Kinh nghiệm phòng chống bạo lực gia đình và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực của Nam Ố-xtơ-rây-li-a

09/06/2014
Chính sách và khung pháp lý

Tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ ở Ố-xtơ-rây-li-a còn tương đối cao. Khảo sát của Văn phòng thống kê Ố-xtơ-rây-li-a năm 2006 cho thấy cứ 3 phụ nữ Ố-xtơ-rây-li-a thì có 1 người bị bạo lực về thể xác từ khi 15 tuổi, và cứ 5 phụ nữ thì có 1 người bị bạo lực về tình dục. Trong năm 2005, hơn 350.000 phụ nữ bị bạo lực thể xác và hơn 125.000 phụ nữ bị bạo lực về tình dục (Văn phòng Thống kê Australia (Australian Bureau of Statistics)). Ước tính bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Ố-xtơ-rây-li-a 13,6 triệu đô la Ố-xtơ-rây-li-a trong năm 2008-2009 và nếu không có các hành động nhằm giải quyết vấn đề này thì đến năm 2021-2022, Ố-xtơ-rây-li-a sẽ phải tiêu tốn khoảng 15,6 triệu đô la Ố-xtơ-rây-li-a (Theo Công ty Kiểm toán quốc tế KPMG, 2009).

Trước tình hình đó, Chính phủ Ố-xtơ-rây-li-a và các chính quyền bang đã rất nỗ lực trong ban hành chính sách và triển khai các chương trình, hoạt động phòng chống bạo lực gia đình và hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình với sự vào cuộc của nhiều cơ quan, tổ chức của chính phủ và phi chính phủ. Bài viết này sẽ tập trung giới thiệu các hoạt động nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình tại miền Nam Ố-xtơ-rây-li-a.

Chính phủ Ố-xtơ-rây-li-a đã ban hành Chương trình quốc gia về giảm tình trạng bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em nhằm huy động sự tham gia, nỗ lực của chính phủ, các chính quyền bang, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng; xác định cơ chế phối hợp giữa cảnh sát, tòa án, hệ thống pháp luật, các dịch vụ cộng đồng về y tế và giáo dục… trong việc góp phần giảm bạo lực gia đình và tấn công về tình dục. Đó cũng là cơ sở và định hướng cho chính quyền các bang trong đó có Nam Ố-xtơ-rây-li-a trong các hoạt động phòng chống bạo lực đối với phụ nữ.

Trên cơ sở đó, năm 2011, chính quyền Nam Ố-xtơ-rây-li-a đã xây dựng và ban hành Chiến lược vì sự An toàn của Phụ nữ giai đoạn 2011 – 2022 và lấy tên là “Quyền được An toàn” (A Right to Safety) với mục tiêu đến năm 2022, bạo lực đối với phụ nữ giảm đáng kể và bền vững. Đây là giai đoạn tiếp theo của Chiến lược vì sự An toàn của Phụ nữ đã được xây dựng và thực hiện từ năm 2005. Đặc biệt, Chiến lược thể hiện cam kết không có các hành vi gây bạo lực, bao che hay im lặng trước các hành động gây bạo lực của ông Jay Weatherill - người đứng đầu Nam Ố-xtơ-rây-li-a với tư cách là Đại sứ của phong trào Ruy-băng trắng (White Ribbon) về phòng chống bạo lực đối với phụ nữ.

Bạo lực đối với phụ nữ là hậu quả của bất bình đẳng còn tồn tại giữa nam và nữ, và đó cũng chính là rào cản đối với việc đạt được sự bình đẳng. Vì vậy, công cụ sẵn có để tác động tới sự bình đẳng chính là giải quyết bạo lực đối với phụ nữ. Một trong những mục tiêu của Chiến lược “Quyền được An toàn” là tiếp tục các hoạt động nhằm giảm tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, đặc biệt tập trung các nỗ lực phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ; hỗ trợ để nam giới và nam thanh niên phát huy vai trò hơn nữa trong phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ. Bởi phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ đòi hỏi sự thay đổi về văn hóa, xã hội và các chuẩn mực xã hội và cần có sự tham gia của tất cả mọi người, do vậy, thu hút và làm việc với nam giới là một phần rất quan trọng trong công việc này. “Quyền được An toàn” tập trung vào các định hướng chính sau:

1. Phòng ngừa (Prevention)

2. Cung cấp dịch vụ (Service provision)

3. Bảo vệ (Protection)

4. Thực thi (Performance)

Trên cơ sở Chiến lược của Nam Ố-xtơ-rây-li-a, các cơ quan như Văn phòng phụ nữ (Office for Women), cảnh sát Nam Ố-xtơ-rây-li-a đã xây dựng các chương trình, hoạt động phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và hỗ trợ nạn nhân.

Cụ thể, Khung An toàn cho Gia đình (Family Safety Framework) được Văn phòng phụ nữ phối hợp với các cơ quan quan trọng của chính quyền bang xây dựng. Thực tế cho thấy thiếu chia sẻ thông tin giữa các cơ quan là một yếu tố quan trọng làm giảm hiệu quả ngăn chặn các vụ giết người hoặc tự tử trong gia đình do bạo lực, Khung an toàn được xây dựng với mục đích cải thiện tình trạng này, hướng dẫn từng địa bàn, tổ chức về các chiến lược tăng cường sự an toàn của phụ nữ, trẻ em, thanh thiếu niên thông qua cung cấp các dịch vụ tích hợp cho các gia đình có bạo lực gia đình, những người có nguy cơ cao. Các yếu tố quan trọng của Khung An toàn là:

- Đánh giá rủi ro (Common Risk Assesment)

- Quy trình chia sẻ thông tin (Protocol for Information Sharing)

- Hội nghị định kỳ về An toàn gia đình (The Family Safety Meeting)

- Giám sát và đánh giá thường xuyên (Monitoring and Evaluation)

Bên cạnh đó, Cẩm nang về Khung an toàn gia đình cũng đã được Văn phòng phụ nữ xây dựng nhằm cung cấp cho cán bộ của các cơ quan tham gia các thông tin đầy đủ về vai trò và trách nhiệm của họ đối với mỗi hợp phần chính của Khung an toàn.

Cảnh sát và bạo lực gia đình

Tại Nam Ố-xtơ-rây-li-a, cảnh sát đóng vai trò rất quan trọng và tích cực, chủ động và phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức trong việc xử lý và phòng chống bạo lực gia đình, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực. Theo luật định, cùng với Tòa án, Cảnh sát được phép ban hành Lệnh can thiệp (Intervention Orders) khi có thông tin về hành vi bạo lực hoặc nguy cơ xảy ra bạo lực nhằm đảm bảo an toàn cho người bị bạo lực hoặc có thể bị bạo lực. Hành vi không chấp hành Lệnh Can thiệp bị coi là tội phạm hình sự.

Đặc biệt cảnh sát ở Nam Ố-xtơ-rây-li-a đã xây dựng Chiến lược phòng chống bạo lực gia đình của ngành cảnh sát (Police Domestic Violence Strategy – PDVS) nhằm giải quyết hiệu quả bạo lực gia đình thông qua việc xây dựng quan hệ phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan và với cộng đồng. Chiến lược Ố-xtơ-rây-li-a tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gồm: Can thiệp và phòng ngừa sớm; Phân tích thông tin tình báo (Intelligence Analysis); Điều tra và can thiệp (Investigation and Response); Xây dựng lực lượng và nghiên cứu, đánh giá. Chiến lược nhấn mạnh tầm quan trọng củacan thiệp để đảm bảo sự an toàn của nạn nhân và những phản ứng hiệu quả nhằm ngăn chặn những nguy cơ về sau. Cách tiếp cận chiến lược tổng thể trong hoạt động của cảnh sát là tạo sự cân bằnggiữa giáo dục,chế tài hỗ trợ nạn nhân. Đồng thời, cảnh sát Nam Ố-xtơ-rây-li-a đã thành lập và đào tạo, bồi dưỡng lực lượng chuyên trách về phòng chống bạo lực gia đình.

Hỗ trợ nạn nhân

Một trong những tổ chức cung cấp các dịch vụ cho nạn nhân bị bạo lực ở Nam Ố-xtơ-rây-li-a là tổ chức Dịch vụ Hỗ trợ Nạn nhân (Victim Support Service - VSS). Là một tổ chức phi chính phủ, VSS hỗ trợ miễn phí và đảm bảo bí mật cho nạn nhân và cho nhân chứng, gia đình và người thân của nạn nhân – những người cũng chịu ảnh hưởng của bạo lực gia đình. VSS phối hợp rất chặt chẽ với các tổ chức khác trong việc hỗ trợ nạn nhân. Các nạn nhân có thể liên hệ VSS bất cứ lúc nào để được hỗ trợ mà không cần phải qua các thủ tục khai báo, ngay cả khi vụ việc đã xảy ra trong quá khứ và họ muốn được hỗ trợ.

Với nguồn ngân sách từ chính phủ, chính quyền bang và hoạt động tự gây quỹ, các chương trình và dịch vụ mà VSS cung cấp rất đa dạng, đảm bảo hỗ trợ 24/24 giờ cho cả nạn nhân lẫn người thân và những người xung quanh bị ảnh hưởng bởi bạo lực, đặc biệt khi nạn nhân bị thiệt mạng. Các hoạt động hỗ trợ bao gồm:

- Đảm bảo an toàn cho nạn nhân và những người bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình muốn ở lại nhà của mình (lắp khóa an toàn, hệ thống báo động và cửa thoát hiểm…); hỗ trợ lập kế hoạch đảm bảo an toàn; kết nối với các dịch vụ hỗ trợ cần thiết khác.

- Hỗ trợ nạn nhân thuộc các quốc tịch khác nhau (có tờ rơi bằng các thứ tiếng, số điện thoại liên hệ); hỗ trợ phiên dịch, ngôn ngữ ký hiệu trong quá trình xử lý vụ việc bạo lực gia đình…).

- Tư vấn, cung cấp thông tin, các tờ rơi, tài liệu hướng dẫn cụ thể cho tất cả các đối tượng liên quan.

- Tập huấn cho tình nguyện viên hỗ trợ nạn nhân, nhân chứng, người nhà của nạn nhân ở tòa án. Tư vấn và giúp họ chuẩn bị về tâm lý và những kỹ năng cần thiết…; cung cấp thông tin về tòa án và trình tự xét xử; hỗ trợ và ngồi cùng nhân chứng, người nhà nạn nhân trong suốt quá trình xét xử; cung cấp các phương tiện hỗ trợ (tai nghe…) trong quá trình xét xử cho nạn nhân, nhân chứng gặp khó khăn trong giao tiếp.

- Dịch vụ hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi những vụ giết người do bạo lực…; và nhiều dịch vụ khác.

VSS có văn phòng tại thành phố và 7 vùng thuộc Nam Ố-xtơ-rây-li-a nên người dân có thể dễ dàng liên hệ và tiếp cận các dịch vụ của tổ chức.

Phụ nữ khuyết tật và bạo lực gia đình

Cũng như nhiều quốc gia khác, phụ nữ khuyết tật ở Ố-xtơ-rây-li-a rất thiếu thông tin, hiểu biết về bạo lực gia đình. Phụ nữ khuyết tật bị bạo lực dưới nhiều hình thức khác nhau, không phân biệt tuổi tác, sắc tộc, dân tộc, tầng lớp. Rào cản khiến họ khó tiếp cận các hỗ trợ là do họ bị phân biệt đối xử bởi xã hội và các nhà cung cấp dịch vụ; do thiếu phương tiện đi lại thuận lợi; do họ không có học vấn cao, khó khăn trong việc diễn đạt và tự bảo vệ nên câu chuyện của họ không được tin tưởng; và do các dịch vụ dành cho họ chưa phù hợp, chưa đáp ứng đúng nhu cầu….

Vấn đề phụ nữ khuyết tật luôn được nêu ra trong các chương trình, dự án về bạo lực. Một dự án có tên “Không thể chấp nhận - đó chính là bạo lực” (It’s not OK – it’s violence) đã được tiến hành ở Ố-xtơ-rây-li-a nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của phụ nữ khuyết tật và cộng đồng về vấn đề bạo lực gia đình nói chung và bạo lực gia đình đối với phụ nữ khuyết tật nói riêng. Các tài liệu của dự án sử dụng cỡ chữ to để những phụ nữ suy giảm thị lực có thể đọc được; có các băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, thẻ điện thoại... giúp cộng đồng và phụ nữ khuyết tật hiểu rằng bạo lực là điều không thể chấp nhận và họ có thể được hỗ trợ; sách thông tin (cả bằng âm thanh) về vấn đề bạo lực gia đình cho phụ nữ khuyết tật cùng với các câu chuyện có thật và hình ảnh; bộ sách dùng cho các tổ chức cung cấp dịch vụ nhằm giúp họ có những hỗ trợ phù hợp và hiệu quả đối với phụ nữ khuyết tật bị bạo lực gia đình; bộ tài liệu truyền thông sử dụng trên các phương tiện thông tin nhằm khuyến khích thảo luận về vấn đề này giữa phụ nữ, các nhà cung cấp dịch vụ và người dân trong cộng đồng.

Nguồn: Tài liệu của khóa tập huấn “Giới và Khuyết tật” tại Adelaide, Ố-xtơ-rây-li-a từ 1/9 – 23/11/2013:

1. Quyền được An toàn (Chiến lược Nam Ố-xtơ-rây-li-a vì sự an toàn của phụ nữ Ố-xtơ-rây-li-a giai đoạn 2011 – 2022) – Chính quyền Nam Ố-xtơ-rây-li-a

2. Khung An toàn Gia đình– Văn phòng Phụ nữ Nam Ố-xtơ-rây-li-a

3. Chiến lược phòng chống bạo lực gia đình – Cảnh sát Nam Ố-xtơ-rây-li-a

4. Tài liệu dự án: “Không thể chấp nhận - đó chính là bạo lực”

5. Dịch vụ Hỗ trợ Nạn nhân (Victim Support Service) (thông tin từ chuyến thăm thực tế và website:http://www.victimsa.org/)

 

Nguyễn Lê Hằng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video