Làm nghề may cần miệt mài

05/05/2012
“Nghề may khá tiện lợi với chị em phụ nữ. Chỉ cần bỏ ra khoảng 20 triệu đồng để sắm máy may, máy vắt sổ... là có thể ổn định cuộc sống” – đó là khẳng định của chị Đào Thị Huệ, tổ 20 phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội. Hiện chị Huệ là nhóm trưởng của 3 gia đình nhận hàng chợ, hàng shop (hàng cao cấp) về may gia công tại nhà.

Chị Huệ cho biết, để có thể nhận hàng về nhà làm, người đó phải có tay nghề may tương đối chuyên nghiệp. Cách đây 15 năm, chị Huệ vào làm công nhân ở Công ty may Đức Giang, được 7 năm thì chị lấy chồng và sinh con. Con nhỏ, tiền lương ít ỏi nên vợ chồng chị không thể thuê người giúp việc, thời gian đi làm ở công ty may kéo dài từ 7h30 sáng đến 8h tối hàng ngày khiến vợ chồng chị luôn căng thẳng việc đưa đón con đến lớp và chăm sóc con lúc ốm đau. Vì thế chị phải nghỉ làm ở nhà.

Năm 2009, sau khi tham khảo một số chị em ở công ty cũ, chị Huệ quyết định mua máy may, máy vắt sổ và nhận hàng may gia công về làm. Đồng thời chị rủ thêm 2 chị là người hàng xóm cùng tham gia, mỗi người một công đoạn may như: người may cổ, các ly trước, ly sau, nẹp áo; người chuyên phần tay, gấu áo, gấu quần... Với sự phối hợp các công đoạn may khá nhuần nhuyễn nên các sản phẩm may đều hoàn thành khá nhanh.

Khác với người mở cửa hiệu cắt may, đòi hỏi người may phải có kỹ thuật cao, nhạy cảm với các loại mẫu mã và thị trường thì người nhận may hàng gia công tại nhà đơn giản hơn, chỉ nhận sản phẩm về may đúng theo mẫu. Tuy nhiên, theo chị Huệ, dù may hàng gia công hay hàng shop thì cũng đều phải có uy tín, có tâm với nghề, miệt mài. Vì nếu may đẹp, chủ sẽ giao thêm nhiều hàng hoặc những loại hàng có công cao hơn cho mình. Ví dụ, may mỗi sản phẩm hàng shop, được trả công 40.000đ/cái áo, còn nhận hàng gia công thì 20.000đ/cái. Nếu nhận hàng shop phải may rất cẩn thận, khi giao hàng, chủ hiệu phải kiểm tra từng đường kim, mũi chỉ rất kĩ lưỡng. Một ngày trung bình nhóm chị Huệ cũng kiếm khoảng 100.000đ/ người, tương đương khoảng 3 triệu đồng/ tháng.

Chị Huệ cho biết, cái được của người làm may tại nhà là vẫn có thể tranh thủ đưa, đón con đi học, chăm sóc con cái và làm nội trợ mỗi ngày. Lúc nào có thời gian lại ngồi vào máy may, kể cả buổi tối. Chị Huệ mong muốn, thời gian tới, nếu tích góp được nguồn vốn khoảng 100 triệu đồng, chị sẽ mở xưởng may nho nhỏ với khoảng 10 máy may để tăng thu nhập của gia đình.

Theo Phụ nữ Việt Nam (PH)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video