Làng chiếu nghìn tuổi Tân Lễ: 90% lao động nữ

15/08/2018
Làng Hới (xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) là làng nghề truyền thống có nghề dệt chiếu lâu đời và nổi tiếng với việc cho ra thị trường 4 triệu chiếc chiếu mỗi năm. Gần 90% người lao động nơi đây là phụ nữ.

Nghề phụ cho thu nhập chính

Đang tỉ mẩn nhặt từng sợi cói ngoài sân, bà Nguyễn Thị Điệu (60 tuổi, làng Xiêm Hải, xã Tân Lễ), cho biết: “Tôi làm công việc này được 6 năm rồi. Tôi sống ở làng bên, khi xong việc đồng áng lại sang đây làm thêm. Nói là công việc phụ nhưng lại cho thu nhập chính, tiền công cho việc phân loại cói là 65.000 đồng/tạ, một ngày trung bình tôi cũng nhặt hơn 1 tạ, vậy cũng được 100.000 đồng”.

Bên trong, không khí làm việc khẩn trương và hòa cùng tiếng kêu đều đều của 4 máy dệt như đang chạy hết công suất. Dàn máy dệt vận hành suôn sẻ nhưng chỉ 2 người phụ nữ, một trẻ một trung niên đang chú tâm làm việc.

“1 ca có 2 người làm, 1 máy dệt trung bình 1 tiếng cho thành phẩm là 2 chiếc chiếu. Dù công việc vất vả, trong môi trường tiếng ồn lớn nhưng có việc làm, ở quê với thu nhập 1 ngày công khoảng 120 ngàn đồng cũng ổn rồi”, chị Nguyễn Thị Hải vừa tiếp thêm cói vào máy, chia sẻ.

Nguyên liệu dệt chiếu là cói và sợi đay. Sau khi thu hoạch, đay và cói được chế biến qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì, tỉ mỉ. Vì vậy, người thợ làng Hới phải bỏ nhiều công sức, qua nhiều công đoạn mới hoàn thành một chiếc chiếu đưa ra thị trường.

 Ảnh minh họa

 Chị Nguyễn Thị Hải vào ca với máy dệt chiếu


Chị Nguyễn Thị Hệ, người đảm trách việc vẽ hoa văn lên chiếu, cho biết: “Khi dệt xong, chiếu được phơi ngoài nắng và tiếp theo, người thợ vẽ hoặc in hoa văn lên chiếu với chủ đề khác nhau như chữ thọ, bông hoa, chân dung... Sau đó cho vào nồi chuyên dụng để hấp trong vòng vài giờ đồng hồ và chiếu lại được đưa phơi lần cuối mới cho ra thành phẩm hoàn chỉnh”.

Doanh thu tiền tỷ

Hiện tại, ở làng Hới hầu hết các gia đình đã chuyển sang dệt chiếu bằng máy nên làm chiếu theo phương pháp thủ công như gia đình chị Hà Thị Hương là trường hợp hiếm. Vốn là một người thợ tâm huyết, có nghề lại và gắn bó với công việc dệt chiếu từ nhỏ nên chị Hương xem nó như cái nghiệp của mình và vẫn trung thành với cách dệt chiếu thủ công theo cách cha ông truyền lại.

“Bây giờ trong làng ít người dệt chiếu thủ công như tôi, nhiều hộ đã chuyển sang dệt bằng máy để sản xuất đáp ứng đủ lượng tiêu thụ của thị trường... Việc dệt bằng máy đem lại lợi nhuận cao hơn so với dệt thủ công nên đa số các hộ dần chuyển đổi sang dệt bằng máy”, chị Hương cho biết.

Cũng theo chị Hương, hiện tại chị làm không hết việc vì nhu cầu đặt hàng nhiều. Một ngày với 2 lao động làm được 1 cặp chiếu giá bán trung bình 600 ngàn đồng. Theo chị Hương, chiếu dệt thủ công bền đẹp hơn, chất lượng cũng tốt hơn. Gia đình chị chủ yếu làm hàng đặt cho khách.

Hiện tại, nghề dệt chiếu ở Tân Lễ hàng năm tiêu thụ hơn 8.000 tấn cói và hàng trăm tấn đay. Thế nhưng hiện nay, các vùng trồng cói xung quanh đã bỏ nghề nên cói phải mua từ trong Nam ra.

Làng hiện có 6 đại lý lớn bao trọn việc cung cấp nguyên liệu và thu mua sản phẩm cho cả làng. Với 3.105 hộ, thì có tới trên 95% hộ làm nghề dệt chiếu, một năm dệt được khoảng 4 triệu chiếc chiếu, doanh thu gần 36 tỷ đồng. Chiếu Tân Lễ có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video