Kinh nghiệm trong thực hiện mô hình phát triển kinh tế

19/10/2020
Tại đại hội thi đua yêu nước Hội LHPN Việt Nam lần thứ IV, Chị Y Bia - Tổ trưởng THT “Phụ nữ DTTS trồng sâm dây” – Trưởng thôn Làng Mới, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum đã có tham luận "Kinh nghiệm trong thực hiện mô hình phát triển kinh tế". Cổng thông tin Hội LHPN Việt Nam xin đăng toàn văn tham luận
Tóm tắt thành tích và khen thưởng của chị Y Bia

Tôi tên là: Y Bia - hội viên phụ nữ Làng Mới - xã Mường Hoong - huyện Đăk Glei - tỉnh Kon Tum. Hôm nay tôi rất vinh dự được tham dự Hội nghị điển hình tiên tiến Hội LHPN Việt Nam, lần thứ IV giai đoạn 2015 - 2020 và được Hội nghị cho phép báo cáo tham luận về hiệu quả từ mô hình “Phụ nữ dân tộc thiểu số trồng sâm dây”. Lời đầu tiên tôi xin kính chúc quý vị đại biểu cùng toàn thể Hội nghị sức khỏe, hạnh phúc, chúc Hội nghị thành công tốt đẹp!

Thưa Hội nghị!

 Những năm qua, được sự quan tâm của cp ủy, chính quyền, đặc biệt là các cấp Hội trong việc hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, trong đó có cá nhân tôi. Trên cơ sở kết quả thực hiện tôi xin báo cáo tham luận phát triển kinh tế từ thực tế của bản thân như sau:

Sinh ra trong gia đình nghèo, lập gia đình từ năm 1995, ở vùng đất chỉ toàn núi đồi quanh năm chỉ có sương mù bao phủ, thu nhập thấp chủ yếu là từ cây lúa, cây mì nên cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo của xã. Tham gia sinh hoạt hội phụ nữ từ năm 1996, bản thân luôn tích cực tham gia các hoạt động của Hội, của địa phương, đến năm 2004 tôi được bầu làm chi hội trưởng phụ nữ thôn, đến nay là Bí thư chi bộ thôn. Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động của Hội triển khai, trong suốt quá trình hoạt động, bản thân tôi luôn gương mẫu trong việc thực hiện nhiệm vụ của Hội, đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy ước, hương ước của thôn làng, không ngừng học tập trau dồi kiến thức mọi mặt. Bản thân luôn ý thức trách nhiệm được giao, luôn tiên phong, gương mẫu...

Là người trực tiếp lao động, bản thân đã gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế gia đình, loay hoay mãi với trồng cây lúa, cây mì mà đời sống vẫn khó khăn. Năm 2009, tôi mạnh dạn vay 20 triệu đồng vốn NHCSXH đầu tư chăn nuôi bò. Qua 03 năm chăn nuôi, nhận thấy không hiệu quả, chỉ đủ hoàn vốn ban đầu, bản thân lại suy nghĩ tìm cách phát triển kinh tế. Với kiến thức và kinh nghiệm trồng trọt được học qua các lớp tập huấn khuyến nông khuyến lâm của các ngành, các cấp. Năm 2012, tôi mạnh dạn vay 40 triệu đồng vốn NHCSXH đầu tư trồng gần 03 ha cà phê, bời lời, sau 05- 07 năm cho thu hoạch, nhưng năng suất không cao do thời tiết, khí hậu vùng Ngọc Linh mưa, lạnh nhiều khó khăn trong việc làm khô sản phẩm, cộng với phần giao thông không thuận tiện nên bị tư thương ép giá và cũng có năm cà phê, bời lời rớt giá hoặc mất mùa... Đời sống gia đình tôi đã khó khăn càng khó khăn hơn. Mặc dù vậy, ước mơ vươn lên thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương mình trong tôi chưa bao giờ tắt.

Năm 2016, huyện chủ trương khuyến khích người dân trồng cây dược liệu (sâm dây, đương quy) và chọn hộ trồng thí điểm. Nhận thức được việc chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi mạnh dạn đăng ký trồng thí điểm sâm dây trên địa bàn xã. Cùng với việc được hướng dẫn hỗ trợ kỹ thuật, tôi chịu khó nghiên cứu và vận dụng làm. Kết quả năm đầu thực hiện ngoài mong đợi, hơn 1 sào thu được hơn 100 kg sâm. Tôi đã bàn với gia đình mở rộng thêm diện tích trồng sâm lên hơn 03 sào, đồng thời, hỗ trợ, chia sẻ giống sâm cho 08 hộ khác trong thôn trồng.

Từ thành công đó, năm 2017, khi các các cấp Hội vận động tham gia mô hình  “Phụ nữ dân tộc thiểu số trồng sâm dây”, tôi hiểu được rằng đây chính là con đường đưa ước mơ của tôi trở thành hiện thực. Tôi đã không ngần ngại đăng ký tham gia và vận động các hộ dân trên địa bàn thôn hưởng ứng tham gia mô hình. Tháng 6/2017, tổ hợp tác “Phụ nữ dân tộc thiểu số trồng sâm dây Ngọc Linh” ra mắt với 30 thành viên tham gia và tôi được chị em tín nhiệm bầu làm tổ trưởng. Với trách nhiệm của một người tổ trưởng, bên cạnh việc chia sẻ, hướng dẫn chị em trồng sâm dây bằng kinh nghiệm của bản thân, tôi còn cùng với Hội LHPN các cấp vận động chị em tham gia các lớp tập huấn đầu bờ trang bị kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc sâm dây tại vườn hộ cho các thành viên tham gia.

Bước đầu đi vào hoạt động, mô hình gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm, kỹ năng quản lý... Nhưng bằng sự nhiệt huyết, sự đồng lòng của các chị em trong tổ, sự động viên, hỗ trợ của Hội LHPN các cấp, tôi đã chủ động học hỏi, năng động kết nối với các đại lý, tổ chức cá nhân có nhu cầu để tiêu thụ sản phẩm cho mô hình tại các cửa hàng trong tỉnh. Đến nay, sau 3 năm triển khai, mô hình đã tương đối ổn định, 100% hộ tham gia tổ hợp tác đã có thu nhập từ sâm, trung bình 30.000.000đ/ hộ. Đời sống các hộ được nâng lên góp phần thực hiện tốt phong trào thi đua lao động sản xuất tăng cao thu nhập cho gia đình, phát triển kinh tế và chung sức xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Về phía gia đình tôi, không bằng lòng với những kết quả đã đạt được, tôi tiếp tục chuyển đổi cây trồng, mở rộng diện tích trồng sâm. Thông qua tổ chức Hội tôi được vay vốn Ngân hàng CSXH với số tiền 50 triệu đồng để đầu tư mở rộng diện tích. Đến nay, tổng diện tích trồng sâm, bời lời, cà phê của gia đình là 3,5ha. Hàng năm, gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng, phần nào đáp ứng nhu cầu của gia đình, lo cho con cái học hành và có điều kiện hỗ trợ 08 chị trong làng giống cây sâm để phát triển kinh tế.

Từ thành công bước đầu của mô hình, nhận thấy hiệu quả, giá trị kinh tế của cây sâm dây mang lại, các cấp Hội đã nhân rộng thêm 01 tổ hợp tác mới trên địa bàn xã với 23 thành viên là hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Với những nỗ lực của bản thân trong thời gian qua tôi đã được các cấp, các ngành khen tặng: UBND xã Mường Hoong năm 2005; giấy khen Hội LHPN huyện năm 2007; giấy khen UBMTTQVN huyện năm 2011; giấy khen của hội LHPN huyện năm 2018 và giấy khen của Hội LHPN xã năm  2005, 2007, 2008, 2017.

Để đạt được những kết quả như trên ngoài sự cố gắng của bản thân, tôi cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo Hội LHPN các cấp và chị em trong tổ hợp tác, đây là sự động viên, cổ vũ rất lớn về mặt tinh thần để tôi viết tiếp ước mơ của mình. Tôi mong rằng trong thời gian tới bản thân tôi cũng phụ nữ Xê Đăng sống dưới chân núi Ngọc Linh tiếp tục được đón nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là Hội LHPN các cấp để chị em có cơ hội vươn lên thoát nghèo.

 Trên đây là những kết quả mà bản thân tôi đã đạt được trong thời gian vừa qua, xin chân thành cảm ơn quý vị đã quan tâm lắng nghe. Một lần nữa xin kính chúc quý vị đại biểu cùng toàn thể hội nghị sức khỏe, hạnh phúc, chúc hội nghị thành công tốt đẹp. Xin trân trọng cảm ơn!

Y Bia

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video