Làm gì khi bé yêu văng tục?

06/12/2010
Tan giờ làm, chị Lan vội vàng phóng xe đến trường đón con. Đến nơi, chị đã nhìn thấy bóng dáng quen thuộc của cu Minh đứng với nhóm bạn vừa tan học. Chưa kịp dừng xe, chị choáng váng khi nghe thằng con trai chị lớn tiếng chửi bạn bằng những lời lẽ rất tục tĩu. Nhìn thấy mẹ, thằng Minh cười tỉnh bơ như không! Lặng người đi, chị tự hỏi: không biết thằng con quý tử của mình học ở đâu ra cái thứ ngôn ngữ “đầu đường xó chợ” như vậy?

 Tại sao con nói bậy chửi thề?

 

Từ hôm đó trở đi, chị Lan kín đáo quan sát con trai và chợt nhận ra rằng, hóa ra Minh văng tục cực kỳ tự nhiên. Khi bị cu Bi – cậu em trai mới tuổi rưỡi giành đồ chơi, Minh cũng lớn tiếng chửi bậy. Hay khi chơi đùa với trẻ con hàng xóm, cậu cũng liên mồm văng tục. Điều đáng nói là, hầu như lũ trẻ hàng xóm đứa nào cũng có thói quen văng tục!

 

Rối trí, chị Lan tìm đến các chuyên gia tâm lý và được giải thích rằng: Có rất nhiều nguyên nhân để trẻ nói bậy, nhưng chủ yếu trẻ nhỏ thường chửi thề văng tục vì chúng đang khám phá ngôn ngữ. Chúng có thể thử nghiệm một từ mới, có lẽ để hiểu ý nghĩa của nó. Bé thường bắt chước từ mới rất nhanh và sẽ tìm thời điểm để sử dụng chúng, đôi khi còn chưa kịp hiểu ý nghĩa của những từ đó là gì. Và khi gặp phải sự phản ứng gay gắt của người lớn, bé càng ghi nhớ những từ ngữ đó và sẽ tranh thủ dùng chúng khi cáu hoặc buồn bực, giận dỗi hoặc đơn giản chỉ để chứng tỏ sự độc lập của mình.

 

Một nguyên nhân nữa là, trẻ bắt chước rất giỏi. Nếu sống trong một môi trường có nhiều người nói bậy hay thường xuyên xem những phim ảnh có nhiều lời thoại tục tĩu, trẻ sẽ học rất nhanh.

 

Con nói bậy – cha mẹ xử trí thế nào?

 

Thông thường, cha mẹ sẽ có cảm giác bị sốc khi lần đầu tiên nghe trẻ văng tục. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu cha mẹ có các phản ứng tiêu cực như cáu gắt, đánh mắng… sẽ khiến trẻ lặp đi lặp lại những từ ngữ xấu này. Trong trường hợp này, sự trầm tĩnh sẽ mang lại hiệu ứng tốt hơn. Cụ thể là cha mẹ có thể “lờ tịt đi từ đó hoàn toàn”, không nói chuyện, không nhìn. Nếu con bạn tiếp tục văng tục, hãy chọn thời điểm thích hợp biểu lộ cho trẻ thấy cảm giác của bạn đối với những lời như thế và đặt ra những giới hạn đối với trẻ. Hãy nói cho trẻ hiểu tại sao người ta lại văng tục, những từ lóng ấy mang ý nghĩa gì và giải thích tại sao bố mẹ không thể chấp nhận con cái sử dụng những loại ngôn ngữ như thế. Tăng cường biện pháp kỷ luật nghiêm khắc nếu trẻ vẫn tái phạm.

 

Trong thực tế, cha mẹ nên cố gắng quan sát, để ý vì sao con nói bậy, từ đó có thể sẽ đưa ra được những cách xử lý hợp lý. Chẳng hạn, nếu trẻ nói bậy chỉ vì tức giận, bạn có thể dạy con mình rằng cảm giác đó là chấp nhận được. Nhưng sẽ tốt hơn nếu con thể hiện cảm xúc bằng cách sử dụng những từ ngữ đúng thích hợp hơn hoặc bỏ qua điều/người khiến con tức giận. Hãy dành thời gian tâm tình với trẻ để dần dần tìm ra vấn đề là gì. Chỉ bảo cho con cách phù hợp để kiềm chế cơn giận và sự buồn bực. Có thể cùng con tập đếm từ 1 đến 10, hít thở sâu hoặc cùng nói về cảm giác tức giận của con.

 

Thực ra, ứng xử trước việc con nói bậy không hoàn toàn khó như bạn tưởng. Bạn hãy giải thích để con hiểu vì sao chúng không được phép văng tục. Lưu ý cách nói nhẹ nhàng, tự nhiên nhưng kiên quyết rất có ý nghĩa tác động đến thái độ của trẻ. Sau đó, hãy thường xuyên chú ý tới cách con bạn nói chuyện, để chắc chắn chúng không con nói tục nữa. Khi thấy trẻ biểu lộ sự tức giận theo một cách thích hợp, đứng quên ghi nhận điều đó. Bạn có thể khen trẻ rằng, “cách phản ứng của con với sự tức giận như vậy mới ra dáng người trưởng thành, con trai ạ” – tất nhiên, chớ nói điều này khi con bạn đang tức giận.

 

Bạn cũng nên nhớ một điều rằng, để bé không nói tục, cách tốt nhất là bố mẹ và người lớn trong nhà phải gương mẫu. Một khi bé nghe được từ miệng bạn những lời bậy bạ, khi lớn lên bé sẽ bắt chước và sẽ truyền lại thói quen này cho con mình!!!

Khánh Vi

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video