Làm rõ vai trò Hội LHPN Việt Nam quy định trong Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

06/05/2022
Tại hội thảo góp ý Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), các đại biểu tập trung thảo luận 5 nội dung chính; trong đó nêu rõ Quy định về nguyên tắc lấy người bị bạo lực là trung tâm để xây dựng các quy định, bảo vệ người bị bạo lực.
Các lãnh đạo chủ trì Hội nghị Góp ý kiến Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Ảnh HH

Sáng nay (6/5), Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, TƯ Hội LHPN Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp tổ chức Hội nghị Góp ý kiến Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), tại tỉnh Ninh Bình.

Chủ trì hội nghị gồm Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy và có sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình và các cơ quan ban ngành ở Trung ương và địa phương Ninh Bình.

Phát biểu tại hội nghị, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đang trong quá trình tiếp thu, sửa đổi và trình các cơ quan thẩm quyền, xem xét, thẩm định trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 tới.

Theo bà Trịnh Thị Thủy, trên cơ sở tổng kết 14 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và tiếp thu các ý kiến góp ý, Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung với 6 chương, 62 điều, tăng 6 điều so với luật hiện hành.

Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phát biểu. Ảnh HH

Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, công tác phòng chống bạo lực gia đình có vai trò rất lớn từ các cơ quan, ngành ở địa phương, đặc biệt là những đối tượng phụ nữ. Tại Hội nghị lần này tập trung lấy ý kiến từ các bộ, ban ngành, đơn vị, đặc biệt là Hội LHPN Việt Nam và cấp Hội phụ nữ ở địa phương trong phòng chống bạo lực gia đình, đảm bảo bình đẳng giới. Trong đó nhấn mạnh tới các điều 28, điêu 59, điều 60 của Dự thảo Luật có liên quan tới vai trò của các cấp Hội như xác minh tin báo, trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam, việc phối hợp liên ngành trong phòng chống bạo lực gia đình…

 

Theo kết quả điều tra quốc gia công bố năm 2020, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý, có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.

Vấn nạn BLGĐ có xu hướng trầm trọng, đa dạng, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả nặng nề cho nhiều gia đình, gây ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến vào 5 nội dung chính của Dự thảo Luật, cụ thể như: Quy định về nguyên tắc lấy người bị bạo lực là trung tâm để xây dựng các quy định, bảo vệ người bị bạo lực; Thảo luận, đề xuất, bổ sung về các hành vi bạo lực gia đình; Quy định về hòa giải trong phòng chống bạo lực gia đình, trong đó sửa Dự thảo Luật theo nguyên tắc hòa giải trước – trong – sau khi bạo lực xảy ra. Việc trao quyền cho người bị bạo lực được lựa chọn chỗ ở, trong thời gian cấm tiếp xúc. Đặc biệt là đề xuất, bổ sung các chế tài xử lý hành vi bạo lực gia đình.

Bà Lại Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Ninh Bình, tham luận tại hội nghị. Ảnh HH

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong thời gian tới, bà Lại Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Ninh Bình, đề xuất: Cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy Đảng đối với việc thực hiện pháp luật về PCBLGĐ. Cần coi trọng công tác phòng ngừa BLGĐ và lấy phòng ngừa là chính.

Góp ý vào Dự thảo Luật, theo bà Lại Thị Thanh Tâm, về hành vi bạo lực gia đình (Điều 4), Khoản 1, Điều 4 Dự thảo Luật quy định 16 hành vi bạo lực gia đình, trong đó có nhiều hành vi được quy định mới như hành vi xâm hại tình dục trẻ em, hành vi phát tán hình ảnh, tài liệu, thông tin riêng tư của thành viên gia đình; hành vi phân biệt giới tính, định kiến giới…Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy định mở để nhận diện rõ hơn những hành vi bạo lực gia đình trên thực tế mà chưa thể mô tả đầy đủ trong dự thảo.

Toàn cảnh hội nghị

Khoản 2, Điều 4 Dự thảo quy định phạm vi thực hiện hành vi bạo lực gia đình mở rộng đến cả những trường hợp đã ly hôn, trường hợp sống chung với nhau như vợ chồng, người đã từng có mối quan hệ cha, mẹ, con. Tuy nhiên, đề nghị cần bổ sung mở rộng đối tượng bạo lực gia đình là người đã từng sống chung với nhau như vợ chồng, từng có có quan hệ nuôi dưỡng, ...

Về trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam (Điều 59), đại diện Hội LHPN tỉnh Ninh Bình đề nghị nên quy định trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam với vai trò, trách nhiệm "phối hợp" thực hiện công tác tổng hợp, báo cáo thống kê về phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực gia đình; cung cấp thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình cho MTTQ Việt Nam cùng cấp. Vì công tác thống kê, báo cáo số liệu về phòng chống bạo lực gia đình đã và đang được ngành Văn hóa chủ trì thực hiện, trong biểu mẫu có phân tích giới, độ tuổi, tránh bị trùng lắp, chồng chéo nhiệm vụ của 2 ngành.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp trong việc giám sát việc thực hiện pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình; quyết định chủ trương, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo kết quả điều tra về BLGĐ năm 2019 do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện, có 69% trẻ em cho biết đã từng bị bố mẹ xử phạt bằng hình thức bạo lực;

Có 31,6% cha mẹ thừa nhận họ đã xử phạt con bằng hình thức trên.

Ngoài ra, trẻ em cũng là nhóm xã hội có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục trong gia đình. Theo đó, trong số trẻ bị xâm hại tình dục có tới 21,3% bị chính người thân trong gia đình xâm hại.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video