Làm sao mỗi năm cứu được 2.000 trẻ khỏi HIV?

30/12/2010
Cứ mỗi một năm trôi qua, những con số thống kê về những nạn nhân của căn bệnh thế kỷ lại thêm nhức nhối: Tại VN, tỉ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ có thai đã tăng từ 0,03% năm 1995 lên 0,4% hiện nay. Như vậy, mỗi năm có khoảng gần 6-7 nghìn phụ nữ mang thai nhiễm HIV.

Nếu không có các biện pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm mẹ-con (DPLNMC) - sẽ có khoảng trên 2.000 trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ. Bộ Y tế đặt ra đích năm 2015 sẽ không còn tình trạng lây nhiễm HIV mẹ-con. Đây sẽ thực sự là một thách thức, bởi bất chấp những nỗ lực của chương trình DPLNMC đang đã có mặt ở 63/63 tỉnh/TP, số trẻ dưới 13 tuổi nhiễm HIV vẫn ngày càng gia tăng. 

Hy vọng từ tuyệt vọng

Không ít người vẫn nghĩ người mẹ nhiễm HIV thì sinh con chắc chắn sẽ không tránh được bị lây. Nhưng thực tế, 100 bà mẹ nhiễm HIV, có thể có tới 64 bé, thậm chí tới 95 – 100 bé không bị nhiễm bệnh từ mẹ, nếu mẹ được điều trị dự phòng trong khi mang thai, sinh đẻ và nuôi con theo hướng dẫn.  Điều này đang thực sự đem hy vọng cho nhiều gia đình có người nhiễm HIV ở Điện Biên – nơi đang phải đương đầu với “cơn bão” HIV.

Chị Mai (ở xã Long An, huyện Long Ứng, TP Điện Biên) chờ đợi đến ngày đứa con chào đời trong hi vọng mong manh. Đứa con như động lực khao khát sống của hai vợ chồng cùng nhiễm HIV. Bác sĩ (BS) dặn chị không được cho con bú. Ngoài cho con uống sữa dinh dưỡng được hỗ trợ, hàng ngày, chị chắt thêm nước cơm cho con uống. Bé được 6 tháng, chị hết bón cháo lại chuyển sang nhai cơm nát cho con. Mười tám tháng chờ đợi để làm xét nghiệm dài dằng dặc. Những lúc con ho sốt, chị lại nghĩ sợ hai chữ “dương tính”… Cầm trên tay phiếu xét nghiệm bé Hoa có kết quả  âm tính với HIV, chị trào nước mắt, mấy ngày chỉ ngắm nghía tờ giấy xét nghiệm cười một mình. Chị Mai là 1 trong 5 trường hợp bà mẹ nhiễm HIV được điều trị DPLNMC và con sinh ra đã có kết quả âm tính với HIV ở nhóm Hoa Hướng Dương, TP Điện Biên.

Cũng như chị Mai, cách đây 2 tháng, chị Lò Thị Ngân (ở thị xã Mường Lay) cũng vừa được biết kết quả xét nghiệm âm tính của đứa con trai duy nhất 2 tuổi của mình. Chồng chị đã mất vì AIDS, nhưng con chị đã được cứu  thoát khỏi bàn tay tử thần, mà dường như chị Ngân cũng như được sống lại. Từ đó trở đi, như BS Lò Thị Tố Khuyên, phụ trách phòng khám VCT (BV đa khoa Điện Biên) cho biết: Chị Ngân tuân thủ điều trị và uống thuốc rất đúng lời BS dặn, bởi chị biết mình phải sống và khoẻ mạnh để nuôi con trưởng thành.

Vẫn chỉ là muối bỏ biển

Với tỉ lệ nhiễm là 0,61% dân số, Điện Biên đang dẫn đầu danh sách 10 tỉnh có tỉ lệ nhiễm HIV cao hơn 0,3% dân. Dịch HIV/AIDS ở đây vẫn đang trong giai đoạn bùng phát mạnh, số người nhiễm HIV đang gia tăng rất nhanh, đặc biệt từ năm 2005 trở lại đây. Theo BS Vũ Hải Hùng, PGĐ Trung tâm phòng chống AIDS Điện Biên, tỉ lệ phụ nữ mang thai ở Điện Biên cao gấp 7,5 lần mặt bằng toàn quốc. So với ước tính 180 thai phụ nhiễm HIV, con số 38 bà mẹ được điều trị DPLNMC còn quá nhỏ nhoi.

Theo bác sĩ Lò Thị Tố Khuyên, cán bộ Trung tâm phòng chống AIDS Điện Biên, các bà mẹ ở Điện Biên còn rất nhiều khó khăn để tiếp cận với chương trình DPLNMC. Năm 2015 là thời điểm thế giới và Bộ Y tế VN phấn đấu không còn lây truyền HIV từ mẹ sang con nhưng dấu mốc này rất khó khả thi ở Điện Biên.

Riêng 6 tháng đầu năm nay, có 17 phụ nữ HIV mang thai được phát hiện, nhưng chỉ có 12 bệnh nhân đăng ký điều trị DPLNMC, mặc dù họ sẽ được uống thuốc dự phòng, được tư vấn và cung cấp sữa nuôi con miễn phí tới khi con được 6 tháng tuổi. Người dân ở các nơi xa như huyện Mường Nhé, có thể phải đi hơn 100 cây số mới đến được nơi cung cấp dịch vụ. Đường đi khó, bụng mang dạ chửa, không phải ai cũng có đủ tiền và nghị lực để đi, dù họ có thể đã phần nào được nghe và hiểu về việc có thể tránh lây cho con. Hơn nữa, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số còn duy trì tập quán đẻ tại nhà. Tỉ lệ lây HIV trong quá trình chuyển dạ về lý thuyết là khoảng 17%, nhưng với tập quán sinh tại nhà, điều kiện vệ sinh, vô trùng còn hạn chế, không loại trừ tỉ lệ lây trên thực tế ở Điện Biên cao hơn.

Hầu hết các bà mẹ khi đã tham gia DPLNMC đều uống thuốc theo đúng chỉ định. Có 28 cháu đã được sinh sau khi can thiệp, nhưng do một số đã mất ngay sau sinh hoặc gia đình không đồng ý, nên hiện chỉ còn 18 cháu được cấp sữa. Tuy nhiên, thực hiện yêu cầu cho con ăn hoàn toàn sữa được chương trình cung cấp thì khó hơn. Điều kiện sống của người dân ở các vùng núi, không dễ để nửa đêm trời lạnh họ dậy đun nước pha sữa, nên đã có những người vẫn cho con bú và do đó, sẽ có những cháu bé bị lây trong giai đoạn này.

Vẫn có bác sĩ không thuộc phác đồ, bỏ sót DPLNMC cho bà mẹ HIV. Trong 10 năm qua, tỉ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV tại các BV phụ sản đang tăng nhanh:  Từ 0,21% đến 0,55% ở BV Phụ sản TƯ; từ 0,22% lên 0,84% tại BV Hùng Vương (TPHCM). Lý do là dịch HIV/AIDS vẫn đang âm ỉ phát triển và tập trung vào những nhóm nguy cơ thấp mà phụ nữ mang thai là nhóm bị ảnh hưởng chính. Ngoài ra, việc mở rộng chương trình sàng lọc HIV miễn phí cho các thai phụ và nhận thức của người dân về HIV/AIDS ngày càng nâng cao. Do đó, ngày càng phát hiện được nhiều thai phụ nhiễm HIV. Các can thiệp DPLNMC đã có những kết quả đáng mừng, 80-90% thai phụ HIV được dự phòng lây nhiễm, 99% trẻ sinh từ bà mẹ HIV được điều trị và dùng sữa thay thế. Tuy nhiên, khi tính trung bình từ 7 BV Sản khoa TƯ, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Thái Bình, Nam Định, còn gần 20% thai phụ HIV chưa được tiếp cận với thuốc dự phòng khi mang thai và chuyển dạ. Lý do có thể là bệnh nhân đến BV muộn trong giai đoạn chuyển dạ nên không kịp dùng thuốc. Tuy nhiên, có một số nguyên nhân chủ quan từ cơ sở y tế như trả kết quả xét nghiệm muộn, không có thuốc, hoặc đẻ ở tuyến dưới nhưng chuyển tiếp lên trên, cũng có trường hợp cán bộ y tế không nắm vững phác đồ điều trị nên bỏ sót.
(Thứ trưởng Bộ Y tế -  GĐ BV Phụ sản TƯ, PGS.TS Nguyễn Viết Tiến)

Bên cạnh đó, không thể không nói đến hạn chế lớn từ phía cán bộ y tế. Điện Biên mới chỉ có khoảng 15% cán bộ y tế làm về HIV được tập huấn, có kiến thức về DPLNMC. Điện Biên có 8 TP/huyện nhưng mới chỉ có 2 địa điểm là BV đa khoa tỉnh và BV đa khoa Tuần Giáo cung cấp các dịch vụ xét nghiệm, tư vấn, cung cấp thuốc uống, đồng thời cung cấp sữa để các cháu có thể được nuôi bộ hoàn toàn trong 6 tháng đầu nhằm phòng lây nhiễm từ mẹ sang con.

Theo baolaodong online (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video