Lâm Đồng: những nữ Đảng viên dân tộc thiểu số dám nghĩ dám làm

03/02/2020
Nhắc tới huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng), người ta thường mường tượng đến vùng đất cao nguyên còn nhiều khó khăn và có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng, ở đó có những nữ Đảng viên trẻ năng động, đã và đang góp phần xây dựng, phát triển quê hương.
Chị Ka Gương (phải) chia sẻ với người dân địa phương

Kiên trì đoàn kết, tập hợp thanh niên dân tộc, tôn giáo

Chị Ma Chương (sinh năm 1986, dân tộc K'Ho) - Bí thư Đoàn xã Ka Đơn (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) - là 1 trong số 5 thanh niên Lâm Đồng được Trung ương Đoàn tuyên dương trong Ngày hội Tuổi trẻ các dân tộc Tây Nguyên. 

Sau khi tốt nghiệp ngành Công tác xã hội, Đại học Đà Lạt, Ma Chương quyết định về quê. Chị được vào công tác tại Ủy ban Nhân dân xã Ka Đơn, gắn bó với công tác Đoàn thanh niên từ đó. Năm 2013, Ma Chương vinh dự được kết nạp Đảng, đến năm 2015, chị được bầu là Bí thư Đoàn thanh niên xã Ka Đơn. Là người dân tộc thiểu số nên Ma Chương hiểu được rằng lực lượng thanh niên thiểu số, thanh niên tôn giáo đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của địa phương. Chị quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp đoàn kết, tập hợp thanh niên dân tộc, tôn giáo; Tăng cường tuyên truyền các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền, vận động thanh niên nâng cao tinh thần yêu nước. 

Đảng viên Ma Chương

Thời gian đầu về công tác tại địa phương, cô gái trẻ Ma Chương đã vấp phải nhiều khó khăn. Trước hết, Ka Đơn là một xã vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 54% số dân, thanh niên theo nhiều tôn giáo khác nhau như Công giáo, Phật giáo và một số ít theo đạo Tin Lành. Bên cạnh đó, bản thân Ma Chương khi ấy chưa có nhiều kinh nghiệm nên cách xử lý công việc chưa linh hoạt. Nhớ lại thời điểm đó, Ma Chương kể: "Khó khăn ban đầu thì nhiều lắm, lực lượng thanh niên trong xã lúc đó lại không ham tham gia hoạt động của địa phương hay hoạt động đoàn. Thế nhưng, kiên trì mãi rồi mình cũng thuyết phục được các bạn".

Để kết nối được người dân, các thanh niên địa phương, chị đã có nhiều cách làm hay và hiệu quả trong suốt những năm qua. Biết rằng thanh niên địa phương chủ yếu làm nông, chị đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức những lớp tập huấn thiết thực như chuyển giao khoa học kỹ thuật về vật nuôi, cây trồng, phân bón, thuốc trừ sâu... cho gần 300 đoàn viên, thanh niên tham gia học tập và áp dụng vào sản xuất. Các buổi sinh hoạt định kỳ được chuyển xuống buổi tối, để các đoàn viên tranh thủ thời gian tham gia, vì ban ngày thanh niên thường bận đi học, đi làm phụ giúp gia đình…

Bằng các cách làm hay, Ma Chương đã tạo được nhiều hoạt động cho thanh niên trong vùng. Thông qua các hoạt động phong trào đó đã xuất hiện những gương thanh niên dân tộc, thanh niên tôn giáo tiêu biểu trong công tác Đoàn, Hội tham gia phát triển kinh tế, học tập, tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Nổi bật trong đó là các hoạt động tình nguyện, các hoạt động Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới, làm đường, nạo vét kênh mương tại các thôn.

Nữ Trưởng thôn mạnh dạn bỏ hủ tục

Cũng ở xã Ka Đơn, đảng viên Ka Gương (sinh năm 1990), Trưởng thôn Ka Rái 2, là 1 trong số 2 nữ trưởng thôn trẻ tuổi nhất xã có đông người dân tộc thiểu số.

Là người dân tộc Cil sinh ra và lớn lên ở đây, hơn ai hết, chị Ka Gương hiểu rõ những suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của bà con nơi đây. Trước khi đảm nhận vai trò trưởng thôn, chị đã tham gia công tác trong Chi hội Phụ nữ thôn. Vậy nên, Ka Gương đã quen với việc buổi tối đến từng nhà người dân để tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con. Chị thân thiết với từng nhà như bà con ruột thịt.

Khi Nhà nước vận động thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chị lại mạnh dạn đi tiên phong đầu tư hệ thống tưới phun tự động cho 4 sào đất trồng rau màu của mình. "Công bỏ ra ít nhưng hiệu quả kinh tế lại tăng lên, cây trồng tốt tươi hơn trước. Bà con thấy vậy mới dám làm theo chứ", chị cười nói.

Ka Gương cũng hiểu cuộc sống của những ngày xưa đã khốn khó vì những hủ tục lạc hậu, vì sự trông chờ, ỷ lại của bà con vào Nhà nước như thế nào. Thế nên, chị quyết tâm thay đổi - trước tiên là ở gia đình mình ngay từ khi còn rất trẻ. Cách đây hơn 10 năm, khi hủ tục thách cưới vẫn còn nặng nề trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cô gái Ka Gương 20 tuổi cùng "người thương" của mình đã quyết tâm bỏ qua phong tục ăn sâu bao đời nay trong đời sống của người Cil để bắt đầu xây dựng cuộc sống gia đình mà không sợ mang điều tiếng.

Già làng Ha Nhang của thôn Ka Rái 2 nhận xét: "Ka Gương dù còn trẻ tuổi nhưng làm việc gì cũng biết hỏi ý kiến của những người lớn tuổi, giải quyết việc gì cũng đúng, nên được bà con yêu quý và tin tưởng. Nhờ vậy mà các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được tuyên truyền đến bà con thuận lợi hơn".

Năm 2018, thôn Ka Rái 2 được xã Ka Đơn chọn thực hiện mô hình Khu dân cư kiểu mẫu và lồng ghép triển khai các mô hình tự quản về giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và an toàn giao thông. Những con đường liên xóm khang trang trong thôn Ka Rái 2 nay được trồng đầy hoa mười giờ rực rỡ. Thôn còn tổ chức trồng được 140 cây xanh dọc tuyến đường nội thôn và ra quân trồng hoa trên tuyến đường dài trên 400m. Người dân đóng góp với Nhà nước làm đường giao thông nông thôn với tổng số tiền 84 triệu đồng. Trong thành quả đó có phần công sức của nữ trưởng thôn năng nổ Ka Gương.

 

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video