Kon Tum: Lò sấy măng khô - mô hình nhỏ, hiệu quả lớn

16/10/2020
2 tháng trở lại đây chị em ở thôn Tê Xô Trong đã có việc làm và kiếm thêm thu nhập từ lò sấy măng khô của Hội LHPN xã Đăk Tờ Kan
Nhờ có lò sấy măng khô, chị em hội viên đã có thêm thu nhập lo cho gia đình vào mùa mưa

Dù chỉ mới đi vào hoạt động được gần 2 tháng nhưng mô hình lò sấy măng khô của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã mang lại những tín hiệu tích cực. Nhờ có mô hình này, chị em ở thôn Tê Xô Trong, xã Đăk Tờ Kan đã có việc làm và kiếm thêm thu nhập vào mùa mưa.

Mùa mưa thường là mùa măng rừng của đồng bào Tây Nguyên, tại thôn Tê Xô Trong những ngày này, chị em người Xơ Đăng nối chân nhau đi hái măng rừng để mang về phơi khô rồi bán. Tuy nhiên, “thấy chị em trong làng vất vả đi gùi măng về nhưng chưa biết cách sấy măng để mang lại hiệu quả kinh tế cao nên Hội LHPN xã đã triển khai mô hình lò sấy để chị em nâng cao chất lượng của măng, cải thiện kinh tế gia đình vào mùa mưa”, chị Y Var, Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Tờ Kan cho biết:

Để thực hiện mô hình, chị Y Var cùng các hội viên đã đi thực tế, xem quy trình các lò sấy măng của các xã khác để học hỏi, đúc kết kinh nghiệm, sau đó về triển khai tại xã mình. Lò sấy măng hiện được chọn xây dựng tại nhà chị Y Hành, Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tê Xô Trong.

Chị Y Var cho biết: Lò sấy măng khô được xây dựng hết 4 triệu đồng, từ kinh phí của UBND xã hỗ trợ. Lò sấy được thiết kế theo hình hộp chữ nhật, chiều dài 3m, ngang 2m và cao 0,5m. Nguyên liệu chủ yếu được dùng là gạch và xi măng, bên trên mặt lò được trải 1 lớp đất sét dày để bảo đảm lượng nhiệt tỏa ra đều, giúp măng được sấy khô mà không bị cháy. Hiện, mô hình đã thu hút được 8 hội viên tham gia.

Mặc cái nóng hầm hập do nhiệt tỏa ra từ lò sấy măng nhưng các chị em thôn Tê Xô Trong vẫn miệt mài để xếp từng lát măng đã được chẻ lên mặt lò. Chị em còn lại tiếp tục chẻ măng, rửa sạch và xếp gọn gàng vào thau, rá tre cho ráo nước, chuẩn bị cho đợt sấy măng tiếp theo.

Chị Y Hành, Chi hội trưởng Chi hội thôn Tê Xô Trong cho biết: “Từ ngày có lò sấy, thời gian làm măng khô đã được rút ngắn lại. Nếu như nhiều năm trước, cả mùa phơi được hơn 2 tạ măng thì chỉ thu được 20kg măng khô. Năm nay, đến thời điểm này đã làm được 6 đợt măng, mỗi đợt bán được hơn 10kg măng khô. Tuy chế biến nhanh, nhưng chất lượng lại cao gấp nhiều lần so với cách phơi truyền thống nên bán được giá cao, 1kg măng khô dao động khoảng 160.000 - 180.000 ngàn đồng. Sau mỗi đợt bán, chị em trong Hội sẽ chia đều cho nhau mang về trang trải cho gia đình.”

Nhờ tham gia mô hình này mà nhà chị Y Chú có thêm thu nhập cao hơn các mùa trước. Chỉ gần 2 tháng tham gia vào mô hình lò sấy măng khô, chị em chia nhau được 1.500.000 đồng. Còn chị Y Hoàng (hội viên) đã tiết kiệm được 1 khoản tiền để chuẩn bị cho con đi học. Nhờ có số tiền từ lò sấy măng, chị Hoàng đã mua cho con trai 1 chiếc xe đạp và 1 bộ quần áo mới, giúp con có động lực đi học.

Nhận xét về mô hình lò sấy măng khô, chị Y Hoa, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tu Mơ Rông cho biết: Mô hình lò sấy măng của Hội LHPN xã Đăk Tờ Kan tuy nhỏ nhưng đem lại hiệu quả lớn. Mô hình phần nào đã giải quyết việc làm cho chị em trong thôn mỗi khi mưa xuống và giúp chị em có thêm thu nhập lo cho gia đình. Trong thời gian tới, Hội sẽ khuyến khích chị em các xã tích cực xây dựng thêm những mô hình mới, giúp người dân có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, phát triển cuộc sống.

Mô hình lò sấy măng của Hội LHPN xã Đăk Tờ Kan tuy nhỏ nhưng đem lại những hiệu quả lớn. Mô hình phần nào đã giải quyết việc làm cho chị em trong thôn mỗi khi mưa xuống và giúp chị em có thêm thu nhập lo cho gia đình...”, Chị Y Hoa, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tu Mơ Rông nhận xét.

baodantoc

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video