Làm giàu từ đôi bàn tay

08/09/2006
Có những lúc tưởng chừng như cái nghèo khó, túng quẫn cứ bám riết lấy cuộc đời chị Nguyễn Thị Hiệp, hội viên công giáo Chi hội 1, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Thế nhưng, với bản tính năng động, dám nghĩ, dám làm, cùng với sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ, cuộc đời chị đã bước sang trang mới

Mồ côi cha mẹ từ thuở lọt lòng, cuộc đời chị vất vả ngay từ tấm bé. Năm 1997, chị lập gia đình, dù đã xoay xở hết cách song nghèo khó vẫn chồng chất. Năm 2001, với 3 triệu đồng vốn do Hội Phụ nữ xã cho vay, chị quyết định sản xuất kem que. Sau hàng loạt thất bại, cuối cùng chị cũng đã thành công, cơ sở sản xuất kem que của chị đã tạo công ăn việc làm cho 20-25 lao động với mức thu nhập bình quân từ 600-750 ngàn đồng/tháng.

 

Năng động, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, năm 2003, khi thấy sản xuất kem không còn là thế mạnh, chị quyết tâm phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại. Sau khi học tập kinh nghiệm ở nhiều mô hình chăn nuôi có uy tín trong và ngoài tỉnh, chị bắt tay vào xây dựng chuồng trại. Là người chăm chỉ lao động, lại ham học hỏi, tích cực tham gia các lớp tập huấn các tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, trồng trọt, cùng vốn kiến thức tích luỹ qua thực tế nên trang trại của chị ít khi bị dịch bệnh. Sau 2 năm, từ chỗ đất mượn (của xã), vốn vay (cùng với sự trợ giúp của gia đình và bạn bè), đến nay, trang trại chăn nuôi của chị Hiệp luôn duy trì trung bình từ 800-1000 lợn thịt, 12.000 con gà thịt, 200 con dê, 50 con bò…, tổng thu nhập đạt từ 400-500 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 15-20 lao động với mức lương 900.000 đồng/tháng.

 

Tích cực làm giàu nhưng chị Hiệp vẫn không hề lơi là việc chăm sóc gia đình, thực hiện tốt vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình. Năm 2004, chồng chị đột nhiên mắc bệnh hiểm nghèo, đi lại khó khăn, trí nhớ giảm sút, gánh nặng lại chồng chất lên hai vai. Một mình chị vừa làm kinh tế, vừa chăm sóc chồng, dạy dỗ con cái, đảm đang thu vén việc nhà. Các con chị đều chăm ngoan, học giỏi và lần lượt theo nhau vào Đại học, riêng cháu út đang là sinh viên cao đẳng sư phạm.

 

Không chỉ chăm lo cho riêng gia đình mình, chị Hiệp còn luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, giữ gìn tổ ấm hạnh phúc của mình cho nhiều chị em trong thôn, xã. Ngoài ra, chị còn tích cực tuyên truyền, vận động phụ nữ giáo dân thực hiện công tác dân số kế hoạch hoá gia đình, xây dựng gia đình văn hoá; giúp vốn không lấy lãi cho nhiều hộ bằng cách đầu tư ứng trước thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm; tham gia nhiều hoạt động từ thiện hàng triệu đồng…

Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video