Kinh nghiệm bảo vệ phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại

19/10/2020
Tại đại hội thi đua yêu nước Hội LHPN Việt Nam lần thứ IV, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi Hội Luật Sư, Hội Bảo Vệ Quyền Trẻ Em Thành phố Hồ Chí Minh đã có tham luận "Kinh nghiệm bảo vệ phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại". Cổng thông tin Hội LHPN Việt Nam xin đăng toàn văn tham luận.

Tôi là Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ  - Chi hội trưởng Chi Hội Luật Sư - Hội Bảo Vệ Quyền Trẻ Em Thành phố Hồ Chí Minh - Thuộc Đoàn Đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh, được sự cho phép của Đại Hội, tôi xin chia sẻ về kinh nghiệm bảo vệ phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, xâm hại.

Hiện nay chúng ta đã có nhiều công cụ để bảo vệ phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, xâm hại như hệ thống các quy định của pháp luật và nhiều chương trình hoạt động đã được thực hiện từ cấp độ địa phương tới cấp độ Nhà nước, được tổ chức thực hiện ở nhiều cơ quan, ban, ngành đoàn thể. Thế nhưng thời gian qua, tình trạng phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, xâm hại vẫn xảy ra, gia tăng về mức độ, số lượng vụ việc, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Năm 2014, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh quyết định thành lập Chi hội luật sư để công tác bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn và bản thân tôi được bầu làm Chi hội trưởng. Từ đó, tôi cùng với 10 cộng sự là những luật sư, thẩm phán đã nghỉ hưu tình nguyện tham gia vào công tác bảo vệ trẻ em hoàn toàn miễn phí tại các phiên tòa.

Xuất phát từ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, TRẺ EM LÀ ĐỐI TƯỢNG ĐẶC BIỆT CẦN ĐƯỢC BẢO VỆ. Với quan điểm hỗ trợ pháp lý cho trẻ em không chỉ giúp trẻ em trong giải quyết các vụ việc cụ thể mà còn giúp trẻ em nâng cao hiểu biết pháp luật qua đó góp phần trang bị cho trẻ em những kiến thức cần thiết để phòng ngừa trước những sự đe dọa của các tệ nạn xã hội, các hành vi xâm hại đến tính mạng, danh sự, sức khỏe của mình,...nên việc bảo đảm quyền được cho trẻ em là vấn đề được quan tâm thực hiện. Với sự quan tâm chỉ đạo của Hội Bảo Vệ Quyền Trẻ Em Việt Nam, Cục Trẻ Em, và đặc biệt là sự phối hợp Hội Bảo Vệ Quyền Trẻ Em Tp.Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Phụ nữ Tp.Hồ Chí Minh, đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi và các luật sư trong Chi hội Luật sư trong việc thực hiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác tuyên truyền Pháp luật, hỗ trợ và giúp đỡ trẻ em bị xâm hại thể hiện qua các cấp độ như sau:

1. Cấp độ phòng ngừa

Cấp độ phòng ngừa là cấp độ rất quan trọng, theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016, cấp độ phòng ngừa gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với cộng đồng, gia đình và mọi trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại hoặc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

- Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ phòng ngừa bao gồm:

+ Tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng, gia đình, trẻ em về mối nguy hiểm và hậu quả của các yếu tố, hành vi gây tổn hại, xâm hại trẻ em; về trách nhiệm phát hiện, thông báo trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi;

+ Cung cấp thông tin, trang bị kiến thức cho cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người làm việc trong cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em về trách nhiệm bảo vệ trẻ em, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện các yếu tố, hành vi gây tổn hại, xâm hại trẻ em;

+ Trang bị kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ để bảo đảm trẻ em được an toàn;

+ Giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em; Xây dựng môi trường sống an toàn và phù hợp với trẻ em.

Để đảm bảo các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ phòng ngừa được thực thi hiệu quả, gắn với thực tiễn, từ năm 2017 - 2020, cá nhân tôi đã thực hiện nhiều chương trình tuyên truyền Pháp luật, tư vấn pháp luật hàng ngày cùng với Hội phụ nữ Tp.Hồ Chí Minh. Tuyên truyền pháp luật tại các trường học về Giáo dục, kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em; Trang bị kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ để bảo đảm trẻ em được an toàn cho các gia đình, cộng đồng, tại các khu nhà trọ, khu dân cư.

Ngoài ra, để giúp các em học sinh hiểu quy định của pháp luật, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật, tôi đã thực hiện gần 70 phiên Tòa giả định tại các trường THCS, PTTH...trên địa bàn các tỉnh. Năm 2019, hưởng ứng năm "An toàn cho phụ nữ và trẻ em" 2019 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, tôi cùng Chi Hội luật sư Hội bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh đã tham gia với vai trò tư vấn pháp luật tại Hội nghị Tư vấn pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường và trình diễn 02 Phiên tòa giả định tại trường Trung học phổ thông Ten Lơ man (Ernst Thalmann) - Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Trung học phổ thông Lê Hữu Trác, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, cho tổng cộng 2.200 học sinh, giáo viên nhà trường.

Phiên tòa giả định là mô hình rất tốt trong tuyên truyền pháp luật cho học sinh nói chung và người dân nói riêng.

2. Cấp độ hỗ trợ

Theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016, Cấp độ hỗ trợ bao gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi hoặc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm kịp thời phát hiện, giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em.

- Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ hỗ trợ bao gồm:

+ Cảnh báo về nguy cơ trẻ em bị xâm hại; tư vấn kiến thức, kỹ năng, biện pháp can thiệp nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ xâm hại trẻ em cho cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người làm việc trong cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và trẻ em nhằm tạo lập lại môi trường sống an toàn cho trẻ em có nguy cơ bị xâm hại;

+ Tiếp nhận thông tin, đánh giá mức độ nguy hại, áp dụng các biện pháp cần thiết để hỗ trợ trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi;

+ Tôi đã trực tiếp hỗ trợ làm báo cáo viên các lớp bồi dưỡng kiến thức tiền hôn nhân;

+ Trực tư vấn pháp lý miễn phí thứ 2 hàng tuần tại trụ sở cơ quan Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Thành phố, tại Hội bảo vệ quyền trẻ em thành phố; Trực tiếp hướng dẫn người dân các thủ tục liên quan đến pháp lý; Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật này;

+ Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và gia đình của trẻ em được tiếp cận chính sách trợ giúp xã hội và các nguồn trợ giúp khác nhằm cải thiện điều kiện sống cho trẻ em.

Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, tôi đã chỉ đạo Chi hội Luật sư trực tiếp công dân tại Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh nhằm kịp thời tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho các nạn nhân bị bạo lực, xâm hại; kịp thời đưa ra các biện pháp giúp đỡ (từ các giai đoạn tư vấn, điều tra đến khi kết thúc phiên tòa). Đối với hoạt động này,  thời gian qua, được sự hỗ trợ của Hội liên hiệp Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh, Hội bảo vệ quyền trẻ em thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã đưa các cháu có hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo hành đến nơi tạm lánh an toàn như: Ngôi Nhà Hạnh Phúc, Trung tâm công tác xã hội (Trung tâm giáo dục dạy nghề thanh thiếu niên thành phố). 25 trường hợp trẻ em bị lạm dụng tình dục, xâm hại tình dục, bị bạo hành xảy ra trên địa bàn các tỉnh: Long An, Bình Thuận, Cà Mau, Bình Dương, Đồng Nai, Ninh Thuận... đã được hỗ trợ kịp thời.

3. Cấp độ can thiệp

Cấp độ can thiệp bao gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ em và gia đình trẻ em bị xâm hại nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại; hỗ trợ chăm sóc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

- Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ can thiệp bao gồm:

+ Chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất và tinh thần cho trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần can thiệp;

+ Bố trí nơi tạm trú an toàn, cách ly trẻ em khỏi môi trường, đối tượng đe dọa hoặc đang có hành vi bạo lực, bóc lột trẻ em;

+ Bố trí chăm sóc thay thế tạm thời hoặc lâu dài cho trẻ em không thể sống cùng cha, mẹ vì sự an toàn của trẻ em; cha, mẹ không có khả năng bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em hoặc chính là người xâm hại trẻ em.

+ Đoàn tụ gia đình, hòa nhập trường học, cộng đồng cho trẻ em bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi;

+ Tư vấn, cung cấp kiến thức cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên gia đình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt về trách nhiệm và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục hòa nhập cho trẻ em thuộc nhóm đối tượng này;

+ Tư vấn, cung cấp kiến thức pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;

+ Theo dõi, đánh giá sự an toàn của trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại.

Ở cấp độ can thiệp, tôi đã phối hợp Hội phụ nữ các cấp hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng (Trẻ tiếp tục đi học, các chị PN tiếp tục đi làm mưu sinh...)

Đối với phụ nữ bị bạo hành: Trong một số trường hợp, tôi được Hội LHPN TP. Thành phố Hồ Chí Minh và Hội BVQTE Thành phố Hồ Chí Minh phân công trực tiếp tham gia làm luật sư bảo vệ cho nạn nhân, trực tiếp tham gia giải quyết vụ việc từ quá trình tiếp nhận, hướng dẫn, tư vấn cho nạn nhân, gia đình nạn nhân và tham gia quá trình tố tụng. Từ năm 2017 đến nay, tôi đã trực tiếp can thiệp hơn 50 trường hợp, trong đó có khoảng 40 trường hợp đã hoàn thành (đã có bản án của tòa án) và hơn 10 trường hợp đang thụ lý, giải quyết.

Một số vụ án điển hình như:

1. Trường hợp bà Cao Thị Minh C; sinh năm: 1979 đã bị chồng bạo hành nhiều năm, nhiều lần ở quận Tân Bình nhưng nỗi đau đớn nhất là phải chứng kiến việc chồng bà bắt hai đứa con phải chứng kiến cảnh chồng bà đánh bà. Sau đó bà C đến nhà tạm lánh ở Cần Thơ 15 ngày, đã có giấy chứng nhận tạm lánh và sau đó đã đã về thành phố đến Hội phụ nữ thành phố nhờ can thiệp, giúp đỡ và Hội Phụ nữ Tp.HCM kết hợp với Chi hội Luật sư đã cử tôi tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà và hai đứa trẻ tại Tòa án nhân dân quận Tân Bình và kết quả là bà C được nuôi 02 đứa trẻ đã được giải thoát cảnh bạo hành gia đình.

2. Trường hợp cháu Thái Gia Như Y bị hiếp dâm dẫn đến mang thai do một đối tượng tên là Hồ Trí Nguyên hiếp dâm tại phòng 301, khách sạn “Sài Gòn Mới” tại địa chỉ 101 Nguyễn Súy, phường Tân Quý, quận Tân Phú, Tp.HCM. Trong khi đó, cơ quan CSĐT chỉ khởi tố đối tượng Bùi Thành Hoà và bỏ lọt Hồ Trí Nguyên. Sau tôi vào cuộc tham gia bảo vệ cho cháu Y. Theo kiến nghị của Luật sư, Vụ án đã được Tòa án nhân dân Tp.HCM trả hồ sơ điều tra bổ sung khởi tố thêm đối tượng Hồ Trí Nguyên. Kết quả Hồ Trí Nguyên bị kết án 14 năm tù và Bùi Thành Hoà 11 năm tù về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.

3. Vụ án Lê Văn Chưa “cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”. Bị hại là cháu Nguyễn Trúc L gọi bị cáo là cậu ruột, lợi dụng việc cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ từ lúc 9 tuổi, bị cáo nhận về nuôi dưỡng và ngay ngày đầu tiên đối tượng đã cưỡng hiếp và sau đó ép cháu làm nô lệ tình dục từ năm 9 tuổi cho đến 14 tuổi lúc mang thai. Khi tôi tiếp nhận thông tin từ bệnh viện Từ Dũ, nhận thấy có dấu hiệu tội phạm, tôi đã đề nghị bệnh viện liên hệ với Công an phường Phạm Ngũ Lão vào cuộc ngay, kịp thời bắt đối tượng để khởi tố. Sau đó tôi tham gia trong tất cả các giai đoạn tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cháu bé (từ giai đoạn điều tra cho đến khi xét xử tháng 5/2020). Bị cáo bị Tòa án tuyên xử phạt 12 năm tù về tội “hiếp dâm người dưới 16 tuổi”,  cháu L đã được giải cứu lên Nhịp Cầu Hạnh Phúc.

4. Trường hợp cháu Tr bị Lưu Bảo Phú là nạn nhân câm điếc làm nghề xe ôm bị xâm hại. Luật sư của Chi hội đã hỗ trợ bảo vệ nạn nhân, Tòa tuyên phạt đối tượng 13 năm tù giam về tội hiếp dâm. Ngoài ra Chi hội Luật sư cùng phối hợp Hội phụ nữ hỗ trợ, giúp đỡ cháu trở lại cuộc sống bình thường; hỗ trợ kết nối các mạnh thường quân trao tặng học phí cho cháu, kết nối với bác sĩ thăm khám, tặng máy trợ thính cho cháu.

5. Trường hợp cháu bé 14 tuổi bị xâm hại tình dục tại TP Hồ Chí Minh vào năm 2019, dù cháu có giấy khai sinh hợp lệ nhưng Cơ quan điều tra đã đưa bé đi giám định lại tuổi và cho kết quả là 17 tuổi 7 tháng. Gia đình đã tìm đến Hội phụ nữ và Chi hội Luật sư trong những ngày cận kề tết cổ truyền. Hội phụ nữ thành phố, Hội LHPN huyện Bình Chánh và tôi đã gửi các văn bản kiến nghị cho Viện kiểm sát TP Hồ Chí Minh, Công an TP Hồ Chí Minh, trung tâm giám định pháp y... Sau đó, Cơ quan điều tra đã tiến hành giám định lại theo kiến nghị. Kết quả: cháu bé 14 tuổi như giấy khai sinh người nhà đã cung cấp, sau đó Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ, khởi bị can và truy tố ra trước Toà.

Với kinh nghiệm của bản thân tôi, để bảo vệ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại cần có những giải pháp sau:

- Hệ thống pháp luật là điều kiện tiên quyết, bên cạnh đó là sự chung tay của các cơ quan hành pháp, tư pháp, của hệ thống hỗ trợ - bảo vệ phụ nữ, trẻ em cũng như những người làm việc trong đó.

+ Trong công tác điều tra, xét xử: Phải xây dựng và thực hiện mô hình điều tra thân thiện, khởi tố thân thiện đối với trẻ em. Có những điều tra viên, kiểm sát viên, thư ký, thẩm phán có năng lực, kỹ năng, kinh nghiệm, hiểu biết chuyên sâu về điều tra, tuy tố, xét xử các vụ xâm hại trẻ em; tiếp tục thành lập Tòa Gia đình và người chưa thành niên ở nhiều địa phương.

+ Rà soát lại những quy định của pháp luật, có sửa đổi, bổ sung các quy định sao cho hiệu quả, phù hợp nhất trong việc bảo vệ trẻ em như: tạm thời cách ly trẻ em ra khỏi cha, mẹ khi trẻ em bị xâm hại; Giám định pháp y trong giám định tư pháp để việc thu thập chứng cứ nhanh chóng kịp thời trong các vụ án xâm hại tình dục trẻ em; nên mở rộng quyền được yêu cầu giám định thêm cho các tổ chức bảo vệ trẻ em, người giám hộ trẻ em.

- Cần dành sự quan tâm áp dụng và thường xuyên rà soát, xem xét tình hình áp dụng các biện pháp cách ly nạn nhân để đảm bảo an toàn (ví dụ: Ngôi nhà hạnh phúc, Ngôi nhà bình yên, Trung tâm một cửa hỗ trợ bảo vệ nạn nhân...) để tận dụng và phát huy đúng mục đích ban đầu của các biện pháp này.

- Cần đầu tư nguồn lực về con người, tài chính, tăng cường vai trò của các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng tham gia các hoạt động bảo vệ phụ nữ, trẻ em tránh bị xâm hại, đặc biệt là việc xã hội hóa các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, xâm hại.

-  Cần xây dựng các chương trình giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em một cách cụ thể, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn để tuyên truyền, phổ biến một cách thống nhất trong cộng đồng.

- Thành lập Trung tâm “Một cửa” để cung cấp dịch vụ bảo vệ phụ nữ và trẻ em bị xâm hại trên cơ sở phối hợp liên ngành (mô hình cung cấp dịch vụ cấp cứu, giám định y khoa thuận lợi, kịp thời; được hỗ trợ cách ly với đối tượng phạm tội, được hỗ trợ tư vấn tâm, sinh lý; được công an lấy lời khai thân thiện, kịp thời để làm bằng chứng 1 lần, tránh bị tổn hại tâm lý do phải kể đi kể lại nhiều lần sự việc…).

Trên đây là một số vụ việc và những kinh nghiệm thực tế về công tác Bảo vệ phụ nữ và trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại mà tôi đã thực hiện. Xin cảm ơn quý đại biểu đã chú ý lắng nghe. Cuối cùng, xin kính chúc sức khỏe các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu.

Kính chúc hội nghị thành công tốt đẹp.

Trân trọng cảm ơn.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video