Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em

20/09/2020
Thời gian qua, Hội liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Thanh Hóa luôn xác định nội dung "an toàn cho phụ nữ và trẻ em" là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong các hoạt động của Hội.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông, nâng cao nhận thức bảo đảm an toàn cho phụ nữ, trẻ em.

Từ đó, các cấp Hội đã triển khai nhiều phong trào, mô hình hiệu quả, thiết thực, gần gũi với cuộc sống của người dân nhằm huy động sự tham gia của cán bộ, hội viên phụ nữ, nhất là sự chung tay của nam giới trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và ngăn ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Với mong muốn đẩy mạnh, nâng cao nhận thức an toàn cho phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện công tác tuyên truyền thường xuyên, hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua sinh hoạt chi tổ và các hoạt động cộng đồng. Nội dung truyền thông tập trung làm rõ về các hành vi gây mất an toàn cho phụ nữ, trẻ em; các bài học, kỹ năng để có thể bảo đảm an toàn cho bản thân; đồng thời nêu cao trách nhiệm của mỗi người dân trong cộng đồng để tạo ra môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Hình thức truyền thông được các cấp Hội đổi mới đa dạng, phong phú hơn, tạo chiều sâu, mang lại tính lan tỏa và thu hút sự tham gia của mọi tầng lớp, sự vào cuộc của các cấp, các ngành.

Ðáng chú ý, từ năm 2019, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo xây dựng thành công 10 mô hình điểm "Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em" trong toàn tỉnh. Ðể nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình, Hội LHPN tỉnh đã yêu cầu các đơn vị khảo sát, đánh giá thực trạng, lựa chọn đội ngũ Ban điều hành mô hình có năng lực, trách nhiệm, uy tín tại cộng đồng, gồm: Chi hội trưởng phụ nữ làm trưởng ban, đại diện Hội Cựu chiến binh và Chi Ðoàn thanh niên làm phó ban, đại diện các hộ gia đình tiêu biểu là thành viên do chi hội bầu (từ năm đến bảy người). Ðội ngũ Ban điều hành có trách nhiệm xây dựng quy chế hoạt động, ra mắt thành lập mô hình, vận động người dân tham gia vào các lớp tập huấn kiến thức; phát tờ rơi tuyên truyền; thay thế, lắp đặt bóng đèn tại các khu vực có nguy cơ mất an toàn, ít người qua lại, đoạn đường tối, vắng, địa điểm công cộng để bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em khi di chuyển vào buổi tối. Các cấp Hội đã phân công cán bộ phụ trách, dự sinh hoạt định kỳ với mô hình mỗi tháng một lần; cấp phát hòm thư góp ý và quy định các đơn vị đặt hòm thư tại nhà văn hóa thôn, bản để mở định kỳ một tuần/lần nhằm tiếp nhận các ý kiến đóng góp, các vụ việc mất an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Qua đó, đã tổng hợp được nhiều nội dung phản ánh về các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, bạo lực gia đình… Ðồng thời, Ban điều hành đã phối hợp giải quyết, tư vấn, hòa giải và ngăn chặn, xử lý kịp thời nhiều vụ bạo lực, xô xát, mất đoàn kết trong gia đình và cộng đồng.

Thôn Thành Ðức, xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) là một trong những địa bàn được chọn để triển khai mô hình "Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em" trên địa bàn tỉnh. Tại đây, những buổi truyền thông được tổ chức mỗi tháng/lần với nhiều nội dung tuyên truyền về kiến thức phòng, chống xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; chia sẻ các tình huống không an toàn tại cộng đồng; hướng dẫn cách chăm sóc trẻ em theo từng giai đoạn phát triển… Chị Trịnh Thị Nụ, Chủ tịch Hội LHPN xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa cho biết: "Khi tổ chức truyền thông, chúng tôi không chỉ tập trung vào chị em phụ nữ, mà còn mời các ban, ngành, đoàn thể tham gia, gồm Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và Ðoàn thanh niên. Sau khi tuyên truyền, vận động, mọi người ở nhiều tầng lớp, thế hệ, cả nam giới lẫn nữ giới đều hưởng ứng tích cực. Ðồng thời, chúng tôi còn đến các hộ dân với mong muốn kịp thời lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, tìm cách hòa giải vướng mắc, mâu thuẫn trong gia đình, để người dân có cuộc sống yên ấm, hạnh phúc hơn".

Bên cạnh đó, để các thành viên cảm thấy hào hứng khi đến với mô hình, Ban điều hành còn lồng ghép kiến thức vào trong các tiểu phẩm kịch, trò chơi tương tác. Nhờ vậy, không chỉ giúp các hội viên, phụ nữ dễ nhớ, dễ hiểu mà còn thu hút cả các thành viên nam giới lắng nghe, học hỏi. Tham gia mô hình từ những ngày đầu thành lập, chị Nguyễn Thị Vân Anh (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ: "Các bạn trẻ có thể dễ dàng tự tìm hiểu những thông tin bổ ích nhưng với phụ nữ trung tuổi hoặc lớn tuổi cần thông qua những buổi truyền thông trực tiếp tại địa bàn mới có thể giúp cho mọi người tiếp nhận nhanh chóng, cách nhìn đúng đắn về những nội dung tuyên truyền. Từ đó, chúng tôi ý thức được việc bảo vệ cho chính mình, những người thân trong gia đình và cộng đồng".

Phát huy hiệu quả từ các mô hình điểm, đến nay, các cấp Hội đã nhân rộng được 234 mô hình, nâng tổng số lên 244 mô hình "Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em". Các mô hình duy trì sinh hoạt thường xuyên, tuyên truyền các kiến thức pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa xâm hại cho phụ nữ và trẻ em; cho cha mẹ và các thành viên gia đình. Năm 2020, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các đơn vị còn lại xây dựng mô hình điểm "Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em" theo hướng tập trung nguồn lực, lồng ghép thực hiện các mô hình như: "Nhóm cha mẹ chăm sóc và phát triển trẻ thơ", "Ðịa chỉ tin cậy tại cộng đồng", "Nhà sạch vườn đẹp"…

Chị Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa cho biết: Cùng với sự chung tay, góp sức của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, mô hình "Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em" bước đầu đã đem lại điểm sáng tích cực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của hội viên, phụ nữ và cộng đồng. Các vụ việc nổi cộm, gây bức xúc tại địa phương được phát hiện và giải quyết kịp thời cũng như nhiều địa chỉ tin cậy tại cộng đồng phát huy tối đa hiệu quả trong công tác hỗ trợ, tư vấn, trợ giúp cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, góp phần bảo vệ quyền lợi và bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh.

nhandan.com.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video