Lâm Đồng: Những cán bộ Hội giỏi làm kinh tế

07/01/2020
Các chị không chỉ tham gia, đóng đóng góp trong công tác xã hội, phong trào phụ nữ mà còn là những người làm kinh tế giỏi, lan tỏa hình ảnh đẹp về người phụ nữ trong thời gian qua
Chị Bùi Thị Kim Liên luôn phát huy vai trò của người cán bộ gương mẫu, vừa làm tốt công tác chuyên môn, vừa làm kinh tế giỏi trong gia đình.

Chủ tịch Hội phụ nữ xã làm kinh tế giỏi

Là một tấm gương cán bộ tiêu biểu, chị Bùi Thị Kim Liên - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trạm Hành (TP Đà Lạt) không chỉ là người làm kinh tế giỏi mà còn có nhiều đóng góp trong công tác xã hội, lan tỏa hình ảnh đẹp về người phụ nữ trong thời gian qua.

Được tín nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trạm Hành từ năm 2009 đến nay, chị Liên có nhiều kinh nghiệm, sáng kiến gầy dựng và đẩy mạnh phong trào phụ nữ đi vào chiều sâu.

Gặp chị ngay lần đầu, ấn tượng về nữ cán bộ ở tuổi 50 là một người hoạt bát, hòa đồng. Đang tất bật tham gia chấm các tiêu chí nông thôn mới tại trụ sở UBND xã vào chiều cuối tuần, chị Liên vui vẻ chia sẻ: “Làm công tác Hội Phụ nữ ở cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Cái khó khăn trước mắt là làm sao để chị em tham gia sinh hoạt đầy đủ hay chuyện vận động mọi người tạo những quỹ dự phòng để giúp đỡ chị em khó khăn có số vốn làm ăn”. Những công việc như vậy, đối với chị nếu không có kinh nghiệm và tâm huyết, hiệu quả đạt được sẽ không cao. Thế nhưng, các kết quả đạt được trong công tác hội thời gian qua đã chứng minh cách làm của chị Liên được chính quyền xã, các đơn vị đánh giá cao.

Hơn 10 năm qua, chị được hội viên nhìn nhận là người luôn gần gũi, sâu sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của chị em, giúp đỡ được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật. “Khi thì giúp đỡ cho các chị em thiếu vốn làm ăn, khi thì vận động thực hiện các công trình chống dột, mái ấm tình thương, tặng học bổng, sổ tiết kiệm hay vận động bê tông hóa các tuyến hẻm. Tất cả đều nhờ sự tích góp của các chị em hội viên thông qua việc phát động thực hiện các mô hình tiết kiệm” - chị Liên kể.

Với lối sống giản dị và được mọi người yêu mến, tín nhiệm, chị đã nêu gương, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng. Chị nói: “Lúc đầu chị em chưa hiểu, có nhiều chị vận động rất khó vì họ bảo vào Hội mình được cái gì. Mình không thể bắt buộc chị em được, vì thế thông qua những lúc gặp nhau khi đi chợ, hay những lúc rảnh rỗi tôi đến thăm từng nhà rồi từ từ động viên để chị em hiểu và tự nguyện đăng ký vào Hội”.

Phương pháp vận động tuy đơn giản nhưng đã mang lại những kết quả thiết thực. Trong năm qua, con đường Tổ 2, thôn Trường Thọ là đường đất và dốc cao, lầy lội khiến việc vận chuyển hàng hóa của người dân rất khó khăn, bất tiện. Trước thực trạng trên, chị Liên đã vận động được 7 hộ gia đình hội viên phụ nữ được 48 triệu đồng. Riêng bản thân chị Liên đóng góp 70 triệu đồng để xây dựng tuyến đường dài 137 m với tổng giá trị là 118 triệu đồng.

Nói về nữ cán bộ đầy nhiệt huyết này, anh Trương Văn Thường - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngoài làm tốt công tác chuyên môn, chị Liên còn là người làm kinh tế giỏi của địa phương. Với số vốn ban đầu, hiện tại gia đình chị có 1,7 ha cà phê, 2.300 m2 nhà kính trồng hoa với tổng thu nhập hằng năm là hơn 300 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, bản thân chị là người điều hành và duy trì tốt các hoạt động của HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Trường Gia Phát, giải quyết việc làm cho gần 30 chị em hội viên. Đầu tháng 11 vừa qua, chị Liên vinh dự được UBND TP Đà Lạt khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, phong trào phòng, chống tội phạm và trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, mỹ quan đô thị trên địa bàn TP Đà Lạt.

Chi hội trưởng phụ nữ vươn lên thành “nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp tỉnh

Dù gặp nhiều khó khăn, vất vả, nhưng với quyết tâm thoát nghèo, chịu khó làm ăn, đến nay hội viên Hội Nông dân Hoàng Thị Phúc (thôn Liên Châu, xã Tân Châu, huyện Di Linh) đã có cơ ngơi khang trang, vươn lên làm giàu và trở thành “nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp tỉnh.

Mô hình gà đẻ trứng của chị Hoàng Thị Phúc mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 1990, gia đình chị Hoàng Thị Phúc vào Di Linh (Lâm Đồng) lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Những năm đầu ở vùng quê mới, vợ chồng chị Phúc và các con thơ gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Sau nhiều năm tích góp từ việc chăn nuôi heo và làm phụ hồ của chồng, với quyết tâm làm giàu, gia đình chị Phúc đã mua đất mở rộng diện tích canh tác cà phê với tổng diện tích 3,6 ha, cuộc sống từng bước được ổn định.

Xác định nếu chỉ độc canh cây cà phê thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thiếu bền vững, do đó chị Phúc đã kết hợp giữa trồng trọt với chăn nuôi nhằm nâng cao nguồn thu nhập cho gia đình. “Với định hướng kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, năm 2015, gia đình tôi quyết định bán 2,6 ha cà phê để có kinh phí đầu tư xây dựng chuồng trại, mua giống gà nuôi lấy trứng. Lúc đầu vì vốn còn hạn chế, nên gia đình tôi chỉ đầu tư nuôi 2.000 con. Sau hai năm, nhờ giá trứng gà trên thị trường ổn định, có thu nhập khá, năm 2017 tôi quyết định đầu tư kinh phí khoảng 1 tỷ đồng mở rộng chuồng trại để nuôi thêm 3.000 con và nâng tổng số đàn gà hiện nay lên 5.000 con. Thu nhập bình quân mỗi tháng 48 triệu đồng, nếu quy ra cả năm cũng tương đương 576 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí. Ngoài ra, hàng năm, gia đình còn có thêm nguồn thu 192 triệu đồng từ việc bán phân gà”, chị Hoàng Thị Phúc chia sẻ thêm.

Hiện nay, gia đình chị Phúc đang chuẩn bị mở rộng thêm diện tích chuồng trại để nâng tổng đàn gà hiện nay lên đến 6.000 con. Từ khi thực hiện mô hình kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi, vài năm trở lại đây thu nhập của gia đình chị Phúc đã được nâng lên đáng kể. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình chị Phúc có tổng thu nhập đạt từ 750 - 900 triệu đồng.

Kinh tế phát triển ổn định, vợ chồng chị Phúc đã có điều kiện chăm lo cho con cái học hành thành đạt.

Hiện nay, hai người con trai của anh chị đang hành nghề kiến trúc sư và dược sĩ, còn con gái út đang theo học đại học năm thứ nhất. Bên cạnh đó, gia đình chị Phúc đã đầu tư kinh phí xây dựng nhà cửa khá khang trang, mua sắm các nông cụ, máy móc để phục vụ sản xuất, chăn nuôi và các tiện nghi sinh hoạt gia đình.

Với vai trò là Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Liên Châu, ngoài chia sẻ kinh nghiệm, vận động hội viên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như: nuôi gà đẻ trứng, trồng dâu nuôi tằm, nuôi bò sữa... gia đình chị Phúc cũng đã giúp đỡ, hỗ trợ một số gia đình khó khăn về vốn không tính lãi để có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất; đồng thời tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 lao động tại địa phương.

Ông Tôn Thất Thành - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Châu nhận xét: “Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chị Phúc tích cực vận động gia đình hội viên chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy chế của địa phương; phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi với bà con trên địa bàn để cùng nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống và làm giàu”.

Chị Hoàng Thị Phúc vinh dự là một trong những hội viên Hội Nông dân huyện Di Linh được Hội Nông dân tỉnh biểu dương và nhận Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, giai đoạn 2013 - 2018.

baolamdong

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video