Kỹ năng cho con bú sữa mẹ

23/07/2010
PGS.TS.Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng

- Thời gian cho bú lần đầu : Sau đẻ trong vòng một giờ, người mẹ nên cho con bú ngay, bú càng sớm càng tốt. Bú sớm sẽ kích thích sữa bài tiết sớm và trẻ được bú sữa non.

Nhiều bà mẹ sau khi sinh chỉ cho con bú khi bầu vú căng sữa (người ta thường quen gọi là xuống sữa), như vậy là không đúng. Sữa mẹ tiết ra theo phản xạ, cho con bú sớm có tác dụng kích thích bài tiết sữa sớm. Do đó, nếu không cho con bú, sẽ làm sữa xuống chậm và như thế sẽ dễ bị mất sữa. Sữa non có tác dụng miễn dịch, trẻ được bú sữa non sẽ phòng bệnh được tốt. Ngoài ra, kích thích bú của trẻ có tác dụng co hồi tử cung và cầm máu cho người mẹ sau đẻ.

 

- Sốlần cho con bú : Tuỳ theo nhu cầu của trẻ, có thể cho trẻ bú từ 8-10 lần trong một ngày, không nhất thiết phải theo đúng giờ giấc mà tuỳ thuộc vào nhu cầu của trẻ. Ban đêm vẫn có thể cho trẻ bú nếu trẻ khóc đòi ăn. Với những bà mẹ ít sữa, nên cho trẻ bú nhiều để kích thích bài tiết sữa tốt hơn.

 

- Cách cho trẻ bú đúng, có hiệu quả:

+ Tư thế:

Tùy điều kiện mẹ có thể cho trẻ bú ở tư thế nằm hay ngồi nhưng phảiđảm bảo bà mẹ và trẻ đều ở tư thế thoải mái, thư giãn :

·Đầu và thân trẻ phải nằm trên cùng một đường thẳng

·Cơ thể trẻ sát với cơ thể mẹ

·Mắt trẻ đối diện vớivú và môi trẻ đối diện với núm vú

·Có thể cần phải đỡ mông trẻ (nếu trẻ là trẻ sơ sinh)

+ Ngậm bắt vú:

·Miệng trẻ mở rộng, má trẻ căng phồng, cằm tỳ vào vú mẹ.

·Quầng vú ở phía trên miệng trẻ còn lại nhiều hơn quầng vú ở phía dưới.

·Khi trẻ bú không nghe thấy tiếng tóp tép.

 Ảnh minh họaẢnh minh họa 

 Ngậm bắt vú đúng

 Ngậm bắt vú sai

 

+ Hậu quả của ngậm bắt vú sai:

·Đau và tổn thương ở núm vú (có thể nứt núm vú),

·Trẻ bú không có hiệu quả làm sữa ứ đọng gây cương tức vú,

·Vú sẽ tạo ít sữa đi,

·Trẻ hay khóc đòi bú hoặc từ chối bú mẹ,

·Trẻ tăng cân kém,

+ Thời gian mỗi bữa bú: Tuỳ theo từng trẻ, cho trẻ bú đến khi trẻ tự rời vú mẹ. Cho trẻ bú kiệt một bên vú rồi mới chuyển sang vú khác để trẻ nhận được sữa cuối giàu chất béo.

 

- Thời gian bú mẹ:Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Khi trẻ bị bệnh, ngay cả khi trẻ bị tiêu chảy vẫn tiếp tục cho trẻ bú. Trẻ đẻ non yếu không mút được vú mẹ, hoặc trường hợp mẹ bị ốm nặng, bị mắc một số bệnh không cho trẻ bú được, cần vắt sữa cho trẻ ăn bằng cốc, thìa.

Nên cho trẻ bú kéo dài 24 tháng hoặc có thể lâu hơn, không cai sữa cho trẻ trước 12 tháng tuổi.

 

- Thời gian cai sữa: Trẻ được bú mẹ thời gian càng lâu càng tốt, nên cho trẻ bú kéo dài tới 24 tháng hoặc lâu hơn.

Khi cai sữa cho trẻ cần chú ý:

oKhông cai sữa quá sớm, khi trẻ chưa hấp thụ đủ thức ăn thay thế hoàn toàn sữa mẹ.

oKhông nên cai sữa vào mùa hè nóng nực, trẻ kém ăn, dễ bị suy dinh dưỡng.

oKhông nên cai sữa đột ngột dễ làm trẻ quấy khóc, biếng ăn.

oKhông cai sữa khi trẻ bị ốm, nhất là khi bị tiêu chảy.

oSau khi cai sữa, cần có các chế độ ăn thay thế đảm bảo đủ chất cho trẻ, nhất là chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ...), chất béo (dầu, mỡ) và các loại rau, quả...

oKhi mẹ bị bệnh hoặc ốm yếu, trẻ bị đẻ non mà trẻ không bú được thì nên vắt sữa và cho ăn bằng thìa. Trong trường hợp bà mẹ có thai thì vẫn có thể cho con bú, sữa mẹ vẫn tốt tuy rằng số lượng có thể giảm. Bà mẹ nên được ăn thêm trong thời gian này. Cho trẻ bú mẹ sẽ không gây nguy hiểm gì cho bào thai.

 

- Những dấu hiệu chứng tỏ trẻ không nhận đủ sữa

Có hai dấu hiệu chắc chắn:

·Tăng cân kém dưới 500g/tháng: Cần thường xuyên kiểm tra sự tăng cân của trẻ. Bình thường trong 6 tháng đầu, mỗi tháng trẻ phải tăng cân ít nhất là 500g/tháng hoặc 125g/tuần. Đối với trẻ sơ sinh trong tuần đầu sau đẻ có hiện tượng sụt cân sinh lý, nếu trẻ không nhận đủ sữa thì cân của trẻ ở tuần thứ hai thấp hơn cân nặng lúc đẻ.

·Đi tiểu ít, nước tiểu cô đặc: theo dõi nước tiểu, nếu trẻ đi tiểu ít hơn 6 lần một ngày, nước tiểu cô đặc là trẻ không nhận đủ sữa.

Khi phát hiện trẻ không nhận đủ sữa thì phải tìm hiểu nguyên nhân, thường là do cách ngậm bắt vú sai hoặc không cho trẻ bú thường xuyên.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video