Kinh tế hợp tác, HTX tạo sinh kế giúp phụ nữ Thạch Thành thoát nghèo

08/08/2020
Việc thành lập các mô hình kinh tế hợp tác, HTX, tổ hợp tác đã giúp nhiều phụ nữ của huyện Thạch Thành - Thanh Hóa có điều kiện sản xuất, vươn lên làm giàu.
Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của HTX chăn nuôi và sản xuất Duy Đạt

Thạch Thành là một trong những huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, đời sống của bà con nông dân ở đây rất khó khăn, đặc biệt nhiều phụ nữ không có công ăn việc làm ổn định.

Tạo công ăn việc làm cho phụ nữ yếu thế

Nhưng kể từ khi huyện đẩy mạnh thành lập các mô hình kinh tế hợp tác (KTHT) do phụ nữ làm chủ, cuộc sống của nhiều người đã thay đổi. Đến nay, huyện đã thành lập được 12 mô hình KTHT, trong đó có 4 hợp tác xã (HTX), 8 tổ liên kết, tổ hợp tác ở các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.

Các mô hình, ngành nghề do chị em quản lý đã liên kết sản xuất đầu vào, đầu ra sản phẩm và khắc phục được hạn chế sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, giúp nhiều thành viên khó khăn có điều kiện vươn lên sản xuất, thoát nghèo và nhiều thành viên có điều kiện tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất bền vững.

Tiêu biểu là mô hình HTX chăn nuôi và sản xuất Duy Đạt do chị Nguyễn Thị Thu Nghìn, ở thôn Yên Thịnh, xã Thành Tâm điều hành đã giúp nhiều phụ nữ ở địa phương có công ăn việc làm ổn định.

Vốn từng là hộ nghèo của địa phương, sau khi tìm hiểu một số mô hình chăn nuôi, năm 2017, chị  Nghìn đã quyết định vay vốn, đầu tư mua 200 đôi chim giống bồ câu Pháp sinh sản. Do mua chim giống đã trưởng thành, nên chỉ sau 1 tháng chim đã sinh sản. Vừa chăn nuôi bán chim thịt, vừa nhân đàn giống, đến tháng 8/2018, chị Nghìn quyết định thành lập HTX chăn nuôi và sản xuất Duy Đạt, kêu gọi thành viên góp vốn mở rộng quy mô chăn nuôi.

Đến nay, quy mô chăn nuôi của HTX đã lên tới hơn 4.500 đôi chim bồ câu Pháp sinh sản. Đây là một trong những trang trại nuôi chim bồ câu quy mô lớn của Thanh Hóa. Năm 2019, trừ mọi chi phí, HTX thu lợi nhuận trên 1 tỷ đồng.

Hiện HTX chăn nuôi và sản xuất Duy Đạt đang tạo việc làm cho 7 lao động địa phương, đồng thời hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển các mô hình chăn nuôi. Từ phát triển nuôi chim bồ câu Pháp, HTX đã và đang mở ra hướng đi mới, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện Thạch Thành.

Nhân rộng mô hình, cách làm hay

Bên cạnh HTX Duy Đạt, ở huyện Thạch Thành còn có các mô hình KTHT tiêu biểu như: HTX sản xuất mật ong Hưởng Hoa, THT sản xuất mật mía Thạch Sơn, HTX dịch vụ tổng hợp xã Thành Hưng, HTX tiểu thủ công nghiệp Thành Thọ... đã đóng vai trò quan trọng trong xây dựng kế hoạch, định hướng cho thành viên sản xuất để tập hợp thành tổ, nhóm và chuẩn bị các khâu từ nhân sự điều hành, lựa chọn giống, nguyên liệu, kết nối thị trường tiêu thụ, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, huy động vốn vay...

Việc hỗ trợ, tạo điều kiện phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo là một chủ trương đúng đắn, cần nhân rộng ở các địa phương ở Thanh Hoá

Cùng với đó, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng, các mô hình  KTHT, HTX đã tăng cường giới thiệu sản phẩm qua nhiều kênh, sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, hướng thành viên liên kết sản xuất, bền vững.

Đến nay, các mô hình KTHT do phụ nữ quản lý ở Thạch Thành đang hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm cho hàng trăm lao động là phụ nữ. Đồng thời, cách làm hay này cũng đang được nhân rộng ở nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là huyện miền núi, vùng cao - nơi mà đa phần phụ nữ có hoàn cảnh rất khó khăn.

Từ nguồn vốn thông qua các chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và huy động thêm nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, Hội Liên Hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch thực hiện “mục tiêu kép” hỗ trợ 16 mô hình KTHT cho các thành viên của 9 HTX và 7 tổ hợp tác trên địa bàn toàn tỉnh. Đối tượng được hỗ trợ là hội viên, phụ nữ nghèo, cận nghèo, hộ có nhu cầu sản xuất.

Bà Phạm Thị Thúy, Trưởng Ban hỗ trợ phụ nữ và phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Để xây dựng các mô hình KTHT hiệu quả, Ban Thường vụ Hội Liệp hiệp phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội rà soát, đánh giá mức độ hộ nghèo, nhu cầu và điều kiện tự nhiên để xây dựng kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ. Đối tượng ưu tiên là những hội viên thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có ý thức lao động sản xuất.

Bên cạnh đó, việc thành lập các mô hình KTHT cũng được đẩy mạnh. Đến nay, sau 7 năm triển khai thực hiện hỗ trợ, Hội Liệp hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã chỉ đạo các cấp hội ở 11 huyện miền núi thành lập được 93 mô hình, trong đó có 11 HTX, 33 tổ hợp tác, 48 tổ liên kết với 1.310 thành viên tham gia, mức thu nhập ổn định từ 2,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, còn tạo việc làm cho nhiều lao động thời vụ. Hiện nay, các mô hình đã và đang hoạt động hiệu quả, giúp chị em phụ nữ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

"Thông qua các hoạt động hỗ trợ, chị em được tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sản xuất, có ý thức tự lực vươn lên, xóa bỏ tư tưởng trông chờ vào Nhà nước. Các chị còn tự nguyện góp quỹ hàng tháng để phòng chống rủi ro, tương trợ nhau, mua con giống tặng cho hộ nghèo khác để cùng nhau sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập", bà Thúy cho biết.

thoibaokinhdoanh.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video