao đổi kiến thức với các thành viên trong CLB về HIV, tuyên truyền chocác hội viên chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác phòng, chống HIV, hướng dẫn cách điều trị và chăm sóc người có HIV tại nhà, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người có “H”. Không những thế hội viên còn đóng góp tiền xây dựng quỹ Hội, đến nay đã được hơn chục triệu đồng. Số tiền này dùng để cho những hội viên có nhưu cầu vay vốn phát triển sản xuất, cũng nhờ những đồng vốn ở đó, đã có 5 hội viên thoát nghèo.

 

Để có được kết quả như ngày hôm nay, CLB đã phải trải qua biết bao khó khăn, vất vả. Chị Xuân kể lại: “Khi thấy trong địa bàn xã có nhiều người nhiễm “H”, tôi đề nghị Hội LHPN xã, UBND xã hỗ trợ thành lập CLB để chia sẻ khó khănvới họ. Được cấp trên đồng ý, nhưng khó nhất là thu hút được hội viên tham gia. Mình tìm đến nhà thì họ tìm cách lẩn tránh, từ chối tiếp xúc. Tôi tìm những người thân trong gia đình họ để vận động, tuyên truyền. Biết tôi cũng bị bệnh nhưng không dấu bệnh, lại nhiệt tình nên họ dần thay đổi suy nghĩ. Ít lâu sau, họ tình nguyện đăng kí tham gia. Đến nay, tất cả những người có “H” trên địa bàn xã Ân Hòa đều sinh hoạt CLB. CLB “Khát vọng tình thương” của xã Ân Hòa là nơi đầu tiên dám công khai người có “H” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”.

 

Theo chị Phạm Thị Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Kim Sơn, để giúp người dân hiểu, chia sẻ và ngăn chặn HIV, trong những năm qua, Hội đã phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng, Phòng LĐTBXH và các cơ quan khác triển khai nhiều hoạt động như thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi, can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, an toàn trong truyền máu. Hội LHPN huyện Kim Sơn đã thành lập được 3 CLB để chia sẻ với những người có “H”. Trong thời gian tới Hội sẽ tiếp tục thành lập thêm một CLB ở xã Hùng Tiến và các xã lân cận.

 

Dù có nhiều thách thức nhưng với quyết tâm và nỗ lực không ngừng, những nhịp cầu tương thân tương ái đã trở thành chỗ dựa về vật chất, tinh thần và là bến đỗ bình yên cho biết bao hoàn cảnh khó khăn.

Theo báo Phụ nữ Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video