Kinh tế biển ở Cát Khánh

07/01/2006
Là xã ven biển, Cát Khánh (Phù Cát) có gần 480 hộ làm nghề khai thác và nuôi trồng thủy hải sản, hàng trăm hộ khác làm các dịch vụ cung ứng, chế biến.

Trong những năm gần đây, được sự hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân đầu tư vốn đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ, trang bị từng bước nâng cao năng lực đánh bắt; đồng thời mở rộng diện tích nuôi trồng… Toàn xã hiện có 417 chiếc tàu, thuyền với tổng công suất 17.845 CV, trong đó có 25 tàu có công suất từ 60CV trở lên, gần 80ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Thu nhập từ kinh tế biển chiếm 70% thu nhập của toàn xã, nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Ông Ngô Hồng Tịnh ở thôn An Quang Tây cho biết: "Được Nhà nước cho vay 250 triệu đồng, cùng với nguồn vốn tự có, gia đình tôi đóng mới 1 chiếc tàu có công suất 90CV, mua sắm ngư lưới cụ, trang bị phương tiện hiện đại như máy định vị, máy tầm ngư… để khai thác xa bờ. Mỗi năm đánh bắt được 150-200 tấn cá, sau khi trừ chi phí và trả công cho 13 người trên tàu, tôi còn lãi khoảng 140 triệu đồng".

Nhiều hộ ở đây có từ 2-4 tàu, khai thác xa bờ mỗi năm lợi nhuận 500-700 triệu đồng như hộ La Văn Bộ, Tạ Ngọc Xuân…

Bên cạnh đánh bắt xa bờ, Cát Khánh còn có nghề nuôi ươm cá mú giống và cá mú thịt xuất khẩu. Anh Nguyễn Văn Đông, ở thôn Ngãi An đã chuyển 500m2 ao nuôi tôm sang nuôi cá mú giống với 3.400 cá mú con đưa vào ươm giống. Sau 30 ngày nuôi, anh bán cá giống lãi 30 triệu đồng.

Nuôi cá mú thịt xuất khẩu cũng đang là hướng làm ăn mới có hiệu quả tại Cát Khánh hiện nay. Hiện có hai cách nuôi, nuôi lồng và nuôi đìa. Nhiều hộ chuyển sang nuôi cá mú trên diện tích đìa nuôi tôm sú trước đây. Ba năm trước, chỉ vài hộ nuôi lác đác và đã lãi đến 50 triệu đồng/ha, kích thích nhiều hộ làm theo.

Anh Trần Đức Hậu ở thôn Ngãi An đưa vào nuôi 2.000 con cá mú/8.000m2 ao, sau 14 tháng anh thu hoạch lãi 85 triệu đồng. Anh Trần Đức Tiến cũng ở thôn Ngãi An, nhờ nuôi cá mú lồng mà có thu nhập khá. Vụ đầu anh thả nuôi 300 con cá giống, sau 8 tháng nuôi thu về 30 triệu đồng, trừ chi phí lời 20 triệu đồng. Kết quả này đã thúc đẩy anh mở rộng quy mô nuôi từ một lồng năm 1977 lên 5 lồng hiện nay, và có lãi trên 50 triệu đồng/năm.

Nghề nuôi nghêu cũng đang mang lại thu nhập khá cho ngư dân Cát Khánh. Anh Bùi Văn Thìn ở thôn An Quang Tây là người nuôi nghêu đầu tiên ở đây. Sau mấy tháng học nghề ở Cam Ranh (Khánh Hòa) anh trở về đầu tư trên 4 triệu đồng mua lưới, cọc, dựng chòi canh và mua 5 tạ nghêu giống đem thả trên diện tích 500m2 mặt nước ở đầm Đề Gi. Sau 6 tháng nuôi, anh thu 2 tấn nghêu, bán được 10 triệu đồng. Phấn khởi trước kết quả đó, anh mở rộng diện tích mặt nước nuôi nghêu lên 8.000m2, thu lãi trên 25 triệu đồng/năm. Ngoài ra, Cát Khánh còn phát triển nghề nuôi sò huyết, cá chua, cua… cho thu nhập từ 10 đến 30 triệu đồng/ha/năm.

Đa dạng hóa ngành nghề, tạo mũi nhọn để phát triển là nền tảng để Cát Khánh khai thác tốt hơn tiềm năng kinh tế biển của địa phương, để vươn lên làm giàu chính đáng.

Văn Thý

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video