Làm đẹp thiệt mẹ, thiệt con

15/12/2010
Ít lâu sau khi sinh, nhiều chị em gấp rút “lấy lại phong độ” bằng cách tập thể dục, bằng việc... không cho con bú, thậm chí là dùng hocmon bổ sung mà không biết việc này có thể làm chính bạn và bé thiệt thòi.

Không cho con bú để giữ... ngực


Nguyên nhân khiến một số phụ nữ đong đếm thiệt hơn chuyện cho con bú hay không là vì họ nghĩ rằng điều này sẽ làm cho ngực xấu, chảy xệ, hay bèo nhèo. Vì thực tế, rất nhiều chị em sau sinh, cơ ngực bị nhão khiến họ mất tự tin với chồng và kh

ó khăn trong việc chọn trang phục.

 

Thực tế nguyên nhân không nằm ở đó mà lại nằm ở thói quen không mặc áo nâng ngực trong lúc mang thai và cho con bú vì ngại vướng víu, khó chịu. Đây là giai đoạn trọng lượng của hai bầu vú lớn hơn bình thường nên dễ bị xệ do không được nâng đỡ. Nếu ngực có các tia sữa thông, em bé bú tốt thì sau một thời gian, với sự tác động của hocmon cơ ngực sẽ dần trở lại gần như ban đầu.


Thêm vào đó, việc bé bú mẹ còn giúp các cơ tử cung mau co lại hơn nhờ tăng cường oxytocin nội sinh trong cơ thể mẹ. Cho bé bú cũng là một cách ngừa thai tự nhiên mà không cần dùng thuốc. Nếu bạn không cho bé bú, hoặc cho bú không thường xuyên, kinh nguyệt có thể trở lại chỉ sau 4-6 tuần và nếu không khéo “tránh” thì nguy cơ có thai ngoài ý muốn, khi sức khỏe và điều kiện chưa cho phép là hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe và cả nhan sắc của chị em khi “sự đã rồi” và buộc phải bỏ thai.


Ngoài ra, cho con bú cũng được coi như một cách giúp giảm cân vì dinh dưỡng người mẹ hấp thu sẽ được dồn vào sữa.

 

Đặt túi nâng ngực và nguy cơ bị chèn ép tuyến sữa


Không bàn tới những trường hợp chị em thực hiện phẫu thuật tại các cơ sở không uy tín, với các loại hóa chất độc hại như silicon lỏng vốn có nhiều biến chứng nguy hiểm. Nếu cuộc phẫu thuật nâng ngực diễn ra đúng kỹ thuật, bạn vẫn có thể cho con bú bình thường khi bé ra đời do túi nâng ngực đặt sau tuyến vú, trước hoặc sau cơ ngực lớn.

 

Nhưng trong thực tế, nhiều trường hợp phụ nữ sau phẫu thuật nâng ngực không cho con bú được vì túi nâng ngực chèn ép tuyến sữa. Nếu không được xử lý tốt, tắc tuyến sữa có thể dẫn tới viêm tuyến vú, tắc, áp xe rất nguy hiểm.

 

Tự gây áp lực cho mình


Nỗi sợ hãi thường gặp nhất ở bà mẹ sau sinh là trọng lượng thừa và vùng da bụng bèo nhèo. Nhiều chị em không dám đi tiệc tùng và tránh gặp bạn bè suốt thời gian dài vì vòng eo bánh mì xấu xí.


Để hạn chế việc tăng cân không kiểm soát, bà mẹ chọn các món ăn đầy đủ dưỡng chất trong khi mang thai, cố gắng để trọng lượng cơ thể tăng trong khoảng từ 10 đến 15kg. Ngay sau khi rời bàn sinh thì người mẹ đã giảm được 4, 5kg rồi. Không nên nóng vội, tự tạo áp lực lấy lại vóc dáng quá sớm. Chỉ cần bạn căng thẳng, stress là có thể ảnh hưởng ngay đến việc tiết sữa của cơ thể và làm em bé nhà bạn... “mất phần”. Như vậy sẽ rất thiệt thòi vì ai cũng biết là sữa mẹ không chỉ tốt, bổ mà còn có các kháng thể giúp tăng sức đề kháng cho bé nữa.


Về cơ bản, 2 tháng sau sinh, bạn có thể tập các bài tập cơ bụng, co duỗi chân. Không nên chạy nhảy nhiều, không nên chơi các môn thể thao nặng, đòi hỏi sức mạnh như ten-nis. Hãy kiên nhẫn chờ hết tháng thứ 3 để tránh các nguy cơ làm suy nhược sức khỏe. Tử cung người phụ nữ sau sinh còn mở rộng và lỏng lẻo, nếu phải chịu tác động mạnh sẽ dễ bị sa sinh dục. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, đời sống tình dục và sinh hoạt hằng ngày của người phụ nữ về sau.

Những vận động nhẹ nhàng trong sinh hoạt, xoay cổ chân, cổ tay rất tốt cho việc lưu thông máu, miễn bạn tránh sớm dùng sức ở vùng quanh âm đạo, hậu môn.


Bơi lội là môn thể dục rất thích hợp giúp chị em lấy lại vóc dáng nhanh. Về cơ bản sau khi các vết may, vết mổ lành là có thể bơi được. Tuy nhiên, nếu cẩn thận hơn, bạn có thể chờ đến 2 tháng sau sinh.


Hocmon thay thế, con dao hai lưỡi

 

Những thay đổi nội tiết trong quá trình mang thai có thể khiến nhiều chị em bị nám da, da sạm đen, nổi sần gây mất thẩm mỹ. Sau khi sinh, nội tiết tố trong cơ thể dần trở lại mức bình thường và “làn da xấu xí” sẽ dần được cải thiện theo. Nhưng không ít chị em thiếu kiên nhẫn vội vàng áp dụng nhiều phương cách sai lầm.


Hocmon thay thế là một trong số đó. Hocmon thay thế, cho đến nay được dùng để điều trị các chứng bệnh về rối loạn, sụt giảm nội tiết tố như đã phẫu thuật cắt buồng trứng, phụ nữ tuổi mãn kinh... chứ không phải như một loại thuốc bổ da, thuốc làm đẹp.


Thực tế, hocmon có thể giúp da mềm mại hơn, ngực có thể đầy đặn hơn nhờ tích tụ mô mỡ dưới da, tóc cũng bóng mượt hơn, nhưng chúng là thuốc chống chỉ định trong rất nhiều trường hợp vì làm tăng nguy cơ ung thư, rối loạn nội mạc tử cung, những cơ quan có liên quan trực tiếp tới sức khỏe sinh sản của chị em. Một số chị em khi uống hocmon thay thế, da đẹp lên đâu chẳng thấy, lại thấy da sạm hơn, vì một trong những tác dụng phụ “nhẹ nhàng” nhất của thuốc là làm da nhạy cảm với ánh sáng.


Muốn dùng nội tiết tố thay thế, bạn cần phải “vượt qua” hàng loạt các xét nghiệm phiến đồ âm đạo, cổ tử cung, chụp tuyến vú, đo lipid máu, chức năng gan thận và tim mạch.


Có thể chị đồng nghiệp trung tuổi trong công ty mình dùng được, nhưng sẽ là chống chỉ định với mình. Việc dùng thuốc hoàn toàn không đơn giản như thói quen của nhiều người hiện nay, bởi đến một viên C sủi, cũng không phải ai cũng uống được.


Mỹ phẩm làm đẹp


Son môi, phấn má, màu mắt, kem dưỡng là những sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, giúp bạn thêm tự tin và hoàn toàn có thể sử dụng trong thai kỳ cũng như trong giai đoạn cho bé bú. Tuy nhiên, để việc làm đẹp an toàn cho cả mẹ và con, bạn không nên thử các loại mỹ phẩm lạ, hoặc loại không rõ nguồn gốc, chất lượng vì có thể gây dị ứng. Việc dị ứng, bình thường đã gây xấu cho phụ nữ, khi có mang hay cho con bú thì lại ảnh hưởng nhiều đến thai nhi và em bé hơn nữa.

 

BS chuyên khoa 1 Huỳnh Thị Trong

Trưởng khoa Sản, bệnh viện An Sinh. TP HCM

Theo Đẹp

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video