Lâm Đồng: Triển khai nhiều mô hình phù hợp với địa phương giúp chị em phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo

10/06/2022
- Phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số với mô hình trồng rau rừng
- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng với mô hình “Trồng rau hoa công nghệ cao” cho giá trị kinh tế cao
Chị Điểu Thị Réo bên vườn rau Nhíp

- Phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số với mô hình trồng rau rừng

Đời sống của bà con đồng bào dân tộc xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng luôn gắn liền với rừng từ bao đời nay, thế nên, trong mỗi bữa cơm hàng ngày không thể thiếu các loại rau rừng, trong đó phải kể đến nhiều nhất đó là rau lá Nhíp (hay còn gọi là lá bép), một loại cây rau thường mọc trong tự nhiên.

Vài năm gần đây, cây hồ tiêu, cây điều trên địa bàn huyện Cát Tiên thường mất mùa, rớt giá, sâu bệnh phá hoại nên cuộc sống của bà con nơi đây gặp không ít khó khăn, trong khi đó rau lá Nhíp lại được rất nhiều người ưa thích, thương lái địa phương tìm mua loại rau rừng này ngày càng nhiều để cung ứng cho các nhà hàng dùng để chế biến làm các món ăn đặc sản. Vì vậy, thu nhập từ lá Nhíp đã giúp một số hộ dân, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số ổn định hơn trong cuộc sống.

Thấy vậy, vào năm 2018 Hội LHPN xã Đồng Nai Thượng đã phát động xây dựng mô hình “Trồng lá nhíp dưới tán điều” để triển khai cho các hội viên, phụ nữ trong xã, nhất là chị em đồng bào dân tộc thiểu số học tập và làm theo, ban đầu có 12 thành viên, đến nay đã thu hút được 20 thành viên tham gia.

Mô hình rau Nhíp tại thôn Bi Nao, xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên

Điển hình là chị Điểu Thị Réo, dân tộc Châu Mạ, thôn Bi Nao, năm 2019 đã mạnh dạn vào rừng lấy cây về bắt đầu nhân giống trồng xen cây lá Nhíp trong rẫy điều của gia đình, vừa có nguồn rau sạch để ăn, vừa có thêm thu nhập từ việc bán rau. Quá trình trồng xen dưới tán điều, cây phát triển tươi tốt, sau 1 năm, 2 sào rau lá Nhíp đã cho thu hoạch trên 500kg, với giá bán từ 45 – 50 nghìn đồng/kg tùy theo thời điểm. Do đó, mỗi năm gia đình chị Réo có thêm thu nhập gần 20 triệu đồng trên cùng diện tích sản xuất.

Không riêng gì hộ gia đình chị Réo, hiện nay đã có hàng chục hộ gia đình ở xã Đồng Nai Thượng thấy rõ lợi ích của việc trồng cây rau Nhíp dưới tán cây điều vừa dễ làm, không vất vả như các loại rau khác, ít sâu bệnh, không thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu chỉ tưới nước, vốn đầu tư ít, lại có thu nhập khá, không ảnh hưởng tới năng suất của cây điều. Việc đưa cây rau lá Nhíp vào trồng theo hướng thương phẩm không chỉ giúp tăng thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống cho hàng chục hộ dân mà còn mở ra hướng đi mới cho đông đảo bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn trong việc mở rộng sản xuất theo mô hình vườn đa tầng kết hợp giữa cây lâu năm và cây hàng năm, tạo tính ổn định, bền vững trong sản xuất nông nghiệp; góp phần thực hiện hiệu quả CVĐ “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, chương trình xây dựng NTM ở địa phương.

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng với mô hình “Trồng rau hoa công nghệ cao” cho giá trị kinh tế cao

Trong những năm qua, giá cà phê, nông sản xuống thấp, giá thực phẩm, phân bón cao khiến cho đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, phần nào ảnh hưởng đến hoạt động phong trào Hội. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Hội LHPN xã Nam Hà luôn sâu sát các chi hội, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên và vận động cán bộ hội viên học hỏi kinh nghiệm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình.

Mô hình “Rau hoa công nghệ cao”

Qua triển khai của Hội về chuyển đổi giống cây trồng cho năng suất chất lượng cao, nguồn thu nhập ổn định, một số hộ gia đình đã phá bỏ cà phê để trồng các cây ngắn ngày như rau, hoa để có nguồn thu nhập ổn định. Bước đầu các hộ chỉ dám trồng các loại hoa ngắn ngày và dễ chăm sóc, sau 2 đến 3 tháng cho thu hoạch thấy lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng cà phê, vì thế nhiều chị em đã học hỏi kinh nghiệm và cũng sẵn sàng làm theo. Nắm được nhu cầu đó, Hội LHPN xã đã khảo sát và vận động thành lập mô hình “Trồng rau hoa công nghệ cao” tại thôn Nam Hà với 15 thành viên tham gia và được hỗ trợ vay vốn số tiền 95 triệu đồng từ nguồn vốn xoay vòng do Trung tâm Nông nghiệp chủ trì. Từ mô hình của chi hội thôn Nam Hà, Hội LHPN xã đã nhân rộng, xây dựng thêm mô hình tổ liên kết trồng rau hoa công nghệ cao thôn Hai Bà Trưng và cũng được hỗ trợ vay vốn với số tiền 150 triệu.

Từ khi thành lập và ra mắt, các hộ gia đình hội viên đã học hỏi, nghiên cứu trồng thành công các loại rau, hoa mà thị hiếu người tiêu dùng ưa chuộng, tiếp đó lựa chọn giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng từng địa hình. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Liên, chị Nguyễn Thị Tâm... từ khi tham gia vào tổ trồng rau, hoa đời sống kinh tế gia đình các chị ngày một khấm khá, sau khi trừ chi phí, mỗi năm thu về 100 triệu tiền lãi.

Trao phương tiện sinh kế cho hội viên nghèo

Bên cạnh đó, việc xây dựng tổ tiết kiệm “5 giúp 1, 10 giúp 1” đã được Ban thường trực Hội rất chú trọng, thường xuyên chỉ đạo các chi hội nhân rộng thêm mô hình này để giúp chị em có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất thấp. Đến nay tổng số tiền huy động tiết kiệm là 765 triệu đồng giúp cho 75 chị vay. Ngoài ra, Hội còn xây dựng quỹ học tập và làm theo lời Bác được 130 triệu cho 13 chị vay không tính lãi; xây dựng kế hoạch thu nộp quỹ sinh kế để giúp cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình, tổng số tiền thu được là 9 triệu đồng, trao cho 3 chị để mua con giống; phối hơp Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT nhận ủy thác vốn vay thông qua tổ Tiết kiệm và vay vốn, đến nay, dư nợ do Hội LHPN xã quản lý gần 40tỷ đồng, giúp cho 427 chị vay.

Bích Hồng; Hội LHPN huyện Lâm Hà

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video