Lắng nghe để kết nối, gỡ khó cho phụ nữ hồi hương

15/12/2020
Hôn nhân tan vỡ, cuộc sống nơi đất khách không được như ý... khiến nhiều phụ nữ kết hôn với người nước ngoài phải hồi hương. Trở về quê mẹ, các chị gặp vô vàn khó khăn, thử thách, nếu như không có những cuộc lắng nghe để kết nối.
Phụ nữ hồi hương chia sẻ những khó khăn, vướng mắc khi về nước cùng các đại biểu

"Lắng nghe để kết nối" là chương trình vừa diễn ra do Văn phòng Dịch vụ một điểm đến OSSO Hà Nội tổ chức để lắng nghe, hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương.

Vừa qua, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức chương trình Lắng nghe để kết nối – Hưởng ứng Tháng hành động vì Bình đẳng giới và Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới - Hoạt động truyền thông, tư vấn cho phụ nữ di cư hồi hương tại Văn phòng Dịch vụ một điểm đến OSSO Hà Nội. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án "Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho Phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ" do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, IOM hỗ trợ kỹ thuật.

Trong chương trình này, chúng tôi đã gặp gỡ, lắng nghe chia sẻ của các chị - là những phụ nữ hồi hương có những hoàn cảnh, câu chuyện khác nhau. Câu chuyện của các chị khiến người nghe không khỏi xúc động lẫn xót xa. Nhưng quan trọng hơn, trong buổi sáng ấm cúng, thân tình ấy, lần đầu tiên các chị được giãi bày hết những nỗi lòng của mình, những vướng mắc mà bản thân đang gặp phải.

Câu chuyện của chị C., một phụ nữ ở Hoài Đức (Hà Nội) mở đầu bằng những nét trầm buồn. Chị có chồng cùng quê nhưng cuộc sống khó khăn, bế tắc. Chị chạy chợ khắp nơi để nuôi 8 miệng ăn. Năm 1992, trong một lần đi chợ, chị bị đưa lên Lạng Sơn rồi bị đưa sang Trung Quốc. Sang tới nơi, đón tiếp chị là những người đàn ông xa lạ, trọc đầu khiến chị vô cùng sợ hãi. Lúc này, người phụ nữ đưa chị đi mới bảo "tao đưa mày sang đây lấy chồng cho đỡ khổ, ở quê mày khổ quá".

"Ban ngày cố vui vẻ, ban đêm khóc hết nước mắt", chị C. nhớ lại. Cũng may, gia đình mua chị làm dâu khá tử tế, chị lại sinh cho họ một người con trai nên cũng khá được lòng họ.

Sau 6 năm, chị C. xin phép gia đình nhà chồng để về Việt Nam nhưng họ sợ chị về không sang nữa nên chỉ cho mỗi mình chị về và để cháu bé ở lại. "Nhớ con đến phát khóc, nên lại tìm cách đi chui sang Trung Quốc vì không có giấy tờ hợp lệ. Cứ thế kéo dài trong nhiều năm", chị C. chia sẻ.

Không chỉ vướng mắc chuyện con cái, giờ chị C. đang ở trong hoàn cảnh đi lại bất hợp pháp, các quyền lợi của một công dân gần như không có. Chị đi biệt tăm, chồng ở Việt Nam đã lấy vợ khác nhưng giữa 2 người vẫn chưa ly hôn. Thế nên, về danh nghĩa chị vẫn là vợ của người chồng Việt Nam, trong khi họ đã có tổ ấm mới.

Vì chưa ly hôn với chồng cũ ở Việt Nam nên chị không thể làm giấy tờ, thủ tục kết hôn với người chồng Trung Quốc. Họ thường xuyên đi lại giữa hai nước nhưng thân phận bất hợp pháp. Điều chị C. mong muốn được hỗ trợ là về thủ tục pháp lý để được danh chính ngôn thuận với người chồng Trung Quốc.

Tương tự chị C. là chị H. (Hoài Đức, Hà Nội), chị H. sang Trung Quốc làm công nhân, quen biết rồi sống như vợ chồng với một người đàn ông bản xứ. Hai người có với nhau một cháu bé đã 10 tuổi. Hiện cả gia đình chị sống ở Việt Nam, tuy nhiên giấy tờ, thủ tục pháp lý thì không có gì. Người chồng Trung Quốc cứ phải đi lại giữa hai nước bằng visa du lịch.

Chị H. hỏi liệu chồng chị có thể làm 2 quốc tịch được không? Vợ chồng chị muốn đăng ký kết hôn để danh chính ngôn thuận thì phải làm như thế nào? Làm sao để trên giấy khai sinh của con chị có cả tên bố và mẹ?...

Trong các trường hợp hồi hương mà chúng tôi gặp thì có lẽ chị N. (Hải Dương) là đặc biệt nhất. Chị lớn tuổi và đúng nghĩa là một phụ nữ nông thôn chân lấm tay bùn thuần túy.

Câu chuyện lấy chồng Hàn Quốc của chị cũng hồn nhiên như chị vậy. Dù đã có gia đình ở Việt Nam nhưng vì cuộc sống khó khăn, con thì bị bại liệt khiến chị rơi vào hoàn cảnh bi đát.

Năm 2007, khi chị đang đi gặt ngoài đồng thì có người hỏi: "Cô có đi lấy chồng Hàn Quốc không? Mỗi tháng được 600 đô la". Nghe nói vậy, chị N. gật đầu. Để được sang Hàn lấy chồng, chị đã phải vay ngân hàng 30 triệu đồng chi phí ban đầu.

Khi sang tới Hàn Quốc, gia đình nhà chồng cũng tốt nên tạo điều kiện cho chị đi học tiếng, giao tiếp với cộng đồng người Việt ở đó. "Nhưng tôi già rồi, học dốt, học mãi mà không được gì. Ở nhà thì còn 3 đứa con. Ngôn ngữ bất đồng, cuối cùng tôi phải bỏ về quê", chị N. kể lại.

Các thành viên trong mạng lưới hỗ trợ phụ nữ hồi hương

Giờ lay lắt ở quê nghèo, vừa phải trả nợ cũ, vừa phải nuôi 3 đứa con, 2 đứa thì bại liệt, cuộc sống của chị N. khó khăn chồng chất. Mặt khác, chị chưa ly hôn với người chồng Hàn Quốc nhưng giờ chị không biết thủ tục phải làm như thế nào, trong khi đi đâu, làm thủ tục gì người ta cũng hỏi đến tình trạng hôn nhân. Nếu bảo đã ly hôn thì họ sẽ hỏi giấy tờ đâu.

Sau lắng nghe và kết nối

Đại diện Hội LHPN tỉnh Hải Dương cho biết, câu chuyện của phụ nữ hồi hương ở Hải Dương có 1 điểm chung, các chị có nhu cầu, mong muốn phát triển kinh tế, tìm cách lấy chồng nước ngoài. Nhưng kết quả không được như ý. Hội LHPN tỉnh sẽ phối hợp với Trung ương Hội, Văn phòng OSSO có những chương trình để hỗ trợ cụ thể hơn, chia sẻ thiết thực như học nghề, tạo việc làm cho phụ nữ hồi hương.

Tại chương trình, đại diện Bộ Tư pháp tư vấn, với trường hợp vướng mắc về thủ tục pháp lý như chị C., chị H. thì cần phải ly hôn với cuộc hôn nhân thứ nhất để đến với cuộc hôn nhân thứ 2. Muốn vậy, cả 2 chị phải liên hệ với TAND cấp huyện nơi chị hoặc chồng cũ cư trú để làm thủ tục ly hôn. Với chị C, sau khi xong thủ tục ly hôn với người chồng thứ nhất thì chị làm thủ tục liên quan để kết hôn với chồng Trung Quốc. Về việc này, chị liên hệ với phòng Tư pháp của huyện để được hướng dẫn làm thủ tục.

Trường hợp của chị C. có 1 người con mang quốc tịch Việt Nam và 1 người con mang quốc tịch Trung Quốc. Con mang quốc tịch Trung Quốc đang sinh sống với chị ở Việt Nam thì cháu vẫn được đối xử bình thường, mọi quy định theo pháp luật sở tại với trẻ em nước ngoài.

Đối với trường hợp người chồng Tung Quốc của chị H., 2 bên tự do đi lại giữa 2 nước, điều này tuân thủ thực hiện theo pháp luật của 2 nước. Chồng Trung Quốc mong muốn được nhập quốc tịch Việt Nam thì phải đáp ứng điều kiện của pháp luật nước sở tại. Với chồng chị, thường trú ở Việt Nam thường xuyên 5 năm, thực hiện thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam tại Sở Tư pháp Hà Nội.

Tại chương trình, bà Hoàng Hạnh Nguyên, đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA), cho biết, trong thời gian tới KOICA sẽ tiếp tục phối hợp với Hội LHPN Việt Nam, Dự án OSSO để xây dựng kết nối mạng lưới những phụ nữ di cư hồi hương với nhau và với các cơ quan hỗ trợ người di cư hồi hương, giúp họ tái hòa nhập bền vững khi trở về quê hương. Phụ nữ di cư hồi hương rất cần một điểm đến thân thiện, tin cậy để có thể chia sẻ và kết nối với các cơ quan, dịch vụ cũng như tạo ra mạng lưới chia sẻ của những người cùng cảnh ngộ.

Văn phòng – Một điểm đến – Hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ (OSSO) được thành lập và vận hành tại 5 tỉnh thuộc địa bàn dự án Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho Phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ" do KOICA tài trợ, tổ chức IOM hỗ trợ kỹ thuật (Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hậu Giang, Cần Thơ), nhằm hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ. Hotline OSSO: 1800 599967

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video