Kỷ niệm 83 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam: Đề tài và cách viết của Bác Hồ

21/06/2008
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Người chỉ viết một "đề tài". Ðề tài đó có ý nghĩa thời đại to lớn, bao trùm cả những vấn đề lớn của nhân loại, những vấn đề trong đề tài đó lại thật cụ thể, sâu sắc, đa dạng, phong phú và ấm áp tình người.

Những bài báo của Người mang đầy tính chiến đấu, nổi bật tính thời sự nhưng vẫn toát lên những nét nghệ thuật đặc sắc và một văn phong báo chí độc đáo được nhiều người ngưỡng mộ và học tập.

 

Tại Ðại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 2 (16-4-1959), Bác Hồ nói: "Về nội dung viết, mà các cô các chú gọi là "đề tài", thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một "đề tài" là: Chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó"(1).

 

Ðối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, viết báo, làm báo trước hết để phục vụ sự nghiệp cách mạng. Người đã coi và dùng báo chí như một công cụ sắc bén trên tất cả các chặng đường đấu tranh cách mạng, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Sự nghiệp báo chí đồng hành và không tách rời sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người, tất cả đều nhằm mục đích giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, Người cũng là nhà báo Việt Nam vĩ đại nhất. Kể từ năm 1919, khi cái tên Nguyễn Ái Quốc xuất hiện dưới bài báo đầu tiên "Tâm địa thực dân" cho đến bài báo cuối cùng của Người: "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng" (với bút danh TL, đăng Báo Nhân Dân số 5526, ngày 1-6-1969), Hồ Chí Minh đã có nửa thế kỷ hoạt động báo chí với khoảng  2.000 bài viết, dưới 169 tên gọi, bí danh, bút danh khác nhau(2). Người đã sáng lập nhiều tờ báo lớn của cách mạng Việt Nam.

 

Theo nhà báo Hồ Chí Minh, trước hết cần xác định rõ chủ đề, đối tượng, mục đích của việc nói và viết, từ đó mới có thể tìm ra cách nói, cách viết cho phù hợp nhất với chủ đề, với đối tượng để đạt được mục đích đề ra. Người nêu lên bốn vấn đề liên quan chặt chẽ với nhau: Nói, viết cái gì? Nói, viết cho ai? Nói, viết để làm gì? Nói, viết như thế nào? Chủ đề, đối tượng, mục đích quyết định cách thể hiện; cách thể hiện tốt làm cho nội dung nói và viết đúng với chủ đề, đúng đối tượng và đạt được mục đích của việc nói và viết.

 

Hồ Chí Minh đã nói và viết cho rất nhiều đối tượng khác nhau: những đại biểu cao cấp nhất của chủ nghĩa thực dân đế quốc; nhân dân các nước thuộc địa; nhân dân và đảng cộng sản các nước anh em; những người có lương tri tiến bộ trên khắp thế giới... và chủ yếu nhất là đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam với dân tộc, tôn giáo, trình độ khác nhau.

 

Với mỗi đối tượng cụ thể, trong những văn cảnh cụ thể, Bác Hồ đều tìm ra những cách nói, cách viết phù hợp nhất. Nếu đối tượng là người phương Tây, Bác có cách viết rất "Tây", sâu xa, châm biếm, hài hước, ý nhị... Với nhân dân Việt Nam, Bác lại nói và viết rất giản dị, mộc mạc, nhiều khi có vần, có đối như những câu ca dao tục ngữ rất quen thuộc với mọi người. Với những nhà trí thức uyên bác, Người lại bàn về những lời của các bậc tiên hiền, bàn về những vấn đề sâu sắc của khoa học, của thơ ca và nghệ thuật...

 

Ðồng chí Trường Chinh nhận xét: "Hồ Chủ tịch nói tiếng nói của dân tộc, của nhân dân Việt Nam. Nhiều từ ngữ dân gian được Bác đưa vào ngôn ngữ của mình rất tự nhiên, hợp lý, sáng tạo...". Người còn làm giàu thêm cho kho tàng ngôn ngữ dân tộc bằng nhiều từ mới, từ rút ngắn như vùng trời, giặc đói, giặc dốt...

 

Nhà báo U.Bớc-set lại nhận xét: "Nét điển hình ở Hồ Chí Minh là chỉ với một vài từ hoặc một vài hình ảnh, Người có thể trình bày được những vấn đề rất phức tạp". Hình ảnh đoàn quân tinh nhuệ nhất của quân đội viễn chinh Pháp bị nhốt vào đáy mũ của Người minh họa cho cuộc chiến đấu ở Ðiện Biên Phủ lúc lên đến đỉnh cao là một thí dụ rõ nét nhất...

 

Một nhà báo, nhà sử học Pháp còn phát hiện: "Hồ Chí Minh đã gạch tất cả những công thức tiêu cực để thay bằng những công thức tích cực cùng nghĩa. Người không đồng ý câu tôi viết trong đề cương là: Không có chủ nghĩa xã hội thì các dân tộc không thể đi đến giải phóng hoàn toàn, mà đề nghị sửa lại là: Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể bảo đảm cho các dân tộc giải phóng hoàn toàn".

 

Sự phong phú trong cách thể hiện của Bác Hồ khi nói và viết làm chúng ta nhận ra những đặc trưng trong cách nói, cách viết Hồ Chí Minh. Ðó là:

 

- Chân thực. Mỗi bài nói, bài viết của Bác Hồ đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc. Bao giờ Người cũng đem lại cho người đọc, người nghe lượng thông tin cao và chính xác. Chính tính chân thực đã làm nên sức thuyết phục cao của những bài nói, bài viết của Người đối với người nghe, người đọc. Chân thực cũng là yêu cầu đầu tiên Bác Hồ đặt ra đối với cán bộ, đảng viên khi nói, khi viết. Bác thường nhắc nhở: "Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra"; "không nên nói ẩu"; "Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết"...

 

- Ngắn gọn là một đặc trưng rất nổi bật trong cách nói, cách viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Bác, "ngắn gọn có nghĩa là gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn". Ðặc tính ngắn gọn, hàm súc trong các bài nói, bài viết của Bác Hồ là sự kế thừa và phát triển phong cách phương Ðông và của dân tộc Việt Nam. Ðó cũng là kết quả công phu rèn luyện của Bác từ những ngày đầu tham gia hoạt động chính trị, tham gia làm báo cách mạng.

 

- Trong sáng, giản dị, dễ hiểu. Toàn bộ các bài nói, bài viết của Bác Hồ đều rất trong sáng về ý tưởng và văn phong, giản dị trong cách trình bày và dễ hiểu với người nghe, người đọc. Tư tưởng Hồ Chí Minh đến với mọi người bằng những ngôn từ quen thuộc, dù đó là những vấn đề của cuộc sống chiến đấu, lao động hằng ngày hay những vấn đề lớn của đất nước, của thời đại.

 

Muốn nói, muốn viết được trong sáng, giản dị, dễ hiểu, theo Bác Hồ, trước hết phải học cách nói của quần chúng. Phải thật sự học quần chúng để có cách nói, cách viết được quần chúng chấp nhận như những gì của chính họ. Sự giản dị, trong sáng trong văn phong của Người bắt nguồn từ sự hiểu biết thấu đáo bản chất của sự vật, từ sự gắn bó với truyền thống dân tộc trong nếp cảm, nếp nghĩ...

 

Ðể viết và nói được trong sáng giản dị, dễ hiểu, Bác Hồ còn chỉ ra rằng, phải chống lại căn bệnh hay nói chữ, ham dùng chữ, bệnh sính dùng chữ nước ngoài. Những tiếng nước ngoài nào đã quen thuộc, đã "hóa thành chữ ta" mà không dùng thì không đúng. Còn đối với bệnh lạm dụng chữ nước ngoài thì dù dùng đúng cũng đã có hại, nếu dùng sai theo kiểu dốt hay nói chữ thì cái hại càng to...

 

Những giá trị độc đáo và sâu sắc Bác để lại cho chúng ta trong văn phong báo chí và nghệ thuật làm báo, viết báo của Người không nằm ngoài mục đích làm cho bài viết sinh động hơn, hấp dẫn hơn, để truyền tải tốt hơn những nội dung cách mạng của  một "đề tài" như Người đã nêu, đến từng đối tượng của bài báo...

 

"Ðề tài" của chúng ta hôm nay, theo cách nói của Bác Hồ, là phát triển đất nước. Nền báo chí của chúng ta luôn đòi hỏi và vẫn đang đòi hỏi những người làm báo phải luôn luôn rèn luyện để có đủ tài, đủ tâm, đủ đức để có thể hoàn thành nhiệm vụ đó, để báo chí của ta hấp dẫn hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn... Những điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên với đội ngũ những người làm báo cách đây đã hơn 40 năm:

 

"... Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Ðảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu..."(3).

 

... "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Ðể làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng"(4).

 -----------------------

 (1) Hồ Chí Minh - Toàn tập - Nxb CTQG, H, 2000, Tập 9, tr 419.

 (2) Theo thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh trong cuốn Những tên gọi, bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nxb CTQG, H, 2001.

 (3) Hồ Chí Minh - Toàn tập - Sđd, Tập 9, tr 414.

 (4) Hồ Chí Minh - Toàn tập - Sđd, Tập 10, tr 616.

NGÔ VƯƠNG ANH
Nhân dân.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video