Lạng Sơn: Phụ nữ Chi Lăng năng động phát triển kinh tế

22/03/2021
Thời gian qua, phụ nữ huyện Chi Lăng đã và đang khẳng định vị thế trên các lĩnh vực. Chị em đã tự tin, năng động phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, trở thành tấm gương tiêu biểu cho phụ nữ toàn tỉnh.
Mô hình nuôi bò vỗ béo của hội viên phụ nữ thôn Nà Pe, xã Bằng Mạc, huyện Chi Lăng

Năm 2010, chị Vũ Thị Thơm, hội viên phụ nữ thôn Ga, xã Chi Lăng mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả như: bưởi, ổi, nhãn. Hiện nay, chị có hơn 400 cây ăn quả các loại, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng với mức thu nhập 200 triệu đồng/năm. Chị Thơm cho biết: Vừa học vừa làm, tôi chịu khó tham khảo cách thức trồng cây ăn quả ở các nơi, tích lũy kinh nghiệm sau các mùa vụ. Từ đó, cuộc sống ổn định, no ấm hơn.

Từ những sản phẩm nông nghiệp của địa phương, chị Vy Thị Lụa,  hội viên phụ nữ thôn Mu Cai Pha, Giám đốc Hợp tác xã chế biến nông sản Lụa Vy, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng đã thu mua, sáng tạo ra những sản phẩm như: tam thất tinh bột nghệ, trà diếp cá, trà chùm ngây… Dù các sản phẩm mới ra đời từ cuối năm 2019 nhưng  đã dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường, đem lại doanh thu từ 300 đến 500 triệu đồng/năm.

Đây chỉ là 2 điển hình trong hàng nghìn phụ nữ làm kinh tế giỏi của huyện Chi Lăng. Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Chi Lăng, trong năm 2020, toàn huyện có 1.541 hộ hội viên sản xuất kinh doanh giỏi, đa dạng các lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, kinh doanh dịch vụ… Trong đó có hơn 500 mô hình cho thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên.

Để hội viên có vốn phát triển kinh tế, các cấp hội đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hội viên vay vốn, với tổng dư nợ hiện nay hơn 91 tỷ đồng, cho hơn 1.988 hộ vay, qua 59 tổ  tiết kiệm và vay vốn. Số vốn vay được hội viên sử dụng đúng mục đích, phục vụ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Bà Vy Thị Thu Trang, Chủ tịch Hội LHPN huyện Chi Lăng cho biết: Với hơn 13 nghìn hội viên, phụ nữ chiếm trên 50% lực lượng lao động. Xác định vai trò quan trọng của việc hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, từ huy động vốn, tăng cường, phối hợp tập huấn khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho hội viên, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Đặc biệt, chỉ đạo các cấp hội rà soát, chú trọng đến đối tượng hội viên phụ nữ nghèo, mỗi năm 1 cơ sở hội phấn đấu giúp 1 – 2 hộ hội viên nghèo làm chủ hộ thoát nghèo. Trong năm 2020, chúng tôi đã giúp đỡ 144 hội viên phụ nữ thoát nghèo.

Cùng với hỗ trợ vốn, các cấp hội phụ nữ huyện Chi Lăng đã phối hợp tập huấn khoa học kỹ thuật cho hội viên. Từ năm 2020 đến nay, các cấp hội phụ nữ huyện đã phối hợp mở 6 lớp dạy nghề cho 86 hội viên, 26 buổi tuyên truyền về các mô hình kinh tế có hiệu quả.

Chị Lương Thị Tuyến, hội viên phụ nữ thôn Thồng Noọc, xã Bằng Hữu cho biết: Tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi trâu, bò vỗ béo do Hội LHPN phối hợp tổ chức, tôi có thêm kiến thức khoa học kỹ thuật, khắc phục được hạn chế của chăn nuôi truyền thống. Nhờ đó, đàn trâu của gia đình khỏe mạnh, phát triển tốt, cho thu nhập cao hơn. Trước đây, 3 năm mới được 1 lứa trâu, bây giờ trung bình mỗi năm, tôi bán được 2 lứa, từ 4 – 5 con/lứa, , trừ chi phí, tôi lãi  30 triệu đồng/1 lứa.

Ngoài ra, các cấp hội phụ nữ huyện còn hỗ trợ hội viên khởi sự, kinh doanh bằng việc thành lập các mô hình “Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm”, hướng dẫn hồ sơ thành lập hợp tác xã, hồ sơ khởi nghiệp, hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Đơn cử từ năm 2020 đến nay, các cấp hội phụ nữ huyện đã lựa chọn, xây dựng được 10 mô hình “Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm” với 640 hội viên phụ nữ tham gia. Đồng thời phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ nhãn mác, tem, bao bì cho hơn 540 hộ hội viên trồng na, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc cho 87 hộ hội viên trồng rau bò khai.

Có thể nói, phụ nữ huyện Chi Lăng ngày càng khẳng định được sức sáng tạo, năng động trong phát triển kinh tế với những sản phẩm nổi tiếng trong và ngoài tỉnh như: Na Chi Lăng, cao khô Vạn Linh, tinh bột nghệ Hồng Nhung, mật ong Vân Thủy… Qua đó tạo việc làm cho nhiều lao động, đóng góp tích cực vào sự phát triển, kinh tế xã hội của địa phương.

baolangson

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video