Lạng Sơn: Cô gái Tày khởi nghiệp nâng tầm nông sản miền núi

19/11/2021
Với khát khao và nỗ lực của mình, Giám đốc Hợp tác xã chế biến nông sản Lụa Vi - chị Vi Thị Lụa đã giành giải Nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP - giải thưởng cao nhất tại Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2021.

Yêu những sản phẩm của miền núi quê mình, chị Vi Thị Lụa (thôn Mu Cai Pha, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) đã chế biến, sáng tạo ra sản phẩm trà diếp cá và nhiều sản phẩm khác từ thảo dược tự nhiên, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với chị Vi Thị Lụa là sự năng động và quyết đoán. Nếu chị không chia sẻ, ít người nghĩ nữ Giám đốc Hợp tác xã sinh năm 1986 này từng có gần 10 năm đứng trên bục giảng. Hàng ngày, chứng kiến cuộc sống khó khăn của bà con trên địa bàn xã, nông sản khó tiêu thụ, giá cả bấp bênh, trong khi nguồn dược liệu trong vùng rất dồi dào, chị Lụa đã quyết định dừng công việc giảng dạy để tập trung nghiên cứu thị trường, chế biến các sản phẩm từ nông sản.

Giám đốc Hợp tác xã chế biến nông sản Lụa Vi - chị Vi Thị Lụa năng động và quyết đoán

Phát huy giá trị của nông sản Việt

Chị Vi Thị Lụa chia sẻ:  Qua thực tế tìm hiểu, chị nhận thấy nhu cầu thị trường về các sản phẩm nước uống giải nhiệt, giảm huyết áp, thực phẩm chức năng làm đẹp (đắp mặt nạ) có nguồn gốc từ sản phẩm nông nghiệp khá cao. Trong khi đó, trên địa bàn xã, vùng lân cận có sẵn nguồn nguyên liệu tự nhiên thuận tiện cho chế biến.

Cuối năm 2019, chị đã thu mua một số loại như nghệ, tam thất, bí đỏ... để chế biến thành đồ uống, thực phẩm. Để có nguồn nguyên liệu chế biến, cơ sở đã thu mua nông sản của người dân trong xã và các xã khác trên địa bàn tỉnh. Theo tính toán của chị Lụa, sau khi chế biến thành phẩm, giá trị của các sản phẩm nông nghiệp trên tăng từ 7 đến 8 lần. Đặc biệt, xác định chất lượng sản phẩm chính là hướng đi bền vững, lâu dài, nên chị Vi Thị Lụa luôn chú trọng vào quy trình sản xuất. Sản phẩm làm ra có đủ nhãn mác, bao bì và tem truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin về quy trình chăm sóc, sản xuất.

Sản phẩm của Hợp tác xã chế biến nông sản Lụa Vi chế biến từ nguyện liệu có sẵn tại địa phương

Đến giữa năm 2020, chị Lụa bắt đầu chế biến trà diếp cá. Tại vòng thi thuyết trình Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021, sản phẩm trà diếp cá của chị Vi Thị Lụa đã gây ấn tượng với ban giám khảo, bởi chị tự tin, sản phẩm dù chỉ từ nguyên liệu thân thuộc của làng quê Việt nhưng có sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại đến từ Nhật Bản.

Trà diếp cá Lụa Vi là thương hiệu trà diếp cá túi lọc đầu tiên tại Việt Nam, với nguyên liệu chủ đạo là cây diếp cá miền núi được trồng ở ruộng bậc thang của người dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn để tạo ra sản phẩm đặc trưng vùng miền.

Trà diếp cá của chị Vi Thị Lụa là thương hiệu trà diếp cá túi lọc đầu tiên tại Việt Nam

Chị Vi Thị Lụa giới thiệu: Để giữ được dược tính cũng như hương vị cho sản phẩm, chị đã sử dụng công nghệ sấy lạnh kết hợp với sấy lò hơi ở nhiệt độ thấp theo kĩ thuật, quy trình riêng, kết hợp với cây cỏ ngọt, lá dứa nếp và một số thảo dược vùng núi tạo ra hương trà thơm, màu trà vàng tươi, trong suốt đẹp mắt, vị trà có sự riêng biệt khó lẫn với trà diếp cá trên thị trường.

Cơ sở sản xuất của chị Lụa tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Cùng với giá thành thu mua từ 10 - 12 nghìn đồng/cân diếp cá tươi, cơ sở sản xuất của gia đình chị cũng tạo việc làm cho nhiều bà con nông dân ở địa phương và nhiều nơi khác.

Các sản phẩm do hợp tác xã sản xuất đã vinh dự nhận chứng nhận top 50 thương hiệu uy tín – sản phẩm chất lượng – dịch vụ hoàn hảo năm 2020, Top 10 thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng đất Việt năm 2021, Top 10 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Lạng Sơn năm 2021.

Linh hoạt kinh doanh trong mùa dịch Covid-19

Dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhiều đơn vị sản xuất, trong đó có Hợp tác xã chế biến nông sản Lụa Vi gặp không ít khó khăn. Đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm bị tác động, buộc chị phải linh hoạt điều chỉnh mô hình kinh doanh cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và sự thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

Song song với phương thức bán hàng truyền thống, chị đã mở rộng kinh doanh online trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử thông qua các ứng dụng công nghệ hiện đại, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, tham gia các hội chợ triển lãm, ký kết hợp đồng với các spa trên toàn quốc.

Chị Lụa cũng triển khai những chiến lược quảng bá, xây dựng hình ảnh thương hiệu tốt đáp ứng được nhu cầu, vấn đề của khách hàng. Trong đó, quyền lợi của khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu thông qua việc duy trì chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, lượng hàng tiêu thụ của Hợp tác xã ổn định.

Đồng thời, chị Lụa cũng tạo việc làm cho lao động tại địa phương và tạo mối liên kết, tiêu thụ nông sản với hàng chục hộ dân ở trong và ngoài xã, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Chị Vi Thị Lụa đã ứng dụng công nghệ hiện đại, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, chị Lụa cho biết: Thời gian tới, Hợp tác xã chế biến nông sản Lụa Vi tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng các sản phẩm; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, nhất là sản phẩm trà diếp cá để đưa thương hiệu trà diếp cá Lụa Vi đến với các gia đình Việt trên toàn quốc. Nữ giám đốc dân tộc Tày Vi Thị Lụa cũng đang ấp ủ dự định đưa sản phẩm vươn xa, khẳng định giá trị của thương hiệu mang hương vị núi rừng "made in Vietnam".

bve

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video